.
Nghĩ

Rời tổ

.

1. Nhà có hai chị em gái. Đứa em út vốn cá tính mạnh, cộng thêm việc được cưng chiều từ nhỏ nên có phần… đành hanh, ỷ lại. 18 tuổi, cả nhà quyết định cho em đi học đại học ở xa để rèn tính tự lập.

Được gần nửa năm, chị gái đáp máy bay vào thăm em. Bước ra khỏi cửa phi trường, chị sém rớt nước mắt khi thấy một “cục” tròn tròn, đen đen là… em đang chen lấn đứng chờ. Cằn nhằn mấy tiếng cho… có lệ, em tươi rói dắt tay chị ra bãi giữ xe rồi cùng về nhà trọ.

Con đường dẫn ra khỏi sân bay đang thi công, che chắn hết 2/3 lòng đường, em phải len lách giữa những dòng xe cộ mịt mù khói bụi trong phần đường hẹp  còn lại. Em bình thản nói: “Bụi quá, Hai (chị Hai) đeo khẩu trang chưa?”.

Ngỡ ngàng. Em đây hả? Cô nhóc mới hè năm ngoái đi xe máy qua bùng binh vắng người còn run run. Cô nhóc trước giờ không biết hỏi thăm ai, cũng chẳng biết để ý để tứ đến người khác. Lòng chị vừa vui, vừa thương em vì biết nửa năm sống trọ xa nhà, cô em “đành hanh” của mình đã phải vấp váp mấy lần mới được như bây giờ.

Dọn qua phòng trọ mới, em hì hụi khiêng vác đồ từ tầng trệt lên lầu ba. Hai chị em cùng làm gần cả tiếng vẫn chưa xong. Thấy em thở không ra hơi, mồ hôi bắt đầu rớt thành giọt, chị bảo em cứ ngồi nghỉ để chị làm tiếp. Em ngồi chưa được 2 phút lại lặng lẽ xuống nhà dọn cùng chị.  Hết ngày nghỉ cuối tuần, chị về lại quê nhà, lòng phần nào an tâm vì con chim trong tổ ấm bây giờ đã bắt đầu tự bay vững vàng…

2. Có cô học trò lớp 12 nọ được ba mẹ định hướng cho đi du học. Ngay từ năm lớp 11, mẹ em đã bắt đầu lo thuê người… viết thư giới thiệu, tìm các giấy chứng nhận cho một vài hoạt động ngoại khóa mà em… không tham gia. Cô học trò nhỏ chỉ có mỗi việc học để lấy điểm cho thật tốt. Ngày lên đường, em vẫn như con gà công nghiệp, chưa từng viết một lá thư điện tử cho chuyên nghiệp, hoàn chỉnh.

Bên trời Âu, cô bé ở cùng gia đình một người bản xứ vốn đề cao tính tự lập, tự chịu trách nhiệm. Không còn ai làm “mấy chuyện giấy tờ” giúp em, em viết bài luận lủng cà lủng củng cũng không ai giúp dò lại. Bản năng sinh tồn buộc em bơi một mình, ngộp ngạt thời gian đầu rồi tự nổi lên được. Gọi điện về cho tôi, em bảo: “Em thấy mình như được tự do, ước gì mẹ để cho em tự làm những việc này sớm hơn!”.

Cô bé ấy đã đi du học được hai năm. Nghỉ hè, được về Việt Nam hơn hai tháng, em nhanh chóng tự xin suất thực tập tại một ngân hàng địa phương. Buổi tối, em đi làm bồi bàn cho một quán nước lớn ở trung tâm thành phố để kiếm tiền tiêu vặt trong kỳ nghỉ mà không phải xin cha mẹ. Con chim nhỏ ngày nào nay được sổ lồng, bay cho thỏa những tháng ngày được/bị bao bọc kỹ lưỡng.

3. Nhưng không phải chú chim nào rời tổ cũng bay được. Hai cô bé trên, dù được bảo bọc đến mức không tự lập nổi, nhưng vẫn là người có đủ bản lĩnh, biết quan sát những người trong gia đình để bắt chước theo mà tự tổ chức cuộc sống. Không ít đứa trẻ ra đời không biết cách tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, sa đà vào thói hư tật xấu. Không biết có ai làm khảo sát về các du học sinh thất bại trong cuộc sống xa gia đình, chỉ riêng quanh tôi thôi, có đã phải 5-6 đứa trẻ vừa đi du học được vài tháng đã phải quay về vì không thể hòa nhập, vì mê trò chơi điện tử hơn mê học, vì căng thẳng với bạn bè, với chủ nhiệm ký túc xá…

Bởi vậy, thay vì “cột cánh” để đến khi con rời tổ thì mới thả ra cho nó bay một cách... “hên xui”, tại sao không thả dần cho con ngay từ khi còn trong tổ? Để cho cha mẹ đỡ mệt mỏi, để cho con nếu lỡ có vấp váp thì vẫn còn là rơi trong tổ, vẫn còn vòng tay cha mẹ đỡ nâng?

PHONG LAN

;
.
.
.
.
.