Đà Nẵng cuối tuần

WIFI CÔNG CỘNG

Nơi suôn sẻ, chỗ chập chờn

07:42, 04/12/2016 (GMT+7)

Sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng, hệ thống Internet không dây (wifi) miễn phí của thành phố góp phần đáp ứng nhu cầu truy cập Internet tốc độ cao của người dân và du khách tại nhiều địa điểm công cộng. Song, theo phản ánh, bên cạnh mặt tích cực, không ít ý kiến phàn nàn về hiện tượng “chập chờn” của hệ thống.

Kiểm tra, lắp đặt wifi công cộng trên đường Lê Duẩn. Ảnh: TRẦN NGỌC
Kiểm tra, lắp đặt wifi công cộng trên đường Lê Duẩn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Khó truy cập ngoài “vùng phục vụ”

Chị Lê Ngọc (Báo Thể thao) - tác nghiệp tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG 5) vừa qua cho biết, chị rất hài lòng với chất lượng đường truyền Internet không dây tại Trung tâm Báo chí ABG 5, trong những ngày diễn ra sự kiện này. “Với số lượng phóng viên đến tác nghiệp khá đông, song tốc độ truy cập wifi nhanh, ổn định. Từ hôm khai mạc, trong các ngày thi đấu đến khi bế mạc, chúng tôi không hề gặp phải trở ngại nào về đường truyền wifi miễn phí”, chị Ngọc nhận xét.

Được biết, trong những ngày diễn ra ABG 5, thành phố đã tăng cường thêm 22 điểm truy cập không dây (gọi là access point) ở các điểm thi đấu, gần Trung tâm Báo chí, dọc bãi biển Mỹ Khê và một số tuyến đường biển gần khu vực thi đấu, mỗi điểm đặt cho phép đồng thời truy cập 60-80 lượt. Ngoài ra, bộ phận kỹ thuật còn chuẩn bị các thiết bị dự phòng nhằm bảo đảm chất lượng đường truyền Internet ổn định, phục vụ nhiệm vụ truy cập thông tin tốt nhất có thể. Vì vậy, chất lượng phục vụ Internet không dây tại các điểm phục vụ trọng yếu tại ABG 5 được đánh giá khá cao.

Song, cũng theo chia sẻ của nhà báo Lê Ngọc, đó là chất lượng truy cập tại Trung tâm Báo chí, khi chị về đến khách sạn - cách các điểm thi đấu không xa thì việc đăng nhập vào hệ thống wifi bắt đầu khó khăn, lúc được lúc không.

Theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian qua, họ gặp khá nhiều khó khăn “đến nản” trong việc cố truy cập vào hệ thông wifi thành phố, ngay tại nhiều tuyến đường trung tâm của thành phố như Bạch Đằng, Lê Duẩn, Trần Phú, Quang Trung… “Đặc biệt, tại các tuyến đường ven biển, khách du lịch khá phàn nàn và dần “thả tay” với mạng wifi của thành phố vì truy cập quá vất vả”, anh Nguyễn Xuân Lâm - một du khách đến từ Hà Nội, thổ lộ.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), mỗi ngày hệ thống wifi thành phố có trung bình khoảng 20.000 lượt truy cập, tối thiểu 10.000 lượt, tối đa 34.000 lượt, tổng băng thông sử dụng của toàn hệ thống mới chiếm 40% băng thông phục vụ. “Do vậy, hệ thống có thể bảo đảm truy cập tốc độ cao của người dân và du khách khi truy cập hệ thống wifi của thành phố”, ông Lê Sơn Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Đà Nẵng nói.

Ông Lê Sơn Phong cho biết, hiện toàn thành phố đặt 429 điểm truy cập wifi, với hai loại: loại trong nhà được đặt tại Trung tâm Hành chính thành phố, UBND các quận, huyện, một số khu chung cư thu nhập thấp, nhà ga sân bay, còn lại hơn 200 điểm ngoài trời được đặt trên nhiều tuyến đường lớn, đường ven biển, điểm tham quan, du lịch, lễ hội... Về mặt công nghệ, các điểm truy cập wifi sử dụng công nghệ Mesh (mắc lưới), tiêu chuẩn IEEE 802.11 a/b/g/n (phiên bản mới nhất cho hệ thống wifi) cùng hệ thống đồng bộ trung tâm, quản lý tập trung, thiết bị bảo mật... Băng thông kết nối lớn, bảo đảm chất lượng, hệ thống đường truyền được hợp tác hạ tầng rất tốt; từ năm 2014, thời lượng truy cập của một lượt dùng được nới rộng từ 20 phút trước đây lên tối đa đến 60 phút…

Tối ưu hóa năng lực phục vụ

Hệ thống wifi công cộng thành phố là một hợp phần của hạ tầng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử, với mục tiêu tiên quyết là cung cấp giúp cán bộ, công chức, người dân và du khách có một kênh truy cập các thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến của thành phố nhằm hướng tới xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, sau mới sử dụng để truy cập Internet. Nhà nước không đầu tư hệ thống để “tranh giành khách hàng của các công ty viễn thông, nhà mạng”, vì vậy người dân và du khách, có thể đã “chưa tiếp cận đúng mục đích”.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa hệ thống wifi thành phố giới hạn nội dung truy cập. Theo ông Phong, vấn đề cốt lõi là “vùng phục vụ”: Hiện tại, bán kính phục vụ tốt nhất của các điểm truy cập wifi tại Đà Nẵng là 100m. Trong vùng phục vụ này, người truy cập không chỉ truy cập vào dịch vụ công, đọc báo mà còn có thể nghe nhạc, xem phim…

Tuy nhiên, khi truy cập ở khoảng từ 100-150m sẽ rơi vào “vùng trũng”, “vùng tối” dẫn đến tình trạng chập chờn. Mặt khác, các điểm truy cập hiện đang được lắp đặt trên các trụ điện chiếu sáng nhằm tận dụng hạ tầng điện lực có sẵn. Điều này lý giải vì sao, tại hầu hết các tuyến đường ven biển, khi trụ điện chiếu sáng được đặt giữa lòng đường, đồng nghĩa các điểm truy cập chỉ phục vụ tốt cho người dân và du khách khi di chuyển giữa đường, còn khi về đến nhà hàng, khách sạn bên trong sẽ xuất hiện hiện tượng khó truy cập.

Ông Phong cho biết thêm, chất lượng truy cập còn phụ thuộc vào một số yếu tố khách quan khác. Chẳng hạn, cùng một điểm truy cập, trong bán kính truy cập tốt, số lượt truy cập trong ngưỡng cho phép, song có thiết bị điện thoại kết nối được wifi thành phố, có thiết bị lại không. “Vấn đề lúc này không nằm ở các điểm truy cập wifi, không ở chất lượng đường truyền mà phụ thuộc các yếu tố bên trong tác động đến khả năng tiếp sóng của thiết bị điện thoại”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, trước mắt có hai giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống wifi thành phố. Thứ nhất cần lấp vùng tối, hay nói cách khác là tăng cường “vùng phục vụ” bằng cách lắp đặt thêm điểm truy cập ở các khoảng có bán kính ngoài 100m; thứ hai, có thể di dời một số điểm truy cập để khai thác triệt để hơn năng lực phục vụ của hệ thống wifi công cộng này.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các điều chỉnh cần thiết để tối ưu hóa năng lực phục vụ hệ thống wifi miễn phí của thành phố sẽ mang lại hiệu quả, bởi đây là một hợp phần không thể thiếu của nền tảng chính quyền điện tử, giúp người dân, du khách và doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng thông tin và các dịch vụ hành chính công trực tuyến, góp phần xây dựng, phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố công nghệ cao, thành phố điện tử.

THANH TÂN

.