.

Châu Á: Di sản thiên nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng

.

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Úc cho thấy những di sản thiên nhiên của thế giới bị tác động nghiêm trọng, nhất là ở châu Á.

Công viên quốc gia Komodo ở Indonesia.
Công viên quốc gia Komodo ở Indonesia.

Trong danh sách di sản thế giới của Liên Hợp Quốc có 203 nơi được xếp vào nhóm độc đáo nhất, chẳng hạn như rừng nhiệt đới Sumatra ở Indonesia, hẻm núi lớn ở Mỹ hay rạn san hô Great Barrier ở Úc… Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Queensland (Úc) đăng trên tạp chí Bảo tồn sinh học cho thấy con người đã tác động tiêu cực lên nhóm 203 di sản này từ những khía cạnh: Sức ép đô thị hóa, nuôi trồng, khai thác khoáng sản, đường sá, đường sắt và khai thác gỗ.

Các nhà khoa học dựa trên bản đồ vệ tinh có độ phân giải cao để nhận biết sự thay đổi độ che phủ rừng ở các di sản từ năm 2000 tới năm 2012 cũng như dữ liệu về con người tác động tới môi trường do cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị. Họ phát hiện ra rằng các di sản đã mất khoảng 7.271km2 diện tích rừng kể từ năm 2000. Hoạt động của con người đã tăng lên ở 63% di sản. 50 địa điểm bị tác động vì dân số gia tăng. 20 di sản khác hư hỏng không thể sửa chữa. Đặc biệt, các di sản ở châu Á bị xâm hại nặng nề nhất, như Công viên quốc gia Komodo ở Indonesia, núi Taishan ở Trung Quốc hay Công viên Kinbalu ở Malaysia. “Nhiều di sản thiên nhiên thế giới xấu đi nhanh hơn chúng ta dự báo”, báo cáo nghiên cứu viết.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) giám sát các di sản thiên nhiên thế giới, nếu không sẽ làm suy giảm Công ước Di sản thế giới có tới 193 quốc gia ký kết. Đây được cho là một trong những công ước có đông thành viên ký kết nhất. Hai yếu tố quan trọng cần giám sát nhất là diện tích rừng bị mất và hoạt động của con người. Nhà nghiên cứu hàng đầu ở đại học Queensland là James Allan cho rằng cộng đồng quốc tế quá chú trọng vào việc bảo tồn các di sản văn hóa nổi tiếng như Kim tự tháp ở Ai Cập hay Tổ hợp đền Angkor Wat ở Campuchia mà lơ là những di sản thiên nhiên. Một nhà nghiên cứu khác là James Watson cũng có ý kiến tương tự: “Thế giới không bao giờ chấp nhận để Acropolis (thành phòng thủ cổ nổi tiếng nhất trên thế giới) hay kim tự tháp ở Hi Lạp biến mất cho đường sá hay nhà cửa nhưng lại lơ là các di sản thiên nhiên. Rồi chúng ta sẽ phải tiếc nuối vì một danh thắng không còn nữa”.

Giám đốc Trung tâm di sản thế giới của UNESCO, Mechtild Rossler cho biết, dân số gia tăng chính là nguyên nhân lớn nhất khiến các di sản thiên nhiên ở châu Á Thái Bình Dương bị xâm hại. Bà  khẳng định không có sự phân biệt đối xử giữa di sản văn hóa và thiên nhiên nhưng có quá nhiều những trở ngại. Những nghiên cứu về mất rừng đáng quan tâm nhưng bà để ý tới chiến tranh và bất ổn chính trị. Nhiều di sản ở Cộng hòa dân chủ Congo hay những nơi có chiến tranh, quá khó để tiếp cận, giúp cho cộng đồng địa phương thấy được những lợi ích từ di sản. Ngoài ra, bà còn chỉ ra sự thiếu thốn ngân sách và nhân sự khi mà nhân sự đã giảm từ 42 xuống còn 27 như hiện nay là quá mỏng.

ANH THƯ (Theo Straits Times)

;
.
.
.
.
.