Lịch sử là một câu chuyện và câu chuyện ấy bao giờ cũng hấp dẫn những học trò luôn tò mò, muốn biết phần kết nếu như người kể chuyện biết cách thu hút, giúp học trò hòa vào không gian, tìm kiếm những bí mật ẩn chứa trong đó. Chưa hết, những câu chuyện quanh mình nhiều khi hấp dẫn hàng vạn lần so với chuyện ở một nơi xa nào đó, cho nên những giờ học lịch sử địa phương, những buổi học ở bảo tàng mà ngành giáo dục Đà Nẵng triển khai nhiều năm qua đã tạo được “chỗ đứng” trong trái tim và quyển vở của những cô cậu học trò.
Cô Kim Minh và học trò trong một tiết dạy Sử ở Trường THCS Trần Quý Cáp. Ảnh: H.N |
Lịch sử là câu chuyện
Dự một tiết học môn Lịch sử của lớp 9/4, Trường THCS Trần Quý Cáp, quận Cẩm Lệ, do cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh giảng, mới thấy quyển sách giáo khoa chỉ là bản lề cho bài học. Nói về lịch sử hình thành các cộng đồng kinh tế ở châu Âu, về thị trường chung châu Âu, cô Kim Minh đặt câu hỏi với học trò: việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) là có nên không, với cả hai phía nhân dân Anh và chính phủ Anh? Và tác dụng lớn nhất của EU với kinh tế thế giới thể hiện ở những mặt nào? Tôi nghĩ với những câu hỏi đó, một người đã tốt nghiệp đại học chắc cũng phải suy nghĩ khá lâu mới trả lời được, chưa nói đến chuyện phải đọc sách báo. Vậy mà những em học trò lớp 9 trả lời vo vo, tất nhiên là chưa đầy đủ như câu trả lời của các chuyên gia. Nhưng để trả lời được câu hỏi của cô giáo, các em buộc phải đọc báo, xem ti-vi, phải biết diễn biến tình hình kinh tế-xã hội hiện nay như thế nào… Chưa hết, từ EU, cô Minh lái sang mái nhà chung ASEAN, để xem những điểm tương đồng, những khác biệt mà Việt Nam là một chủ thể trong đó.
Theo cô Kim Minh, môn Lịch sử không có gì gò bó, học sinh học với cô được thảo luận thoải mái và không cần nói như trong sách. Cô quan niệm lịch sử là một câu chuyện nên mọi vấn đề cô đưa ra là vấn đề mở, để các em suy nghĩ và đưa ra quan điểm về vấn đề đó. “Lịch sử luôn luôn là một câu chuyện, có biến cố bất ngờ, mình giúp học sinh giải quyết các biến cố và nghĩ tương lai sẽ như thế nào. Biết phân tích và nhìn nhận, bài học lịch sử sẽ trở thành kinh nghiệm cho chính các em”, cô Kim Minh nhìn nhận. Không khô khan, không liệt kê, những sự kiện lịch sử qua cách giảng của cô trở thành một câu chuyện sống động.
Trường THCS Trần Quý Cáp là một trong số ít các trường có riêng phòng học dành cho bộ môn Lịch sử, do cô Kim Minh và các thầy cô trong tổ bộ môn Lịch sử xây dựng nên. Gần một nửa gian phòng trưng bày các chủ đề về chủ quyền biển đảo, sách tham khảo, các mô hình thể hiện trong bài học. Sự sắp đặt, bố trí các hiện vật trong phòng tái hiện cả quá trình dựng nước của ta bắt đầu từ thời vua Hùng cho đến ngày đất nước thống nhất, non sông quy về một mối.
Còn nhớ mấy năm về trước, trong một lần đi tìm học sinh ham trò chơi điện tử, bỏ bê học hành, trò bày cho cô chơi Đế chế III. Sau đó cô đưa phần mềm đồ họa của trò chơi này vào giảng dạy bài trận chiến thành Cổ Loa. Năm 2011, đề tài “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” của cô Minh đoạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Hay tiết giảng Nghệ thuật chiến tranh trên sông Bạch Đằng của cô cũng từng đoạt giải ba hội thi sáng tạo ngành giáo dục thành phố. Đây là bài giảng cô đã sử dụng phần mềm trò chơi và phim hoạt hình để dựng cảnh miêu tả lại chiến thắng Bạch Đằng.
Đội ngũ học sinh giỏi của cô Minh năm nào tham gia các cuộc thi cũng đoạt giải cao. Trong số học sinh giỏi môn Lịch sử vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các học sinh xuất sắc đoạt giải môn này, học trò của cô giáo Minh luôn ghi danh hàng đầu về số lượng và chất lượng trên địa bàn quận. Cô bảo, khơi dậy tình yêu lịch sử thì không khó, cái khó nằm ở chỗ giữ được ngọn lửa ấy lan tỏa ra nhiều thế hệ học trò tiếp theo.
Thấm nhuần lịch sử đâu cần qua sách vở
Cũng như tiết Lịch sử ở lớp, giờ học ngoại khóa ở bảo tàng do các trường tiểu học, THCS, THPT tổ chức có thể hấp dẫn với em này mà không hấp dẫn với em kia, tất cả đều do thái độ, tâm thế tiếp thu của từng em. Nhưng nếu được xem những bài viết thu hoạch, những mô hình các em cất công xây dựng sau giờ ngoại khóa, mới thấy chương trình học Sử ở bảo tàng đem lại hiệu quả rất lớn cho học sinh.
Chương trình “Giờ học ngoại khóa” tại Bảo tàng Đà Nẵng được bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 9-2014. Thông qua các tài liệu, hiện vật được trưng bày, học sinh sẽ có những giờ học sinh động và hấp dẫn. Năm đầu tiên, Bảo tàng Đà Nẵng đưa ra 10 chủ đề khác nhau cho các trường học lựa chọn. Cuối mỗi giờ học, cán bộ Bảo tàng có những bài khảo sát đơn giản hoặc phần câu hỏi nhanh kèm với những món quà nhỏ nhằm kích thích tinh thần học tập, qua đó có thể đánh giá mức độ tiếp thu bài học của các em học sinh.
Trong năm học 2015 - 2016, cả 3 khối tiểu học, THCS và THPT với 32 trường đã thực hiện 69 buổi học ngoại khóa ở Bảo tàng Đà Nẵng, với 3.355 học sinh. Năm học này, Bảo tàng Đà Nẵng tăng lên 12 chủ đề liên quan đến các nội dung trưng bày của Bảo tàng và chuyên đề về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dành cho đối tượng học sinh các cấp trên địa bàn thành phố. Từ tháng 9 đến tháng 10-2016 đã có 8 trường, 881 học sinh tham gia 19 buổi học ngoại khóa ở đây.
Thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho rằng, việc ngành giáo dục Đà Nẵng đưa phần giáo dục lịch sử Đà Nẵng vào chương trình chính khóa dành cho học sinh, muốn giúp các em hiểu kỹ hơn về mảnh đất quê hương nơi mình đang sống. Hiểu và yêu quê hương, mới mong các thế hệ tương lai hiểu và yêu đất nước. Nhờ đó, những chủ đề tại các buổi học ngoại khóa mà Bảo tàng Đà Nẵng mới đưa vào như Những di tích cấp quốc gia được giới thiệu trong trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng: Di tích Thành Điện Hải, Di tích K20, Nhà lưu niệm Mẹ Nhu và Bảy Dũng sĩ Thanh Khê; Dấu vết Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Đà Nẵng; Các làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu ở Đà Nẵng: Nghề điêu khắc đá Non Nước, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm bánh tráng Túy Loan… sẽ là bài học để các em nắm và muốn có cơ hội tìm hiểu về quê hương.
Cách đây 6 năm, Trường THPT Ngũ Hành Sơn đề nghị học sinh, giáo viên sưu tầm hình ảnh, tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sau đó nhà trường tổ chức triển lãm về hai quần đảo này. Nay những hiện vật này được đưa vào phòng truyền thống và thư viện nhà trường. Thầy Trần Đạt cho rằng, tăng nhận thức cho học sinh, phụ huynh, giáo viên về hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vừa là trách nhiệm, vừa là để mọi người hiểu rõ hơn về bài học lịch sử này.
Nhiều trường học ở Đà Nẵng đang ít nhiều muốn học sinh hiểu và yêu thêm từng trang sách lịch sử và để cho học sinh thấy rằng, lịch sử diễn ra xung quanh chứ không hẳn nằm trong trang sách khô khan đầy rẫy các sự kiện khó nhớ. Như cô Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ thư viện Trường tiểu học Lý Công Uẩn, quận Hải Châu muốn giới thiệu cho giáo viên và học sinh trong trường về quyển “Kỷ yếu Hoàng Sa” đã phải mất hai tuần “nghiền ngẫm”. Để rồi sau đó, nhiều giáo viên tìm mượn quyển “Kỷ yếu Hoàng Sa” và rất nhiều học sinh khối lớp 4 - 5 của trường cứ tranh thủ giờ ra chơi là chạy lên phòng thư viện để tìm đọc.
Những giờ học ngoại khóa, những buổi kể chuyện dưới cờ, những bài học lịch sử hấp dẫn, để đọng lại trong lòng học trò cần một phương pháp truyền đạt, trao đổi những kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương, đặc biệt là vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam… Qua mỗi bài học lịch sử là một câu chuyện kể, một nhân vật trung tâm làm điểm nhấn, có cái được và cái mất, để người đời sau rút ra bài học, kinh nghiệm cho mình, nhờ đó ở một số trường học, vẫn có những em học sinh yêu môn Lịch sử, có những thầy cô đau đáu với từng bài giảng, từ đó sử mới là máu thịt của mỗi người.
HOÀNG NHUNG