.

Gạn đục khơi trong

.

Đọc “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng mới thấm thía cái quy luật của tự nhiên: lá già rụng xuống cho lá non đâm chồi. Cũng như cái cũ kỹ, không còn thích hợp với thời đại mới phải được mạnh dạn bỏ đi để nhường chỗ cho cái mới xuất hiện… Thế mới biết, sự sàng lọc là động thái cần thiết không chỉ trong tự nhiên mà cả trong văn hóa, trong cách giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Đám cưới ngày nay đã giảm bớt những tập tục xem ra không còn phù hợp nữa. (Ảnh có tính minh họa)
Đám cưới ngày nay đã giảm bớt những tập tục xem ra không còn phù hợp nữa. (Ảnh có tính minh họa)

Khi nói về xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị theo Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 25-12-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, nhiều người dân thành phố cảm thấy e ngại. Bản thân nhiều cán bộ văn hóa cũng thừa nhận là điều không dễ. Những phong tục tập quán có mặt trong đời sống hàng nghìn năm nay không dễ gì thay đổi một sớm một chiều. Những giá trị văn hóa mang tính định tính, chứ không phải định lượng. Có nhiều người lấy cớ “giữ gìn truyền thống văn hóa” để khư khư giữ lấy cái nếp cũ không còn thích hợp trong thời đại mới. Có kẻ khư khư cái suy nghĩ bảo thủ “xưa bày, nay bắt chước” để khuếch trương những phong tục, tập quán không còn hợp thời, làm đảo lộn những giá trị tốt đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần mà cha ông đã gầy công xây dựng.

Ngay như việc cưới hỏi, ma chay, vì đây là việc quan trọng nhất đời người nên ông bà ta đã có bao nhiêu là tục lệ và lắm điều kiêng kỵ. Tất cả đều dựa trên tinh thần mong những điều tốt đẹp cho gia đình và con cháu.

Tục thách cưới, cho của hồi môn hay đám cưới ít nhất phải trải qua ba lễ, dạm ngõ (thăm nhà), ăn hỏi và lễ cưới… Trong lễ cưới lại có 3 nghi thức không thể bỏ qua, đó là lễ xin hôn, lễ rước dâu và lễ gia tiên. Rồi lại còn bao nhiêu kiêng kỵ không thể nào nhớ hết cái nào của ông bà để lại, cái nào của người đời sau thêm thắt vào. Nào là ngày hỉ sự, không được làm vỡ chén, bát…  như thế là điềm tan vỡ, mẹ cô dâu không được đi đưa dâu, vì người mẹ thường không kìm được nước mắt khi gả con gái đi lấy chồng sẽ là điều không may trong ngày cưới. Rồi đoàn đi đưa dâu và đón dâu phải kén chọn những ai có nhân thân “đẹp” như không vướng tang, vợ chồng đủ đôi, đủ cặp, làm ăn khá giả… Trong lễ gia tiên, cô dâu không được đứng ngang hàng chú rể mà phải đứng sau một chút, nếu không sau này về làm vợ, cô dâu sẽ lấn át chồng tương lai…

Những điều kiêng kỵ như sợi dây trói chặt đôi khi để lại hậu quả đắng lòng. Từ tục xem tuổi trong cưới xin, tục thách cưới, tục chôn sống con theo mẹ của người dân tộc… đã từng làm nhiều đôi lứa phải xa nhau, gia đình nợ nần, tan nát. Rồi chuyện ma chay, khi đời sống có của ăn của để, người ta lại càng bám vào cái lệ xưa cũ để huênh hoang, khoe của. Nhiều người bảo đám tang không kèn không trống thì không đúng lệ của ông bà, không hiếu thảo với người đã khuất. Thế là rước cả dàn nhạc tây, dàn nhạc ta tấu cả 5 - 7 ngày, không cần nghĩ gì đến phiền phức xóm giềng.

Về đám cưới, còn nhớ, có lần già làng Bùi Văn Cầm, người Cơtu, thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang tâm sự: Ngày trước không phải đứa con trai nào lớn lên cũng cưới được vợ. Thậm chí sống đến khi cái lưng còng không mang nổi cái gùi cũng không kiếm nổi một đứa con gái để cùng ăn cơm, sinh con đẻ cái. Bởi để cưới vợ, con trai phải kiếm đủ lễ vật: nào khiên, ché, tạ mỗi thứ một đôi tính đến nay trị giá phải vài chục cây vàng. Rồi còn trâu, bò, heo, rượu để thết đãi họ nhà trai, họ nhà gái, cả làng trong vài ngày đêm. Nếu không đủ tiền, đành làm trai tân suốt đời và chuốc lấy tiếng cười chê là nghèo không cưới nổi vợ.

Có thể ngày trước, do tâm thế của con người đứng trước thiên nhiên kỳ bí đã đối diện với nhiều bất trắc nên nảy sinh nhiều tập tục, kiêng kỵ để ước mong một cuộc sống bình yên, no đủ. Những tập tục ngày Tết như: kiêng kỵ quét rác ra khỏi nhà, kiêng xin lửa, xin nước, kiêng vay mượn, kiêng đạp đất... Lạ nữa, kiêng mua và ăn những món có tên gợi sự lụn bại trong việc làm ăn cả năm như: cá mực (tối đen), thịt bò (không ngóc đầu lên nổi), rau cải (cãi nhau), cá đuối (hết sức lực), vôi (bạc bẽo)…

Năm 2017, toàn thành phố bước sang năm thứ 3 trong hành trình thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đánh giá chung, thành công lớn nhất là công tác tuyên truyền vận động đạt hiệu quả, ý thức người dân về văn minh đô thị. Trong đó việc gạn đục khơi trong những phong tục tập quán xưa và hình thành nếp sống mới là điều quan trọng. Bởi văn hóa là sự kế thừa và phát triển giá trị truyền thống để xây dựng giá trị mới… Cùng với sự phát triển của một thành phố mới, năng động trẻ trung, trình độ dân trí của người dân Đà Nẵng cũng được nâng cao lên một tầng bậc mới. Những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi bị loại dần trong nếp nghĩ của người dân.

Khác với những quận trung tâm thành phố, huyện Hòa Vang vẫn còn nhiều thôn, xóm giữ nếp sống làng quê. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện, địa phương muốn xây dựng nếp sống văn minh đô thị thì phải biết kế thừa cái gì và loại bỏ cái gì để có thể không phá vỡ nếp sống từ bao đời nay của bà con. Nhờ đó, nhiều mô hình có hiệu quả thiết thực xuất hiện như “3 không” (không dàn nhạc, không rượu bia, thuốc lá, không hạt dưa) trong đám tang ở xã Hòa Bắc, giúp tiết kiệm trung bình 10 triệu đồng cho mỗi đám tang; không rải vàng mã ngay tại đám tang của thôn Quang Châu (xã Hòa Châu); xóm đạo bình yên của xã Hòa Sơn...

Già làng Bùi Văn Cầm cũng hồ hởi báo tin vui: bữa nay tục thách cưới của người Cơtu không còn nữa… Trai gái ưng cái bụng thì cưới nhau thôi. Không mổ trâu, mổ bò, chỉ hát lý như ngày trước. Cái mới xuất hiện không phải là sự phủ nhận hoàn toàn cái cũ đầy tính biện chứng.

Thế mới biết, để xây dựng một Đà Nẵng trở thành một thành phố năng động, phát triển, không chỉ chú trọng về những chỉ tiêu kinh tế mà còn thiết kế nên những giá trị văn hóa tinh thần tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cho nên việc gạn đục khơi trong những phong tục, tập quán người xưa để lại là việc làm cấp thiết. Để được như vậy, việc thay đổi nhận thức của mỗi người dân là việc làm quan trọng nhất của các cấp chính quyền hiện nay. Bởi nói như cụ Tiên Điền Nguyễn Du xưa trong Truyện Kiều: Thân tàn gạn đục khơi trong/ Là nhờ quân tử khác lòng người ta…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.