.
Nghĩ

Đọc sách không vì phong cách

.

Ngày 7-1, chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” do dự án Cùng đọc sách (thuộc Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam – VICC) khởi động. Đây là chiến dịch công bố hình ảnh và thông điệp từ chính các nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam về ý nghĩa của sách đối với cuộc đời họ.

Song song với chiến dịch này, trên mạng xã hội các bạn trẻ đang “thách thức” nhau đọc sách. Theo đó, trong năm 2017, họ sẽ đọc 15 quyển sách ở nhiều thể loại như sách đoạt giải Nobel, sách lịch sử, sách triết học, sách tâm lý, sách viễn tưởng…

Đọc được thông tin này, một người bạn lớn tuổi của tôi bật cười. Bạn cười bởi không ngờ, giờ đây đọc sách phải cần đến cả “chiến dịch” với sự vào cuộc của rất nhiều người nổi tiếng hoặc phải thách thức nhau mới có động lực đọc. Dẫu rằng, tất cả cùng hướng đến mục đích tốt đẹp là đọc sách.

Là người thuộc thế hệ 6X, bạn luôn cho rằng, mình may mắn bởi sinh ra trong giai đoạn được cầm sách đọc là một niềm hạnh phúc. Lén đọc sách trong giờ học là… mốt chứ không phải là mọt sách – người chỉ rành những điều ghi trong sách vở mà sống lờ nhờ với những đổi thay xung quanh…

Bạn tin rằng mình may mắn khi từng được sống trong giai đoạn không có hình thức giải trí nào khác ngoài đọc sách. Bạn nâng niu, trân trọng “Chiến tranh và Hòa bình”, “Anh em nhà Karamazov”, “Nhật ký Anne Frank” hay những quyển của Tự lực văn đoàn...

Bạn “kết thân” với anh chàng Đông Ki sốt chiến đấu với cối xay gió ngây ngô nhưng đẹp đẽ vô cùng, bạn phiêu lưu trong tưởng tượng cùng chú dế mèn của Tô Hoài, bạn khóc cho nỗi oan của Mừng, nín thở với 3 lần vượt ngục của Lượm trong “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. Cùng với sách, bạn vui hoặc khóc cùng số phận nhân vật, bạn đi tới những vùng đất xa xôi, thả mình vào thế giới huyền ảo tuyệt vời của trí tưởng tượng…

Vì lẽ đó, bạn luôn cho rằng, được sinh vào những năm 50, 60, cuộc sống nhiều khó khăn nhưng lại là điều may mắn bởi bạn và nhiều người trong thế hệ đó tìm được người bạn thủy chung nhất của mình - sách. Họ có thể đắn đo khi mua một cái gì đó nhưng tuyệt nhiên không hề do dự khi mua một cuốn sách mới. Hễ có chút thời gian là họ lang thang nơi hiệu sách, có tiền thì mua, không tiền thì đứng đọc ké cho đỡ thèm. Họ không cần đến chiến dịch và sự thách đố lẫn nhau. Đọc sách trở thành nhu cần cơ bản, nhu cầu tự thân của mỗi người.

Lang thang trên mạng, tôi tìm được thống kê của Ngân hàng Thế giời (World Bank) tính toán tuổi thọ trung bình của con người trên toàn thế giới là 78 tuổi. Với quỹ thời gian đó, con người chỉ mất 3,5 năm cho việc học, 10,5 năm để làm việc nhưng dành đến 9 năm cho việc… bấm điều khiển ti-vi và điện thoại để giải trí.

Có lẽ chúng ta sẽ tiết kiệm được 9 năm cuộc đời bằng cách hạn chế sử dụng ti-vi và mạng xã hội cho mục đích giải trí. Lúc đó, mỗi người sẽ lại nhận ra đọc sách là công việc vui hơn cả. Đọc và để thế giới hoặc kịch tính, hoặc khôi hài, hoặc lãng mạn, hoặc viễn tưởng lôi cuốn mình từ trang này đến trang khác, phiêu lưu đến những chân trời xa xôi.

Đọc đến khi thế giới trong sách còn thực hơn cả hiện thực bên ngoài, để khi gấp sách lại, mỗi người vẫn sống với các nhân vật của mình. Đọc và nhận ra, thích đọc sách và có viết đôi chút thì cuộc đời mình không cần thú vui nào khác. Đọc để mỗi người tự nhận được tri thức, được hun đúc nghị lực và lòng trắc ẩn qua từng trang sách chứ không đơn thuần vì “đọc sách thật phong cách”.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.