Tờ báo kinh tế của Nhật Bản, Nikkei đã viết về thách thức của ô-tô Nhật Bản tại thị trường Đông Nam Á khi mà các nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc quyết tâm chiếm lĩnh thị trường. Ô-tô Nhật Bản chiếm tới 70% thị phần ở Đông Nam Á (ĐNA) nhưng Trung Quốc không hề e dè khi đổ tiền vào thị trường này vì tin rằng giá xe rẻ khoảng 20% so với đối thủ chính thì vẫn có thể từng bước chiếm lĩnh.
MG3 là con “át chủ bài” của Trung Quốc cạnh tranh với ô-tô Nhật Bản. |
Tại Triển lãm Motor Quốc tế Thái Lan diễn ra hồi cuối tháng 11 vừa qua tại Bangkok (Thái Lan), phần lớn các nhà sản xuất ô-tô quyết định không mở nhạc tại gian hàng của mình vì sự tôn kính với Vua Bhumibol Adulyadej. Tuy nhiên, SAIC-CP Motor – một công ty liên doanh giữa SAIC Motor Thượng Hải (Trung Quốc) với tập đoàn Charoen Pokphand (Thái Lan) lại chơi nhạc xập xình. Lý do là họ đang quảng cáo mẫu ô-tô thể thao được cho là giá cả phải chăng.
SAIC Motor Thượng Hải cũng vừa động thổ một nhà máy tại tỉnh Chonburi ở miền đông Thái Lan hồi tháng 10 vừa qua. Công suất dự kiến của nhà máy này là 200.000 ô-tô mỗi năm nên đây là nhà máy lớn nhất của SAIC Motor Thượng Hải bên ngoài đại lục. SAIC không tiết lộ giá trị đầu tư nhà máy nhưng báo chí Thái Lan dự đoán thấp nhất là 30 tỷ baht (tương đương 842 triệu USD). SAIC bắt tay với General Motors xây dựng một nhà máy ở Indonesia trị giá 700 triệu USD để sản xuất ô-tô thương hiệu Wuling với công suất 150.000 chiếc mỗi năm.
Vì sao SAIC tự tin bước vào cuộc chiến giành thị phần với ô-tô Nhật Bản? Đó là giá cả phải chăng. Chẳng hạn như chiếc MG3 chiếm 70% doanh thu của SAIC bán giá thấp hơn 20% so với chiếc Vios của Toyota. Phó Giám đốc phân phối sản phẩm của SAIC tại Thái Lan là Pongsak Lertrudeewattanawong cho biết “Chúng tôi là tên tuổi nhỏ nên chính sách giá cả sẽ nắm vai trò then chốt cho thành công”.
Công ty Beiqi Foton Motor cũng xây dựng một nhà máy ở Thái Lan với mục tiêu sản xuất 10.000 xe bán tải mỗi năm. Thái Lan là nước thứ ba sau Nga và Ấn Độ mà Beiqi Foton Motor xây dựng nhà máy. Chủ tịch Foton tại Thái Lan là Geng Chao cho biết Foton tự tin vào khả năng chen chân ở thị trường ĐNA. Foton hạ giá thành sản phẩm bằng cách nội địa hóa 55% nhằm tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, tập đoàn “mẹ” của Foton là BAIC đổ tiền vào ô-tô điện cho một nhà máy ở Malaysia nhằm sản xuất các xe điện có vô-lăng nằm bên phải cho thị trường Malaysia và Thái Lan.
Giá cả rẻ hơn và đầu tư ào ạt như thế liệu có giành được thị phần của ô-tô Nhật Bản tại ĐNA hay không? Số liệu thống kê cho thấy ô-tô Trung Quốc tại 6 thị trường lớn nhất ĐNA ở mức quá khiêm tốn 0,2%. Một nhà phân tích ô-tô tại Thái Lan nhận định: Ô-tô Trung Quốc có rất nhiều vấn đề như kiểm soát chất lượng, mất giá rất mạnh khi bán lại và thiếu cơ sở bảo hành - sửa chữa. Sanshiro Fukao là Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hamagin cho rằng quá khó để ô-tô Trung Quốc có thể đe dọa đối thủ Nhật Bản. Họa chăng xe điện Trung Quốc thắng thế bởi vì loại phương tiện này phát triển ở Trung Quốc mạnh hơn Nhật Bản và đang được ưa chuộng là Thái Lan và các nước ĐNA khác.
ANH THƯ (Theo Nikkei)