.

Một mô hình học - thi hiệu quả

.

Làm thế nào để đạt được kết quả thi tốt nhất, phù hợp với nguyện vọng và năng lực của mỗi cá nhân? Từ câu chuyện của mình, hai nữ sinh Nguyễn Lê Hoài Thương và Nguyễn Lê Thùy, lớp 12, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cùng phân tích chân dung các thủ khoa, lấy cơ sở xây dựng một mô hình học thi tốt mang tính chất định tính, giúp các bạn tham khảo định hướng học tập.

Thương và Thùy bàn bạc trong quá trình phác thảo, phân tích.  Ảnh: T.L
Thương và Thùy bàn bạc trong quá trình phác thảo, phân tích. Ảnh: T.L

Tập trung cao độ

Nguyễn Lê Hoài Thương cho biết, dự thi THPT quốc gia và mong muốn được học trong môi trường đại học là của đa số các bạn học sinh THPT. Nhưng làm thế nào để có một kết quả thi tốt nhất thì không phải bạn nào cũng chắc chắn được điều này.

Cùng xuất phát từ trăn trở đó, mà cả Hoài Thương và Lê Thùy đều muốn tìm câu trả lời mang mẫu số chung nhất có thể cho mình và cho bạn bè. Để đưa ra được mô hình này, Thương và Thùy đã xây dựng kế hoạch, gửi thư phỏng vấn quá trình học của các anh chị từng là thủ khoa đại học:

“Đã có 7 anh chị đồng ý trao đổi và điểm chung nhất họ đưa ra là không cần học nhiều. Có anh thì bảo, thời gian học ở nhà chỉ bằng nửa thời gian chơi, nhưng khi học thì không còn chú ý đến xung quanh. Có chị lại cho rằng, chỉ học thêm môn mình yêu thích nhất, nhưng cố gắng hết sức để làm hết bài tập của môn học đó”.

Theo Thương và Thùy, sự tập trung trong bất cứ công việc nào, nhất là với việc học thì mới đem lại hiệu quả. “Không nhất thiết phải dành tất cả thời gian cho việc học mà phải biết chọn đúng thời điểm và rạch ròi giữa chơi và học, bản thân tụi em cũng nhận thấy điều đó trong suốt quá trình học tập của mình. Ở trên lớp, trong các tiết học cần tập trung nắm bắt kiến thức để hạn chế buổi tối về nhà phải bắt đầu học lại làm mất thời gian.

Ở nhà, cũng cần giành thời gian giải trí, vui chơi, tập thể thao đồng thời phân chia lịch học cụ thể và khi ngồi vào bàn học thì phải hết sức tập trung, học hết sức mình và sau mỗi buổi học, kiểm tra lại xem mình đã học được những gì để có sự điều chỉnh khi chưa hợp lý”, Lê Thùy cho biết thêm.

Bốn quá trình để đạt mục tiêu

Lê Thùy cho biết, thông qua câu chuyện với các thủ khoa về phương pháp học tốt, hai bạn đã tiến hành phân tích chủ điểm, xây dựng chân dung và xây dựng mô hình về phương pháp học tốt. Học sinh cần có sự kết hợp trao đổi, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và thầy cô, thực hiện trình tự 4 bước trong quá trình học để có thể học đạt được kết quả tốt nhất.

“Đầu tiên là phải xác định rõ mục tiêu, bản thân mình phải có đam mê, xác định được năng lực mình tới đâu, nhận diện rõ thực tế mục tiêu của mình. Từ mục tiêu đó cần phải lên kế hoạch rõ ràng cho chính mình về giờ học chính khóa và ngoại khóa. Khi bắt tay vào học thì phải chăm chỉ, tập trung cao độ và đặc biệt là phải tạo được sự hứng khởi trong từng môn học.

Nguồn hứng khởi này xuất phát từ chính bản thân, bạn bè, sự động viên của cha mẹ hoặc niềm tin được truyền từ chính thầy cô giáo của mình”, Thùy nói. Trong khi đó, Thương cho biết thêm: “Sau quá trình học tập, bản thân cần có sự kiểm tra, đánh giá nhìn nhận lại kết quả học của mình để kịp thời bổ sung những kiến thức còn hỏng. Cần có tính kiên nhẫn với mục tiêu đã đặt ra, không vì khó quá mà đầu hàng, bỏ bê. Phải có niềm tin đối với chính bản thân”.

Để hoàn thành mô hình học tập này, Thùy và Thương gặp khá nhiều khó khăn. Thùy chia sẻ: “Khi phỏng vấn các anh chị thủ khoa về câu chuyện thi đại học, quá trình theo đuổi phương pháp học và cả những thứ ảnh hưởng đến việc học của họ, mỗi người có một câu chuyện kể khác nhau. Mặt khác việc phân tích chân dung thủ khoa liên quan nhiều đến tâm lý học, bọn em chưa có nền tảng nhiều trong lĩnh vực này. Cả hai đứa đều tranh thủ mọi thời gian có thể trong suốt 2 tháng để xâu chuỗi, nắm bắt và phân tích”.

Đề tài của các bạn được đánh giá cao tại cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp thành phố và đoạt giải nhất, được chọn tham dự vòng thi quốc gia năm 2017. Mặc dù mô hình mang tính chất định tính, để thành công cần nhiều sự nỗ lực và định hướng đúng đắn của bản thân mỗi người nhưng việc được tiếp cận với các phương pháp học của các thủ khoa trong mô hình chung nhất là cơ hội để các bạn học sinh quan tâm có cơ sở xây dựng phương pháp học phù hợp.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.