.

Bảy mươi lăm năm đọc lại Báo Sông Hương

.

Báo Sông Hương là tuần báo ra ngày thứ bảy tại Huế vào năm 1936 do nhà báo Phan Khôi – cha tôi – sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tòa soạn đặt tại số 80 phố Gia Hội, Huế. Đó cũng là nhà ở của ông và mấy người con giúp việc làm báo.

Số 1 tuần báo Sông Hương ra đời vào ngày 1 tháng 8 năm 1936, rồi vì thiếu hụt tài chính, phải tự đình bản từ ngày 23 tháng 7 năm 1937, tính ra, báo chỉ sống được 8 tháng với 32 số báo.

Hiện nay, tại Thư viện quốc gia Việt Nam chỉ còn một bộ duy nhất, đó là bản nộp lưu chiểu của Báo Sông Hương, trải qua 80 năm đã hư hỏng nhiều, giấy ố vàng, có trang bị rách hoặc nhòe chữ, không xem được.

Do đó, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây nhận trách nhiệm xuất bản báo này thành sách, góp phần bảo tồn tờ báo đã có đóng góp vào một giai đoạn văn hóa của nước nhà.

Báo Sông Hương năm ấy đã quy tụ nhiều cây bút tiêu biểu như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Lê Trang Kiều, Đào Trinh Nhất, Vũ Trọng Phụng, Khải Hưng, Nhất Linh…

Với vai trò chủ nhiệm kiêm chủ bút, cha tôi đã là tác giả của nhiều bài trong báo này, và hầu như ông là cây bút chủ lực. Có lúc, trong một số báo, ông đã có đến ba, bốn bài ký tên khác nhau. Có bài, ông để tên thật là Phan Khôi, có bài để tên tờ báo là Sông Hương, hoặc một bút danh khác.

Ngày cha tôi làm báo này, tôi mới mười tuổi, còn học lớp ba trường làng nên chưa biết gì nhiều về tờ báo.

Sau ngày báo đình bản, cha tôi trả nhà thuê, dọn dẹp tất cả đồ đạc chở về quê, trong đó rất nhiều sách báo, tất nhiên là có mấy tập báo Sông Hương. Từ đó, trong nếp nhà ngói xưa của gia đình tôi đã hình thành một tủ sách ở chái phía đông mà chị em tôi phải hằng ngày chăm sóc, quét dọn. Những năm ấy tôi còn bận đi học nên tuy ham đọc báo, thì giờ cũng bị hạn chế. Vì vậy, có xem mà chưa thật hiểu biết.

Vừa rồi, dịp may hiếm có tôi được một người bạn tặng cho tập báo Sông Hương in lại, đủ 32 số, to như một cuốn từ điển cỡ lớn. Hỏi ra mới biết bộ ấn phẩm này chỉ phát hành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Lần giở từng trang, tôi vui mừng như gặp lại người bạn cũ, lòng thật sự xúc động thấy lại những mục quen thuộc mà ngày xưa tôi cũng đã từng xem: Sử học, khoa học, Quốc văn nghiên cứu, Sử liệu từng mảnh vụn, Chương Dân thi thoại, Ngự sử đàn văn. Rồi còn truyện dài, truyện ngắn, thơ, không số nào không có. Các bài ký sự Đi học đi thi, các bài phê bình văn học, phê bình thơ…

Báo còn có nhiều bài viết về các vị vua triều Nguyễn, về các cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam với các nhà lãnh đạo Thái Phiên, Trần Cao Vân, rất có ích cho các nhà nghiên cứu về sử.

Tuy chỉ sống trong thời gian ngắn 8 tháng với 32 số báo, Sông Hương cũng đã làm đúng với tôn chỉ, mục đích, với lời tuyên ngôn ban đầu, ở bài Sông Hương chào đời đăng ở số 1: “Một điều chúng tôi ao ước là, hiện ở xứ ta, hình như bà con đang khát khao một tờ báo chuyên về sự học vấn tri thức mà chưa có. Tờ Sông Hương này ra đời, hoặc có thể bù vào chỗ thiếu thốn ấy chăng”.

Ngay từ số đầu, Sông Hương có những bài “Vấn đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý” của Hoài Thanh, “Thơ và nhạc” của Lưu Trọng Lư, “Quan niệm về lịch sử” của Vũ Ngọc Phan, “Những chữ có họ với nhau” của Phan Khôi, truyện dài “Tiếng võng đưa” của Thúy Na – Lê Tràng Kiều, “Giới thiệu thi nhân” của Trần Thanh Mai…

Theo lời giới thiệu của Tiến sĩ Phạm Hồng Toàn, ngay trang đầu của tập báo Sông Hương, thì việc ấn bản báo Sông Hương là để góp phần vào việc bảo tồn một tờ báo đã có đóng góp không nhỏ vào một giai đoạn văn hóa của đất nước.

Là con cháu của cố nhà báo Phan Khôi, chúng tôi rất hoan nghênh việc làm của Nhà xuất bản Lao động cùng Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, để khỏi mai một những tư liệu quý giá, giúp bạn đọc, giúp các nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa, lịch sử báo chí Việt Nam. Qua bài báo này, và thay mặt cho đại gia đình nhà báo Phan Khôi, chúng tôi xin gửi đến Tiến sĩ Phạm Hồng Toàn, người sưu tầm và tuyển chọn bài, cùng những cộng sự của ông lời cảm ơn chân thành và sâu sắc.

PHAN THỊ MỸ KHANH

;
.
.
.
.
.