.

Phát triển du lịch từ... bếp

.

Một trong những tiêu chí đánh giá “sức khỏe” của một nền du lịch là ẩm thực, trong đó đóng góp hàng đầu là những “vua đầu bếp”. Bên cạnh ẩm thực bản địa, việc hội nhập với những món ăn đặc sản năm châu càng làm phong phú thêm thực đơn của mỗi điểm đến. Cùng với đó là nghề đầu bếp đang “lên ngôi”.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt – Úc giao lưu văn hóa ẩm thực với sinh viên Đại học Quốc gia Úc, qua đó giới thiệu các món ăn truyền thống mang đậm nét văn hóa Việt. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt – Úc giao lưu văn hóa ẩm thực với sinh viên Đại học Quốc gia Úc, qua đó giới thiệu các món ăn truyền thống mang đậm nét văn hóa Việt. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Ẩm thực có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch. Du khách khi tới thăm một địa phương nào đó, ngoài vấn đề ăn uống, bảo đảm năng lượng cho hành trình khám phá thì trải nghiệm văn hóa ẩm thực cũng là một cách tìm hiểu văn hóa nói chung của nơi này.

Thời gian qua, ẩm thực Đà Nẵng có sự phát triển rất nhanh để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Bên cạnh các món ăn đậm đà phong vị xứ Quảng như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, các loại hải sản...

Đà Nẵng còn làm phong phú thêm “kho tàng” ẩm thực của mình bằng cách đón nhận sự hội nhập của các món ăn đại diện cho nền ẩm thực của nhiều quốc gia như Ý, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào...

Để các món ăn thức uống trở thành văn hóa ẩm thực, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, cần có “chiếc đũa thần” của các đầu bếp tài hoa.

Ngoài kỹ năng chuyên môn được đào tạo bài bản, họ phải là những người thực sự đam mê ẩm thực.

Thiết thực hơn những nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực, họ cất công tìm kiếm, phục dựng những đồ ăn thức uống truyền thống đã mai một và phát triển một cách tinh tế hơn với những chất liệu của ngày hôm nay.

Theo Sở Du lịch, hiện Đà Nẵng có Câu lạc bộ Đầu bếp với khoảng trên 300 hội viên. Đây là môi trường rất tốt để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tay nghề, góp phần thúc đẩy nghề đầu bếp, sự tinh túy của ẩm thực và sự phát triển của du lịch thành phố.

Từ yêu cầu phát triển của du lịch nói chung, ẩm thực nói riêng, nghề đầu bếp đang dần khẳng định mình, được xếp vào danh sách những nghề “hot” thời hội nhập, được “săn đón” và ngày càng trở nên “đắt hàng” hơn.

Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Việt – Úc (VAVC, ở K476/8 Điện Biên Phủ – Đà Nẵng) hiện đào tạo trên 10 nghề nghiệp vụ và quản lý. Hiệu trưởng nhà trường, ông Đặng Phúc Sinh cho biết, trong các nghề trọng điểm mà VAVC đầu tư quy mô, mở rộng và nâng cao chất lượng ngang tầm các nước trong khu vực, nhà trường định hướng và chọn hai nghề trọng điểm khu vực và quốc tế là Chế biến món ăn, Quản trị khách sạn.

Bởi chính hai ngành nghề này, ngoài mục tiêu sớm đưa VAVC hòa nhập vào khu vực theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA), thì ẩm thực hay còn gọi nghệ thuật chế biến món ăn được xem là phương thức để giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam ra trường quốc tế.

Hằng năm, VAVC tổ chức giao lưu văn hóa ẩm thực cùng sinh viên Đại học Quốc gia Úc ANU với các món ăn truyền thống mang đậm nét văn hóa Việt như phở và gỏi cuốn tươi (Vietnamese wraps & roll), như một cách giới thiệu hình ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới thông qua ẩm thực truyền thống.

Ở Đà Nẵng, ngoài VAVC còn có một số cơ sở dạy kỹ thuật nấu ăn và chế biến thức uống chuyên nghiệp cao như: Trường CĐ Nghề du lịch Đà Nẵng, số 68 Lê Đình Dương; Trường Dạy nghề Ẩm thực NetSpace, số 3 Phan Thành Tài...

Do du lịch phát triển mạnh nên nghề đầu bếp hiện cầu lớn hơn cung. VAVC hiện có 28 lớp dạy nghề chế biến món ăn với số sinh viên chiếm đến 40% tổng số sinh viên tuyển sinh hằng năm.

Mỗi năm trường cho “ra lò” từ 350 – 400 đầu bếp ở 3 trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng với trên 95% học viên tốt nghiệp có việc làm.

Ngoài các nghề bếp Âu, bếp Á phổ biến, trường có một cơ sở chuyên đào tạo bếp bánh tiêu chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách sạn, khu nghỉ mát 4 – 5 sao.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã tổ chức một số các hội thi đầu bếp mở rộng, từ đó góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề đầu bếp, tạo sân chơi cho các đầu bếp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.

Qua hội thi được tổ chức hằng năm, một số món ăn mới, mang phong vị địa phương theo chủ đề dự thi của ban tổ chức đã được các đầu bếp, đại diện cho các đội thi giới thiệu, qua đó góp phần làm phong phú thêm thực đơn phục vụ du khách.

Bếp trưởng Nguyễn Hữu Hậu của Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort Intercontinential, cựu sinh viên VAVC, cùng hai cộng sự đã đoạt giải nhất Chiếc thìa vàng năm 2013 và giải nhì cuộc thi cấp quốc gia này năm 2016.

Nếu ẩm thực là một dạng của văn hóa thì mỗi món ăn, thức uống là một tác phẩm nghệ thuật và người tạo ra chúng xứng đáng được gọi là “nghệ sĩ của những món ăn”.

Để ẩm thực Đà Nẵng được xếp vào “chiếu trên” của làng ẩm thực cả nước, nhất là đối với các thành phố phát triển du lịch, theo ông Nguyễn Xuân Bình, ngoài việc đào tạo bài bản các “nghệ sĩ” này, cần lắm việc giới thiệu, hướng dẫn chế biến và thưởng thức các món ăn truyền thống tại các cơ sở đào tạo nghề bếp.

Cộng đồng người dân địa phương phải thích thú, trân quý, tự hào về các món ăn truyền thống của quê hương mình trước đã, sau đó mới giới thiệu với du khách gần xa qua các lễ hội, các buổi giao lưu ẩm thực hay bày bán ở các nhà hàng.

Đó là cách thiết thực để đưa ẩm thực Việt nói chung, ẩm thực Đà thành nói riêng hội nhập với các nền ẩm thực của thế giới, góp phần tạo nên sức hút đối với ngành du lịch.

Theo kết quả nghiên cứu, phân tích và đánh giá của Dự án Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT) do Liên minh châu Âu tài trợ thì Đà Nẵng có 11 tiêu chí thu hút du khách là: Thiên nhiên và phong cảnh; Bầu không khí; Ăn uống; Hợp túi tiền; Cơ sở lưu trú; Thời tiết và khí hậu; Hoạt động văn hóa; Đi lại; Thông tin du lịch; Mua sắm thủ công mỹ nghệ; Tiện nghi cho trẻ em.

Trong số các tiêu chí trên, Phong cảnh thiên nhiên và Ẩm thực là hai tiêu chí du khách rất quan tâm (Thiên nhiên: 77,7%; Ẩm thực: 54,6 %). Vì kết quả phân tích ấy, Đà Nẵng đã chọn ẩm thực là tiêu chí quan trọng làm lợi thế cho mình trong việc phát triển du lịch bên cạnh các yếu tố khách quan sẵn có.

Nguồn: Dự án EU-ESRT

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.