.

Vừa học vừa làm

.

Theo thống kê, vừa học vừa làm là lựa chọn của 85% du học sinh (DHS) đi du học tự túc. Tranh thủ làm thêm ngoài giờ học, các DHS có thể kiếm thêm thu nhập trang trải một phần chi phí học tập, sinh hoạt, đồng thời tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm sống quý giá.

Các du học sinh làm thêm ngoài giờ học tại một cửa hàng ăn tại Úc.	 Ảnh: T.T
Các du học sinh làm thêm ngoài giờ học tại một cửa hàng ăn tại Úc. Ảnh: T.T

Nhiều cơ hội từ nước Nhật

Ngô Tuấn Anh (26 tuổi, quận Hải Châu) vừa hoàn thành chương trình du học 4 năm (gồm 2 năm học tiếng và 2 năm học chuyên ngành điện dân dụng) tại Nhật Bản. Sau 10 ngày nghỉ thăm nhà, Tuấn Anh trở lại Nhật làm việc theo chuyên ngành đã được học.

Cũng như nhiều DHS tự túc khác, 4 năm ăn học tại Nhật, Tuấn Anh đã nỗ lực tìm kiếm những công việc làm thêm phù hợp giúp trang trải kinh phí học tập, sinh hoạt trên đất khách.

Trong 2 năm đầu học tiếng, ngoài giờ học trên trường 9 - 12 giờ, Tuấn Anh nhận đi công việc phát báo, mỗi ngày hai ca: 2 - 6 giờ và từ 14 - 17 giờ. Nghe việc đi phát báo có vẻ nhẹ nhàng nhưng kỳ thực khá vất vả, nhất là với ca bắt đầu từ 2 giờ sáng:

Bê chừng hơn 300 tờ báo từ xe tải vào tiệm lồng tờ quảng cáo vào báo, sau đó rời khỏi tiệm bắt đầu đi rao báo với xe đạp. Cần phải thuộc làu hàng trăm ngôi nhà và khoảng 1/5 trong số đó sẽ thay đổi hằng tháng. Công việc thật sự vất vả, đòi hỏi ý chí, sự nhẫn nại trong những này mưa gió, nhất là khi tuyết rơi… Nhưng rồi “làm riết cũng quen”, Tuấn Anh không cảm thấy quá sức như thời gian đầu.

Sau khi thành thạo tiếng Nhật, 2 năm học chuyên ngành, Tuấn Anh chuyển sang công việc bán hàng ở một siêu thị gần chỗ trọ học. Công việc bán hàng không quá 28 giờ/tuần, ngoài giờ học đã giúp Tuấn Anh trang trải gần đủ học phí cùng chi phí ăn, ở, sự hỗ trợ từ gia đình chỉ còn một phần rất nhỏ.

Theo Tuấn Anh, với những DHS tu chí, chọn trường học, nơi ở không quá đắt đỏ, việc tự lo chi phí học tập, sinh hoạt (sau thời gian học tiếng) ở Nhật là không quá khó khăn. Các công việc làm thêm vừa giúp tạo thu nhập, vừa rèn luyện vốn liếng ngôn ngữ.

Một số người có trình độ, tìm được công việc gần với chuyên ngành đang học thì làm thêm chính là cơ hội để trau dồi nghề nghiệp sau này. Ngược lại, với những người không xác định rõ ràng mục tiêu của mình, chỉ muốn ra nước ngoài cưỡi ngựa xem hoa, thì điều họ thu được đôi khi không chỉ là số 0 tròn trĩnh, mà còn về âm.

Theo đánh giá của các chuyên viên tư vấn du học, Nhật Bản là một trong những đất nước có nhiều chương trình vừa học vừa làm cho DHS. Chẳng hạn, riêng Trung tâm Nhật ngữ Sakura Đà Nẵng, hiện đã có các chương trình liên kết với hai trường tiếng Kokusai Kotoba Gakuin và trường Chiba University.

Đăng ký đi du học theo các chương trình liên kết này, sang Nhật, các DHS được giới thiệu công việc làm thêm chỉ sau 1 tháng làm quen môi trường mới, đồng thời còn có cơ hội sống chung học tập cách học, cách làm khoa học của các sinh viên bản địa. Đặc biệt, tại trung tâm Sakura, từ năm 2008 đến nay còn có chương trình liên kết với báo Asahi Nhật Bản, giúp các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn thực hiện giấc mơ du học với học bổng Asahi.

Hằng năm, đại diện báo Asahi sẽ cử đại diện sang phỏng vấn hai đợt: đợt 1 vào tháng 4 và đợt 2 vào tháng 10 để tuyển chọn các DHS. Để trúng tuyển, các ứng viên vừa tốt nghiệp phổ thông, phải có bằng năng lực N4 trở lên (có thể hiểu tiếng Nhật căn bản), có sức khỏe tốt, có ý chí cầu tiến. Theo chương trình này, trong 1,5 - 2 năm học tiếng, các DHS ngoài được hỗ trợ trọn gói nhà ở, học phí, ngoài ra, mỗi DHS còn được hỗ trợ 20 triệu đồng/tháng để lo các chi phí sinh hoạt khác.

Điều kiện ràng buộc duy nhất là các bạn sẽ làm công việc đi phát báo (2 ca mỗi ngày, như trường hợp bạn Tuấn Anh ở trên, dù Tuấn Anh không đi theo diện này), trong suốt 1,5 - 2 năm đó. Hiện, riêng ở Đà Nẵng đã có 150 DHS đi du học Nhật theo chương trình này, anh Mai Hoàng Anh Quân, Tư vấn Du học Trung tâm Sakura Đà Nẵng cho biết.

Con đường du học tự túc: Không chỉ có hoa hồng

Trần Quang Huy, hiện đang là DHS tại Úc và cũng là một trong những tấm gương về ý chí, khát vọng học hỏi của các DHS Việt Nam tại đất nước này. Khi đang giữ chức trưởng phòng tại một công ty lớn, thu nhập khá, song Huy đã quyết định từ bỏ tất cả, bởi mong muốn thoát khỏi môi trường làm việc nhỏ hẹp, trau dồi tiếng Anh và mở mang kiến thức, trình độ.

Gia đình làm nông, Huy quyết đi du học hoàn toàn tự lập về tài chính, vốn liếng tự tích cóp sau mấy năm làm việc chỉ đủ trang trải chi phí ăn học ở nước Úc chừng 1 năm đầu. Để hoàn thành khóa học master chuyên ngành quản lý xây dựng vừa qua, Huy đã phải nhờ người thân chạy vạy, vay mượn khắp nơi và “thú thực là bây giờ tôi vẫn còn khoản nợ không nhỏ”, Huy trải lòng.

Theo Huy, có một số thông tin cho rằng, sau năm đầu tiên, các DHS có thể tự túc hoàn toàn kinh phí, không còn phụ thuộc gia đình là không đúng, ít nhất tại nước Úc (giới hạn làm thêm chỉ 20 giờ/tuần) và với những trường Đại học danh tiếng.

Vì trình độ còn hạn chế, nên các DHS sang Úc du học chủ yếu làm thêm với những công việc chân tay, thu nhập không cao, người giỏi lắm chỉ lo được chi phí ăn ở, còn lo trọn gói là rất khó. Như trường hợp của Hugo Huy, dù đã lục tung tất cả các trường Đại học ở Úc, tự làm hồ sơ, tự nộp visa, tự xin học bổng, làm đủ nghề từ nông dân đến catering, đóng đồ ăn, làm ở phòng tập gym… thì cũng chỉ lo được một phần chi phí học tập, sinh hoạt trên đất khách.

Tất nhiên, với những DHS có trình độ tiếng Anh vượt bậc, như thi IELTS vượt qua được cái ngưỡng 7.0 thì có rất nhiều cơ hội việc làm tốt, đỡ những công việc chân tay.

Cũng là một DHS Việt tại Úc - Đỗ Thương Hiền (sang Úc từ năm 17 tuổi), đang theo học ngành Kinh tế đối ngoại, tự nhận bản thân may mắn khi vừa chân ướt chân ráo đến Úc đã tìm được công việc trông trẻ yêu thích, được đối xử tốt, trang trải được chi phí ăn ở và một phần tiền học.

Bạn của Hiền có trường hợp còn phụ trách mạng marketing cho 2 công ty liền và vẫn tiếp tục đi học. Một người bạn khác cũng không kém phần may mắn khi vừa qua Úc 2 tháng đã tìm được công việc làm thêm tại một nhà hàng với mức thu nhập khá cao nhờ sự tự tin với vốn tiếng Anh khá tốt…

Song, trong câu chuyện của Thương Hiền, ngoài những DHS khá suôn sẻ trên con đường du học tự túc, cũng có không ít trường hợp lâm vào những hoàn cảnh khá chua chát, nhọc nhằn, phải làm việc không công khi gặp phải những người chủ thuê việc chỉ muốn lợi dụng sức lao động mới, chứ không có ý tuyển người hay trả lương đàng hoàng.

Các công việc bưng bê, bó rau quả… khá vất vả, thu nhập rất thấp và chỉ cần một chút sơ sẩy có thể bị đuổi như chơi. Cũng có nhiều DHS ham đi làm, nghỉ học nhiều, bài vở kém, đôi khi phải thi lại, vừa mất tiền, vừa xấu bằng, có những trường hợp tệ hơn còn bị tước visa…

Đó đều là những câu chuyện rất thực, song chỉ có những DHS đã trải nghiệm mới thấm hiểu, còn các Trung tâm tư vấn thì chỉ luôn vẽ ra viễn cảnh tươi hồng! Vì vậy, theo những DHS dày dặn kinh nghiệm như Thương Hiền, Huy, các bạn trẻ có ý định đi du học dù theo con đường nào cũng nên xác định đặt mục tiêu học tập lên đầu và phải rèn luyện cho mình ý chí thép, sẵn sàng vượt qua mọi rào cản, cám dỗ để hoàn thành mục tiêu chính yếu ấy một cách trọn vẹn nhất…

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.