1. Xe Khải Nam từ từ lăn bánh qua cửa khẩu Mộc Bài. Chưa tới chục phút, khách được xe đưa vào địa phận Campuchia. Đất nước Chùa Tháp, giữa những mái nhà, dãy phố vẫn còn giữ dáng quê, đột ngột trồi lên hơn chục sòng bạc hào nhoáng đón chào khách đến từ Việt Nam. Cũ, mới và đang xây. Cái sau luôn muốn ra vẻ to, hoành tráng hơn cái trước đó.
Sau hai dãy sòng bạc quốc tế ấy, là con lộ quốc gia. Chúng chỉ có thể khá hơn Việt Nam thời hậu chiến chút xíu. Xe chạy chậm hơn, cố lắm kim đồng hồ cũng chỉ nhích lên con số sáu mươi. Quá khoảng đất ăn chơi, xe thư thả trên con đường nhà thưa, người vắng. Miền Tây Việt Nam với Campuchia chẳng khác biệt nhau mấy xét về thổ nhưỡng. Khác điều, Campuchia vẫn còn mênh mông đất trống.
Một phần tư thế kỷ đi qua, tôi mới trở lại đất nước Chùa Tháp. Cứ ngỡ nó thay đổi phải đến một chín một mười Việt Nam, nhưng không. Vào tận trung tâm thủ đô rồi mà tôi không hay, chỉ biết đây đã Phnôm Pênh khi người bạn Campuchia đi chung xe kêu “Thủ đô Khmer vậy đó”.
Đã quá 12 giờ trưa. Phố xá nham nhở dưới nắng nhiệt đới. Xe thì cứ rù rì nhích lên từng nửa cái bánh. Kẹt xe không phải do đường phố hẹp, mà ở nỗi vô trật tự đến tùy tiện của người lưu thông. Không như Việt Nam, lượng xe con ở đây rất đáng nể, thêm cái tuk tuk, mà mấy anh tài thì ưng đậu đâu tùy thích. Vô tư và vui vẻ. Vui vẻ cả với cái anh tài bị cản đường vô lối, thư thả tìm khoảng trống mà nhích lên.
Hai dãy phố thủ đô tràn mấy tiệm xe máy, bày hàng, chèn và lấn xuống tận lòng đường.
- Dân Khmer đang cạnh tranh đầu xe máy với ta đấy, vài năm nữa thôi đường sá chả thua kém Việt Nam đâu. Tôi quay lại nói với bạn đường.
Từ trung tâm Phnôm Pênh - nơi dành riêng cho mấy quan chức và người giàu, ra được khỏi thủ đô phải nói là kỳ công. Anh tài xế người Khmer cho chiếc Lexus đời mới nhích từng chút len giữa rừng xe tùy tiện đậu, tùy tiện lách vô trật tự.
Đến lúc này tôi mới quan sát rõ hơn bộ mặt thủ đô Campuchia. Xe lôi máy với cái tuk tuk cùng xe máy các thứ len giữa xe đời mới cùng không ít xe tải cỡ lớn trên con đường nhỏ hẹp. Thêm vụ thưa đèn xanh đèn đỏ. Tắc đường là phải. Vậy mà rất hiếm bóng đồng phục công an giao thông xuất hiện can thiệp. Càng hiếm hơn nữa vụ cãi vã, lườm nguýt của các chủ phương tiện đủ loại thượng vàng hạ cám.
Mất non tiếng đồng hồ xe mới lết tới làng Olympic. Và rồi nó cũng tới bến.
Xe từ Phnôm Pênh xuống Kampot được một đoạn thì có lối rẽ.
- Đi ngã này thoáng hơn, Kok. Bà chủ khu nghỉ mát kêu lúc anh tài đã đi quá, phải quành đầu xe lại.
Mà thoáng thật. Bỏ lại sau lưng các cụm nhà san sát nhau với cầu thang lên gác từ bên ngoài, anh tài phóng xe đi với tốc độ đường cao tốc. Đến chợ cua, chúng tôi ngừng lại ăn trưa.
Người Campuchia hiện đại xài tiền đô Mỹ mạnh tay; xài ngay trong thế giới hàng tôm hàng cá. Không biết một tiếng Mỹ bồi cũng xài được. Khác điều, họ ít ồn ào hơn người Việt.
Lác đác vài bóng người nữ mặc váy với khăn trùm đầu xuất hiện mé đường, hay đi vào chợ.
- Chăm có ở đây à? Tôi hỏi bà chủ.
- Nhìn bề ngoài không phân biệt Chăm với Khmer Islam đâu - bà tiếp, Kampot người Việt kêu là Cần Giọt. Người Việt ở đây đầy ra, người Khmer Islam cũng lắm. Đó là do Campuchia lấy Chăm mà có tên như vậy. Cũng có mấy xóm Chăm mắc kẹt giữa làng Việt và xóm Campuchia…
Ra khỏi thành phố, xuất hiện lác đác dáng thốt nốt đơn độc khẳng khiu hay họp thành các cụm nhỏ đứng nghiêm trang giữa cánh đồng rộng, thưa nhà. Anh tài cho tôi biết cả vạn mẫu rừng thốt nốt bị chặt sạch do chúng không mang lợi ích gì cho đất nước này cả. Chừa lại mấy cây ốm nheo ốm nhách đứng kia cho có đất trống đặng họ bán.
Rồi thì hàng lô hàng lốc xe mui trần chở đầy công nhân đứng ngồi chật ních. Rồi là các ao sen, đồng súng dọc con đường đi xuống khu nghỉ dưỡng Kep.
Tết Đinh Dậu, ở một khu nghỉ mát tầm cỡ của Campuchia, tôi thử lẩy ra vài quan sát. Bật lên trên tất cả là: Mồng một Tết khách vào ra cả ngàn lượt, vậy mà buổi tối tổng kết chỉ có 14 chai Campuchia Beer được bán ra (bên ngoài không thấy quán nhậu vỉa hè). Dân ở đây hiếm khi chửi bới, dù là ở chợ cá, và không ồn ào. Lạ nữa, suốt đoạn đường trăm rưỡi cây số từ Kep đến Phnôm Pênh; hai trăm cây số từ Phnôm Pênh xuôi về biên giới Việt - Campuchia hầu như không có bóng công an giao thông. Bốn lượt đi về cũng không. Dân Campuchia đi xe nền nếp hơn, và ít gây tai nạn hơn chăng?
2. Hệ thống đướng sá hay cao ốc, ở Thái Lan không thể bì với nước láng giềng Singapore hay Malaysia, càng không phải tổ chức thành phố siêu hiện đại như lau như li của Nhật Bản. Đất nước Thái Lan – vẫn cảnh lô nhô nhốn nháo của các khu phố Tàu tạp pí lù như chúng ta thường thấy ở Chợ Lớn, đủ thứ rác vẫn cứ bị vứt bừa bãi ngoài đường phố, con sông, nạn kẹt xe, tay tài xế taxi chèo kéo khách, vài động massage nóng bỏng.
Khác điều, cảnh sát Thái rất hay cười. Quá cảnh sân bay hay biên giới, cánh giữ an ninh quốc gia này cũng cười.
Chính nụ cười làm nên ấn tượng Thái Lan. Không phải quá, khi có người còn đặt cho đất nước này là The Land of Smile – miền đất của nụ cười. Nụ cười thường trực trên môi người Thái: mềm dịu, sâu đậm và đầy mời gọi. Đã có cuốn sách hẳn hoi viết về nụ cười này: The Smile of Thailand. Nó thường trực nhưng không giả tạo. Vừa khi bắt gặp ánh mắt ta là nụ cười kia xuất hiện, như là nó đã có đó tự bao giờ, sẵn sàng đón nhận và ban phát. Và xoa dịu, xóa nhòa bao khổ não, lo âu của khách phương xa. Có thể đó là cái cười được huấn luyện có bài đến trở thành bản năng thứ hai của người Thái. Theo tôi, hơn thế nữa, nó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa Thái Lan, nền văn hóa xây dựng trên nền tảng triết lí Nhà Phật: khiêm cung và vui sống.
Đi kèm với nụ cười kia, là cung cách chào nhau của người Thái. Ở đây tôi bắt gặp bóng dáng lối chào của dân tộc Chăm xưa, phong thái hiện nay chỉ tồn tại trong các nghi thức lễ hội. Mỗi ngày là một lễ hội, lễ hội tạ ân khi ta được ban thêm một ngày mới để sống. Như trong bài thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư tôi đã viết:
Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi
sớm mai
tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở
tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ
tên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ
chợt vang lên
tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc…
Thời gian phôi pha, dòng đời tất bật, chúng ta đã vô tình biến cuộc sống thành gánh nặng, biến nghi thức lễ hội thành một thứ thái độ xã giao trục lợi.
Hết những ngày Tết, tôi phải về. Tết và quê, không thể khác. Dù là Tết muộn, nhưng vẫn là Tết. Tôi từng có bài “Tết Chăm Tết mở”, nghĩa là mỗi năm người Chăm “ăn” đến bốn cái Tết: Katê là đương nhiên rồi, Ramưwan của Chăm Bà-ni, Tết Tây, và Tết Nguyên đán nữa.
INRASARA