.

Rẽ lối… và học hỏi

.

Khi Phạm Minh Công (sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) lên sân khấu vòng chung khảo miền Trung của cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 12-2016, Ban giám khảo chỉ hỏi đúng một câu: “Chiếc máng heo tự động của em có gì mới?”.
Công trả lời ngắn gọn trong vòng 1 phút, xác lập kỷ lục người thuyết trình nhanh nhất cuộc thi hôm ấy. Kết quả, Công giành số điểm cao nhất miền Trung, tiến thẳng vào vòng chung kết toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 tới.

Ngồi dưới hàng ghế khán giả, tôi thầm thán phục cậu sinh viên đã thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo với chiếc máng heo khác hẳn các loại máng tự động khác trên thị trường. Nhưng điều làm tôi ấn tượng
nhất – không phải là chiếc máng heo – mà chính là việc một sinh viên kỹ thuật lại nghĩ ra ý tưởng khởi nghiệp bằng chiếc máng heo. 

Minh Công tự nhận mình là nông dân “rặt”, bởi gia đình em có hơn 20 năm nuôi heo. Ý tưởng về chiếc máng heo tự động xuất phát từ lòng yêu thương cậu con trai dành cho cha mẹ ngày ngày quần quật với bầy heo nuôi con ăn học. Cũng nhờ tình yêu đó, trong ngôi nhà đơn sơ ấy lại có… bẫy chuột bằng tia hồng ngoại, máy sưởi cảm ứng nhiệt, quạt hút bắt muỗi,...

Tâm sự của Công làm tôi nhớ đến những nhà khởi nghiệp tại Đà Nẵng mà tôi từng may mắn được trò chuyện. Chị Nguyễn Phương Lan (quận Sơn Trà) với dự án Kết nối Văn hóa, biến những đêm cúng Rằm, những bữa cơm gia đình Việt, những gánh hàng rong,… thành các trải nghiệm du lịch. Nhóm Toàn Cầu Xanh với ứng dụng đi chợ thuê, giúp các chị em “bỉm sữa” bớt phần vất vả. Chị Trịnh Thị Hồng (quận Liên Chiểu) với công ty sản xuất nước rửa chén, nước lau nhà từ rác thải sinh học. Ý tưởng khởi nghiệp của họ đều xuất phát từ việc quan sát để nhìn ra vấn đề của cuộc sống, sau đó mong muốn được cải thiện, giải quyết nó.

Nhà văn Mỹ Mark Twain từng có câu nói: “Hễ khi nào bạn thấy mình đang nằm trong số đông, hãy dừng bước và tự ngẫm lại mình”. Nếu những người “trung bình” hiếm khi tự hỏi làm thế nào để cải tiến những thứ thông thường, thì những nhà khởi nghiệp lại không thể chịu nổi điều đó. Tinh thần khởi nghiệp buộc họ luôn tự hỏi tại sao tôi phải đi theo lối mòn này, có đường đi nào tốt hơn không. Nếu có, họ không ngại rẽ hướng.

Vậy nhưng, việc tách khỏi “vùng thân thuộc” có bao giờ dễ dàng? Một cô giáo trẻ (xin giấu tên) từ bỏ việc dạy học truyền thống để lập trang web trường học tiếng Anh điện tử. Lần đầu bước vào thế giới khởi nghiệp công nghệ, cô thất bại. Cô chuyển sang cộng tác với một nhóm khởi nghiệp khác trong mảng giáo dục để học hỏi kinh nghiệm. Doanh nghiệp đã hình thành, nhưng tìm khách hàng muốn đỏ con mắt. Cô bảo, học sinh tự đến trường, nhưng không tự đến với các dự án khởi nghiệp.

Vậy sau “rẽ hướng” là gì? Là biết chấp nhận những “khoảng chùng” trong công việc và cả trong tâm lý, có khi kéo dài vài tháng trời. Là không ngừng tự học để biết vì sao mình “chùng”, và làm sao để tự kéo mình lên lại. Là phải biết tìm kiếm những người đồng hành, vì chẳng ai đơn độc mà đi xa được.

Trong gần nửa năm kể từ lúc cho ra đời mô hình máng heo tự động đầu tiên, Minh Công đặt mục tiêu mỗi ngày đều phải học các kiến thức quản trị doanh nghiệp từ sách vở, mạng Internet và những doanh nhân mà cậu có thể kết nối được. Tháng 2 vừa qua, cậu đã hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp và trở thành giám đốc khi chưa tốt nghiệp.

Trong khi đó, chị Trịnh Thị Hồng – vốn chỉ học đến hết lớp 9, không biết gì về các mô hình kinh doanh và càng không biết tiếng Anh – lại đưa được những chai nước rửa chén của mình sang tận Phần Lan, tham dự một trong những hội nghị khởi nghiệp lớn nhất thế giới SLUSH. Tinh thần vươn lên không ngừng của một người phụ nữ nghèo đã giúp chị tìm được những cộng sự trẻ và hiểu biết, năng động để hỗ trợ chị trên con đường khởi nghiệp ở tuổi 52.

Rẽ lối và học hỏi dường như là “công thức chung” của những nhà khởi nghiệp. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hợp với việc kinh doanh. Xã hội còn có nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà báo, công chức, người lao động chân tay,… Tất cả chúng ta đều có thể “khởi nghiệp” tại chính bản thân mình.

Reid Hoffman, tác giả của cuốn sách The Startup of You (tạm dịch: “Khởi nghiệp trong bạn”) đã đưa ý niệm kinh doanh về đơn vị cơ bản nhất: Bản thân mỗi người. Nếu xem chính mình là một hàng hóa kinh tế, thì hãy không ngừng duy trì và nâng cao giá trị của “hàng hóa” đó thông qua việc đầu tư có thời hạn và có chiến lược. Hãy tự hỏi làm sao để tôi và công việc của tôi tốt hơn. Hãy học để có kiến thức. Hãy làm để có kỹ năng và kinh nghiệm. Nếu tin rằng rẽ lối và học hỏi là những quá trình diễn ra ngay trong chính bản thân, có lẽ bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào, cũng có thể “khởi nghiệp”.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.