.

Nâng niu kỷ niệm

.

Đến ngày giải phóng quê hương, tôi bỗng nhớ ông Trần Hưng Thừa - thủ trưởng của tôi - người nhận chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà vào nội thành Đà Nẵng chỉ huy nổi dậy. Biết ông còn vợ là bà Hồng Hải và hai cháu, tôi tìm đến nhà thăm. Nghe cháu gọi, bà bước ra, nheo mắt nhìn tôi, không nhận ra là ai, tôi liền gợi cho bà nhớ: Cô còn nhớ ngày bà con bị đàn áp đẫm máu ở Cây Cốc, cô thoát ra, bồng con gái chạy xuống nhà bà ngoại cháu ở Tam Kỳ không? Bà bước ra khỏi phòng, nhìn tôi, bằng cái nhìn người thân, hỏi: Thì ra, anh là... Bà ngồi kể chuyện về chồng và mở tủ bưng ra mấy cái hộp, tìm những hình kỷ niệm bà lưu giữ. Tôi mừng thấy bà vào tuổi chín mươi, còn nhớ chuyện hôm qua. Cô cháu gái cưng nói, hôm nào khỏe, bà lại kể cho hai cháu nghe những câu chuyện ngày quá khứ.

Ông Trần Hưng Thừa - một đời tất cả cho cách mạng, cho cái chung.
Ông Trần Hưng Thừa - một đời tất cả cho cách mạng, cho cái chung.

Kháng chiến Một, khi làm Phó Ty thông tin - văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Trần Hưng Thừa làm quen rồi tìm hiểu cô Vũ Thị Hồng Hải - một nhân viên nhà in trực thuộc Ty Thông tin - văn hóa. Được cơ quan đồng ý và đứng ra tổ chức đám cưới. Đám cưới là một cuộc gặp mặt anh em, người thân, có trà, thuốc lá, bánh kẹo, rồi tuyên bố lý do, giới thiệu hai người là vợ chồng, ‘‘vui duyên mới không quên nhiệm vụ’’. Đám cưới, có ông Hồ Nghinh, người mai mối cho Thừa - Hải dự và chúc mừng.

Cuối năm 1953, gần Tết Quý Tỵ, ngày 14-1-1954, tuổi hai mươi sáu, cô Hồng Hải sinh con gái đầu lòng đặt tên là Trần Bích Thọ. Trong một dịp công tác thuận đường ông tranh thủ tạt về nhà thăm hai mẹ con, bồng con gái đầu lòng hôn thật lâu, nhìn đôi mắt sáng giống mẹ của con một lúc rồi chia tay vợ đi công tác. Ông đi rồi, mẹ con dẫn nhau về Cây Cốc - Tiên Thọ, nơi gia đình bà ngoại cháu Bích Thọ tản cư lên ở sau ngày toàn quốc kháng chiến 1946. Những ngày tranh tối tranh sáng sau Hiệp định Genève - đình chiến trên giấy, cô chứng kiến cảnh bà con đấu tranh và bị đàn áp đẫm máu ở Cây Cốc.

Không thể ở lại với Tiên Thọ - Cây Cốc, hai mẹ con dẫn nhau xuống Tam Kỳ, bà ngoại Bích Thọ hối đi ngay, mẹ con xách túi gánh đôi bầu đón xe nhà binh Liên hiệp Pháp xin về Hội An. Hai mẹ con trải qua một cuộc mưu sinh vất vả, trần phiền, vẫn một lòng trung trinh chờ chồng, mong cha.

Bà Vũ Thị Hồng Hải với vợ chồng con gái và cháu ngoại.
Bà Vũ Thị Hồng Hải với vợ chồng con gái và cháu ngoại.

Trước khi rời Cây Cốc, trong một đêm, Trần Hưng Thừa lần về không dám vô nhà mà nhắn vợ ra gặp ở cái dốc sau nhà. Ông cho vợ biết, không đi tập kết, ở lại vào rừng, dặn vợ và con ráng chịu cực hai năm. Cô Hải nói với chồng: ‘‘Chờ được mạ thì má đã sưng’’. Anh đi rồi em ở đâu? Một câu hỏi mà cô Hải biết chồng không tài nào trả lời được dù ông có nghĩ đến một cách mơ hồ.

Trần Hưng Thừa không về nhà, nhưng bọn cố hại ông thì nghĩ thế nào ông cũng tìm về nhà thăm vợ trẻ, con thơ, nên đêm nào cũng rình rập. Một hôm, cả nhà đang ngồi ăn cơm tối bên ngọn đèn dầu không đủ sáng thì một tốp người xộc vào nhà, nhìn quanh không thấy ông, một tên hỏi: - Ông Thừa về ở đâu?

Không biết anh Thừa ở đâu. Cô Hải trả lời. Tên cầm đầu dọa: - Không chỉ ông Thừa ở đâu tau bắn cả nhà. - Mấy ông mà tìm được anh Thừa ở trong nhà này thì bắn hết cũng được. Vẫn không tin, bọn chúng chia nhau lục tìm khắp nhà, chúng rọi đèn pin cả trong những bụi cây um tùm ở khu đồi núi sau nhà. Thấp thỏm trong bầu không khí không bình thường, đầy đe dọa, vậy mà cô chần chừ muốn ở lại Cây Cốc với hy vọng một đêm anh ấy sẽ lần về! May mà anh ấy không về. Lần hai người gặp nhau chỗ cái dốc sau nhà trong đêm đen ấy là lần gặp sau cùng rồi biệt tăm, biệt tích nhau cho đến mùa xuân, tháng ba, năm 1975.

 Sau khi nhận chỉ thị của Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công, từ cuộc họp ngày 21-3-1975, thì ngày 24-3-1975, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà họp bàn và phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Ban Thường vụ. Trần Hưng Thừa nhận nhiệm vụ phụ trách bộ phận chỉ đạo nội thành, lót vào thành phố trước, chuẩn bị huy động nhân dân nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Ngày 27-3, Sư trưởng Nguyễn Chơn lên Quân khu nhận lệnh đánh chiếm Đà Nẵng và cho biết 100.000 quân địch đã dồn về Đà Nẵng. Theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Khu ủy 5  Võ Chí Công với Quảng Đà thì, tối 29-3, phải tiếp cận ngoại vi Đà Nẵng để sáng 30-3-1975, tiến công giải phóng Đà Nẵng.

Trần Hưng Thừa sinh tại Huế, lớn lên và công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sống và làm việc với người Quảng, được cán bộ, nhân viên và nhân dân quý mến, nhiều khi muốn nói giọng Quảng để người Quảng dễ nghe nhưng không giả tiếng được. Ngày 28-3-1975, trên đường từ chiến khu Hòn Tàu vào Đà Nẵng, khi anh Hiệp đèo Honda đưa ông vào đến ngã ba Huế, bị cảnh sát Sài Gòn chặn hỏi:

Ông ở đâu vào đây? Tôi ở Huế. Ngoài nớ Việt Cộng đánh mạnh quá, vợ con sợ chạy vào Đà Nẵng tị nạn, tôi vào đây tìm vợ con.Với giọng đặc Huế, thì rõ là dân từ Huế chạy vào! Thế là, viên cảnh sát Sài Gòn để một Ủy viên Ban Thường vụ Đặc Khu ủy đi trót lọt vào nội thành. 22 giờ đêm 28-3-1975, nhận được tin Ngô Quang Trưởng, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn I bỏ nhiệm sở lên máy bay trực thăng bay ra hạm đội 7 tìm đường thoát thân, ông liền viết thư hỏa tốc cho giao liên chạy Honda ra Phái Nhì - Điện Hòa, báo cho Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà và đề nghị đưa lực lượng vào giải phóng thành phố ngay. Từ thông tin vô cùng quan trọng này, Bí thư Đặc khu ủy Trần Thận đề xuất với Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công và Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân, đưa quân tiến vào Đà Nẵng.

Sau ngày 30-4-1975, đầy bận rộn, nhân có chuyến xe của một cán bộ vào Sài Gòn đón người thân, Trần Hưng Thừa nhờ lái xe đón hai mẹ con cô Hải. Lần theo địa chỉ và hỏi thăm, người lái xe gặp hai mẹ con cô Hải ở trong căn nhỏ của một cái ga-ra ô-tô, đủ cho hai mẹ con đặt một cái ghế bố, từ cái ga-ra ô-tô nhìn ra thấy chân cầu chữ Y - Sài Gòn. Gửi con gái Bích Thọ theo xe về Đà Nẵng trước, ở lại thanh toán tiền nong nợ nần, trả luôn chiếc ghế bố cho người chủ ga-ra, cô đón xe hàng về sau.

Hồi về Đà Nẵng, làm đến chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cơ quan phân phối cho ông một cái áo sơ-mi màu trắng. Anh em trong cơ quan thì được phân toàn áo màu lam, ông hỏi anh em nào thích màu trắng, đổi cho.Và không biết anh nào nhanh tay, còn ông lấy cái áo sơ-mi màu lam. Nhắc đến Trần Hưng Thừa, các vị trong Đặc khu ủy cùng thời ông kể: Hồi ở trên rừng, ốm đau, trên cho đi miền Bắc chữa bệnh, ông không chịu đi. Ông nói biết bao nhiêu anh chị em đau ốm có được đi đâu mà bảo ông đi. Hòa bình, một lần được đi miền Bắc chữa bệnh, về lại Đà Nẵng, trong các món quà từ miền Bắc về, có 30 cây bút máy Hồng Hà, ông đem tặng anh chị em trong cơ quan hết 29 cây, giữ lại một cây, được mấy hôm, một nhân viên đến phân bì chưa có quà miền Bắc, ông mở cặp cho nốt cây bút Hồng Hà cuối cùng.

Nhớ ông, mỗi khi muốn đến thăm, anh em thường hỏi: - Tặng gì cho ông già? Tặng gì ông cũng từ chối, duy chỉ một thứ ông không lắc đầu là ớt! Bữa ăn nào không có ớt, ông thấy mất ngon. Trần Hưng Thừa sống và làm việc nêu tấm gương cho nhiều người, làm công tác tư tưởng cho bao người. Vậy mà, ông không được gần gũi, an ủi động viên người vợ trẻ và đứa con gái độc nhất khi họ trải qua những ngày cơ cực, trần ai! Một cuộc đời tất cả cho cách mạng, cho cái chung. Khi làm Chủ tịch thành phố Đà Nẵng, được cấp một cái nhà nhưng để vậy ở không tu sửa, không nâng cấp. Trước khi từ giã cõi đời vào ngày 10 tháng 1 năm 1992, ông để lại cho Bảo tàng Đà Nẵng những dòng sau đây:

Hôm nay, ngày 14-1-1989, tại Đà Nẵng, tôi, Trần Hưng Thừa, gửi Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Thành ủy Đà Nẵng, bộ phận bảo tàng của Ban văn hóa thông tin Đà Nẵng:

1- Một quần dài, một áo sơ-mi trắng mà anh Sơn, Quận ủy viên hợp pháp quận Nhất và anh Hiệp, Trưởng ban cán sự Ngũ xã (thuộc quận Nhất), đã từ trong thành phố mang ra để tôi cải trang hợp pháp đi vào Đà Nẵng, ngày 28-3-1975, để tham gia lãnh đạo nhân dân nổi dậy, phối hợp với bên ngoài giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975.

2- Khẩu súng ngắn K.59 số 5351, do Ban Thường vụ Đặc khu Quảng Đà cấp cho tôi trong thời kháng chiến và tôi đã bí mật mang theo ngày 28-3-1975 vào thành phố.

Từ ngày chồng đi xa, rồi người con gái yêu cũng từ biệt người thân, theo cha, bà Hồng Hải sống bên hai cô cháu gái biết thương yêu bà, luôn nhắc về ông ngoại. Bà gìn giữ những kỷ niệm đẹp về chồng về con. Ông để lại cho vợ con và các cháu của ông một tình yêu không phôi pha. Con, cháu, những người thân yêu ông, ngày nay được sống đầy đủ, yên bình trong một thành phố hòa bình, năng động, không ngừng phát triển vì con người... Đó là khát vọng của đời ông! Người người chung tay xây dựng hôm nay, là sự biết ơn ông và những người đồng chí của ông!

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.