.

Sức mạnh của kỹ năng mềm

.

Ngày nay, con đường thăng tiến của mỗi người trong cơ quan, công sở không chỉ “lát” bằng các loại bằng cấp, chứng chỉ mà còn cả những kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng.

Khi tham gia những hoạt động như tham quan du lịch, mỗi người sẽ học được cách kết nối với đồng nghiệp, hiểu được cảm nhận của những người có góc nhìn, quan điểm khác với mình. Ảnh: V.T.L
Khi tham gia những hoạt động như tham quan du lịch, mỗi người sẽ học được cách kết nối với đồng nghiệp, hiểu được cảm nhận của những người có góc nhìn, quan điểm khác với mình. Ảnh: V.T.L

Gần 10 năm vào làm tại một công ty chuyên ngành ở Đà Nẵng, chị L.T nghiệm ra một điều rằng, môi trường công sở giờ không khác một xã hội thu nhỏ là mấy với đầy đủ những cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Để hài hòa giữa những mặt “được” và “chưa được” trong công sở, kinh nghiệm của chị là phải biết thích nghi theo kiểu nhập gia tùy tục, nhìn trước ngó sau như một gia đình nhiều thế hệ; học những cách ứng xử, khéo léo, mềm dẻo, lúc cương lúc nhu của những người đi trước; học các đồng nghiệp cùng trang lứa và cả những người trẻ hơn...

Bên cạnh việc bổ trợ cho nhau trong công việc, đồng nghiệp cũng sẽ là những người bạn cùng chia sẻ với ta những buồn vui, những áp lực... Từ đó, ta học được cách nhìn nhận những khuyết điểm của bản thân để từng bước điều chỉnh cho phù hợp, để mình được sống tốt hơn, được hoàn thiện, tự tin, tươi mới hơn từng ngày. Có vậy mới giữ được thăng bằng trong môi trường công sở nhiều niềm vui nhưng cũng không ít áp lực.

Gần như công sở, cơ quan nào cũng có hiện tượng “buôn dưa lê”. Ban đầu có khi chỉ là những lời đùa cợt nhau giữa các đồng nghiệp, thế nhưng, qua những người ưa “hóng hớt” chẳng mấy chốc đã bị biến dạng thành “tam sao thất bản”, dù vô tình hay hữu ý đã làm tổn thương không nhỏ đến cá nhân liên quan.

Từ vô số điều tưởng chừng “chuyện nhỏ” ấy, người có kỹ năng mềm là người phải biết học cách không phê phán, can thiệp sâu vào một sự việc cụ thể khi mình không phải là chính “người trong cuộc” của câu chuyện đó; bởi vì những điều mắt thấy, tai nghe lắm lúc không phải là bản chất vốn có của sự việc đó.

Mối quan hệ trong công sở thường rất hẹp và thiện chí của người khác dành cho ta cũng có thể thay đổi rất mau nếu ta không biết cách ứng xử đúng mực. Chị L.T chia sẻ: “Mỗi người có quyền được sống đúng với chính mình, nhưng cũng phải biết tiết chế bớt một phần “cái tôi” của mình để hòa nhập và khẳng định mình nơi công sở.

Công sở là nơi diễn ra mối quan hệ giữa người và người, giữa quyền lợi – nghĩa vụ – trách nhiệm…, đòi hỏi bản thân mỗi người phải vận động cho chính mình và cho bầu không khí của những người xung quanh. Đó là cách để tạo nên một môi trường công sở an lành, vui vẻ, hòa nhã hơn đối với mọi người vào mỗi ngày đặt chân đến”.

Khổng Tử đã nói một câu châm ngôn được chép trong sách Luận ngữ: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Nhiều người đã học cách đặt mình vào vị trí của người khác để nghĩ, nếu mình là họ, liệu mình có muốn như thế không.

Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, một trong những cán bộ được đào tạo từ Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (Đề án 89), thời gian đầu về công tác ở cơ sở, cũng đã tự hỏi như thế.

Với quyết tâm và nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị vừa học hỏi kinh nghiệm từ những cán bộ thâm niên trong cơ quan, vừa cất công tìm hiểu tình hình thực tế về các lĩnh vực từ xã xuống các thôn. Lắng nghe bà con trao đổi thân tình, thấu cảm tâm tư của họ, chị đặt ra câu hỏi: nếu mình là họ thì mình sẽ làm gì, mong gì?...

Chỉ hơn 3 tháng sau khi sinh cháu thứ hai, chị đã trở lại công tác, đi sớm về trễ, nhiều lúc quên mình là nữ và đang có con dại. Chính cái “kỹ-năng-mềm-trời-cho” này đã tạo nên thành công của chị là sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ cơ quan, cán bộ thôn và bà con nhân dân.

Cùng xuất thân từ Đề án 89 có anh Nguyễn Ngọc Hải, nhà ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, vượt hơn 20km lên công tác ở Hòa Phú, nay là Bí thư Đảng ủy xã. Ngày đầu gặp cán bộ cơ quan, anh nhận được ở họ sự thân thiện, mến khách; xuống các thôn, gặp người dân hiền lành, chịu khó, đặc biệt là đồng bào Cơtu rất thật thà.

“Vũ khí” của anh để chiếm sự tin yêu, thương mến của cán bộ cơ quan cũng như bà con nhân dân là lối sống giản dị, luôn hòa đồng với mọi người. Từ đó, các phong trào của địa phương triển khai luôn được đông đảo các thành phần tham gia và tạo được sự đoàn kết thống nhất trong đội ngũ cán bộ công chức từ xã đến thôn.

Kỹ năng mềm đã khoác cho văn hóa công sở những giá trị nhân văn. Quyền Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, trong Kế hoạch “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị giai đoạn 2017 – 2020”, UBND huyện đã dành hẳn một mục về xây dựng văn hóa công sở với 4 nội dung.

Trong đó, nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần đoàn kết, tương trợ, tin cậy lẫn nhau; làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao; có cách ăn mặc lịch sự, cách ứng xử tình cảm, nhiệt tình, lịch sự, nhẹ nhàng, kiềm chế và bình tĩnh; chống lại bệnh quan liêu, cửa quyền, từ bỏ tính ỷ lại và đùn đẩy trách nhiệm…

Ngày nay, con đường thăng tiến của mỗi người trong cơ quan, công sở không chỉ “lát” bằng các loại bằng cấp, chứng chỉ mà còn cả những kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng. Đó là lý do để các đơn vị như huyện Hòa Vang quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công sở.

5 kỹ năng mềm để thăng tiến nơi công sở

1. Biết lắng nghe. Điều quý giá nhất mà bạn đem lại cho người khác chính là lắng nghe, thấu hiểu họ. Hãy biến khả năng lắng nghe thành vũ khí bí mật trong giao tiếp.

2. Làm việc có trách nhiệm. Nhận trách nhiệm một cách thực sự, bạn sẽ học hỏi được nhiều từ chính sai lầm đó. Có trách nhiệm với mọi thứ mình làm và làm được những gì mình nói chính là nền tảng để bạn xây dựng chữ tín.

3. Xoay xở tốt với những gì bạn có. Cần phải biết biến khó khăn thành thuận lợi, bỏ qua những thứ còn thiếu và chỉ tập trung vào những gì bạn đã có. Đó là sáng tạo!

4. Kiềm chế cảm xúc. Dù đang cực vui hay buồn thê thảm, bạn đều rất dễ hành động theo cảm xúc khiến đưa ra những quyết định sai lầm.

5. Thấu cảm. Mang những gì bạn học được bên ngoài vào văn phòng của mình, nó sẽ giúp bạn đồng cảm và thấu hiểu đồng nghiệp hơn. Bạn cũng sẽ tự tin hơn nhờ những trải nghiệm này.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.