.

Gia đình người Quảng cúng quảy hằng năm

.

1. Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của gia đình người Việt nói chung, gia đình người Quảng nói riêng. Hằng năm các gia đình người Việt/người Quảng luôn có đám giỗ để tưởng nhớ những người thân quá cố. Thường người mới từ trần thì được con cháu cúng quảy riêng theo lệ giỗ ngày sống chứ không giỗ ngày chết.

Nhưng trải qua vài đời thì những người mất ở thời điểm gần nhau trong tháng/trong quý được giỗ chung một ngày - gọi là giỗ hội. Tuy nhiên việc cúng quảy hằng năm trong gia đình người Việt/người Quảng không thu hẹp trong các đám giỗ người thân quá cố mà còn mở rộng theo tín ngưỡng dân gian - chứ không chỉ theo tín ngưỡng Phật giáo, nổi bật là việc cúng rằm và mồng một hằng tháng, thường là vào trước đó một ngày - tức là vào mười bốn và hăm chín/ba mươi âm lịch.

Có điều người Quảng vẫn truyền nhau một câu nói mang màu sắc dân gian liên quan đến việc cúng rằm hằng tháng: “Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy/ Rằm tháng bảy kẻ quảy người không/ Rằm tháng mười mười người mười quảy”.

Như vậy mười hai ngày rằm trong năm các gia đình người Quảng đều cúng, nhưng rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và rằm tháng mười được coi trọng hơn, cúng quảy bài bản hơn. Theo quan sát của người viết bài này thì ngày nay các gia đình người Quảng đang có đôi chút thay đổi:

Rằm tháng mười dường như không còn mười người mười quảy nữa - theo nghĩa không còn được coi trọng hơn các ngày rằm khác nữa, trong khi đó rằm tháng bảy gắn liền với mùa Vu Lan báo hiếu thì ngày càng được các gia đình người Quảng đặc biệt quan tâm. Cũng do quan niệm rằm tháng bảy là ngày của cô hồn thập loại chúng sinh nên khi cúng rằm tháng bảy, các gia đình người Quảng đều không quên một tô cháo trắng...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

2. Việc cúng mồng một cũng có điểm nhấn như vậy. Mười hai ngày mồng một trong năm đều cúng, nhưng mồng một tháng giêng mới là ngày quan trọng nhất đối với gia đình người Việt nói chung, gia đình người Quảng nói riêng. Trong chữ Hán, nguyên thuộc bộ nhân nghĩa là đứng đầu - trạng nguyên là người đỗ đầu khoa thi đình; đêm rằm tháng giêng được gọi là nguyên tiêu - nguyên là tháng đầu năm, tiêu thuộc bộ thủ là đêm; còn sáng mồng một tháng giêng được gọi là nguyên đán - lúc trời mới sáng gọi là đán thuộc bộ nhật.

Các gia đình người Quảng thường rước ông bà vào ngày ba mươi tháng chạp và cúng năm mới vào sáng mồng một tháng giêng. Tuy nhiên thật sự thiêng liêng trong tâm thức người Quảng là lễ cúng giao thừa khuya ba mươi rạng mồng một tết, với cảm xúc “giã từ năm cũ bâng khuâng/ đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường” (thơ Tố Hữu).

Đây là thời điểm đoàn tụ gia đình không chỉ với người đang sống mà với cả người đã khuất. Cũng chính vì lẽ đó mà người Việt nói chung, người Quảng nói riêng khó nói lời chia tay với Tết ta để chỉ ăn Tết tây như một số người từng đề xuất.

Nói đến chuyện ăn Tết, nhiều người cho rằng ngày nay chủ yếu là chơi Tết chứ ăn Tết thì không còn cảm giác háo hức như xưa. Nhưng đó là nói chung chứ với không ít gia đình người Quảng đang đầu tắt mặt tối chật vật mưu sinh kiếm sống, ba ngày Tết cũng là dịp trước cúng sau cấp để được ăn tươi hơn một chút. Điều đáng chú ý là các gia đình người Quảng đã khá giả hay còn cơ cực đều dâng cúng tổ tiên một số món ăn đậm đà chất Quảng, trong đó có bánh tét - chứ không phải bánh chưng, và bánh tổ - còn gọi là bánh ổ.

3. Nói đến món ăn đậm đà chất Quảng còn có thể kể đến bánh ú tro thường không có nhân và được chấm với đường cát trắng - là loại bánh có khối hình tam giác được các gia đình người Quảng dâng cúng tổ tiên hằng năm vào dịp Tết đoan ngọ mồng năm tháng năm âm lịch - cho nên còn gọi là tết đoan ngũ.

Người Quảng cúng mồng năm tháng năm vào buổi trưa, bởi đoan thuộc bộ lập có nghĩa là đầu mối, còn ngọ thuộc bộ thập là giữa trưa. Nếu gọi là cả nhà ăn Tết thì Tết đoan ngọ cũng là dịp để gia đình đoàn tụ và vào thời điểm này dương khí lên cao nhất nên cùng nhau  ăn bánh ú tro - tro vốn dĩ có nhiều tính âm - sẽ giúp cân bằng âm dương rất có lợi cho sức khỏe con người.

Trước đây còn có tục nấu lá mồng năm, hái đúng dịp trưa (chính ngọ) - thực chất là một số dược liệu – để tắm cho trẻ con, nhưng ngày nay hầu như không còn nhiều gia đình người Quảng giữ được tục tắm nước lá này.

Nhưng dùng lá mồng năm để uống thay chè, thì rất nhiều gia đình vùng quê còn lưu giữ. Dân gian tin rằng, lá mùng năm có tác dụng chữa bệnh. Và theo Đông y, đó không phải là niềm tin mù quáng, bởi  hầu hết đó là những loại cây thuốc Nam như  mã đề, râu bắp, gương sen, mơ, cỏ ống, lá sả, bạc hà, é, tía tô, gừng, dủ dẻ, ổi, tim sen, vông… dùng để chữa nhiều loại bệnh thường gặp.

4. Tháng chạp âm lịch của gia đình người Việt nói chung, gia đình người Quảng nói riêng có một thời điểm vô cùng độc đáo và hết sức nhân văn: đêm hăm hai rạng sáng hăm ba - cúng đưa ông Táo về trời. Theo truyền thuyết, đó là lúc ông Táo-chồng-sau của bà Táo hối hả cưỡi cá chép về chầu trời, và chính trong suốt một tuần lễ mà người-thứ-ba tạm thời vắng mặt, ông Táo-chồng-trước của bà Táo mới có cơ hội bày tỏ sự ăn năn về lỗi lầm “chết người” mang hơi hướng bạo lực gia đình mà ông từng mắc phải năm xưa. Dường như bảy ngày đêm là quá ít để người đàn ông này có thể bộc bạch nỗi niềm cho đến đầu đến đũa, nên đêm hăm hai rạng sáng hăm ba năm nào ông Táo-chồng-sau của bà Táo cũng phải bấm bụng một mình đi xa - cả ngàn năm nay rồi và không chừng cả ngàn năm nữa…

Có thể cúng ông Táo vào sáng hăm ba nhưng không được cúng sau trưa, và dẫu gia đình khá giả hay cơ cực thì lễ vật dâng cúng không thể thiếu là ba bát đường đen với ba cái bánh tráng nướng. Người Quảng cũng không có lệ cúng cá chép để rồi phóng sinh, thay vào đó chỉ là con cá chép… bằng giấy làm phương tiện đi lại cho ông Táo lên thiên đình - lễ tuy bất túc tâm thành hữu dư.

Xin nói thêm làng gốm Thanh Hà ở Hội An có lò nặn tượng Táo quân đã hơn một trăm năm đỏ lửa, chứng tỏ ít nhất một thế kỷ qua, lễ đưa ông Táo về trời vẫn luôn đồng hành cùng người Quảng đương đại.

5. Thật ra cúng rằm hay cúng mồng một, cúng Tết nguyên đán, cúng Tết nguyên tiêu hay cúng Tết đoan ngọ, hay cúng ông Táo… là câu chuyện cúng quảy chung của người Việt chứ không riêng gì người Quảng - đương nhiên cũng có một chút khác biệt trong lễ vật dâng cúng giữa người Việt Đàng Ngoài và người Việt Đàng Trong.

Người viết bài này xin được dừng câu chuyện cúng quảy hằng năm của gia đình người Quảng bằng một lễ cúng riêng có của người Việt từ Quảng Bình trở vào: cúng tá thổ hay còn gọi là cúng đất - mỗi năm một lần trong tháng hai âm lịch, chủ yếu từ mồng mười đến cuối tháng, lễ vật dâng cúng gồm toàn món ăn đặc trưng Chiêm Thành như cua luộc nguyên con, mắm cái, khoai lang, rau lang luộc, đậu phụng, mía cây róc vỏ cắt từng đốt… thể hiện cách ứng xử khôn ngoan nhạy cảm và sự khiêm nhường của người Quảng xưa tự nhận mình chỉ là người tá thổ/thuê đất - tá thuộc bộ nhân nghĩa là thuê/mượn, tức không hề quên đây nguyên là đất Champa. Ngày trước trong lễ cúng đất còn có màn “kịch câm”: hai vợ chồng đóng vai hai người Chăm, cầm một cây sào, làm động tác đi đo đất...

Có thể nói đây là một tập tục độc đáo của người Quảng xưa trong quá trình quảng-nam-mở-cõi, vừa đậm đà màu sắc tâm linh thành kính và thấm đẫm chất chính trị vừa mang đậm dấu ấn tâm lý của những người mới xa quê, buổi đầu mọi thứ đều thấy lạ, “tới đây sông nước lạ lùng/ con chim kêu phải sợ con cá vùng phải kiêng” (ca dao đất Quảng).

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.