.

Quà tặng

.

Nhìn tôi khổ sở mỗi lần định tặng quà ai đó chị thường mắng tôi khờ. Chị hỏi tôi có còn nhớ món quà đầu tiên mang tặng cho người khác là thứ gì không? Làm sao mà nhớ nổi, chắc là mấy cục tẩy, vài chiếc vòng nhựa và món bánh đa sắn nướng giòn tan mang tặng cho cô bạn mới chuyển đến làng sinh sống. Ừ, vậy ngày đó mang quà đi tặng có thấy ngại ngùng không? Có gì đâu mà ngại ngùng chị ơi, con nít vô tư mà nên cả người cho và người nhận đều chẳng mảy may suy nghĩ. Bây giờ thì khác rồi, chúng ta đôi khi hoài nghi cả thành ý của nhau. Nên người tặng đôi khi phải tự hỏi “mình thực sự có đang cầu cạnh gì không? Thứ mình tặng liệu người ta có thích?”. Có khi những món quà mộc mạc chứa đựng sự chân thành đến tay người kia lại trở thành kệch cỡm. Chị bảo “có gì đâu mà em phải nghĩ nhiều. Cứ có tặng nhau là quý rồi, phân vân chi cho cực”. Về sống một nhà với chị, nhìn đâu cũng thấy dáng dấp của yêu thương. Chị kể ngày mới chuyển đến đây chỉ có mỗi xác nhà. Tiền nong cạn kiệt nên chẳng sắm sửa được gì, đến cái đệm cũng là của bạn mua. Mấy chiếc cốc xinh xắn bạn tự tay làm ở làng gốm Bát Tràng rồi mang về bày trong nhà. Cả những tấm rèm cửa họa tiết hoa đồng nội cũng là bạn cất công tự chọn vải tự may tặng chị. Chị cười bảo “ăm ắp yêu thương đến vậy thì có gì mà phải băn khoăn cơ chứ”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bạn của chị toàn người rất dễ thương. Không thích dùng từ “cho” đến mấy mớ rau, chục trứng gà cũng gõ cửa bảo “tặng cậu quà quê”. Có đợt hai chị em đều ốm nằm bệt ở nhà. Chị bạn gọi điện hỏi thăm tỉ mỉ bệnh tình rồi đến chơi với gói quà được thắt nơ trên tay. Lúc mở ra thấy toàn là thuốc bổ, kèm một cái thiệp nhỏ vẽ hình mặt cười và dòng chữ “cấm được ốm lâu đấy nhé”. Thỉnh thoảng lại thấy chị vui như trẻ nhỏ khi nhận từ tay anh bưu điện một hộp quà xinh xắn được gửi từ nhiều đất nước. Bạn thân của chị thích chủ nghĩa xê dịch, hai tám tuổi thu xếp lại cuộc đời rồi xách ba lô đi chu du khắp thế giới. Không có cuộc điện thoại nào được gọi về nhưng mỗi nơi bạn đi đều để lại một dấu vết nào đó trong căn nhà chị. Một bó hoa oải hương khô cũng đủ mang về hình ảnh của cánh đồng nước Pháp. Những hạt giống hoa mười giờ Mỹ, hoa lưu ly Ý, hoa chuông Trung Quốc được chị mang đi trồng, hồi hộp chờ từng chiếc mầm non vươn lên từ lòng đất. Và tôi biết có những gói hạt giống chị chỉ dám để trong lọ thủy tinh làm kỷ niệm. Mà chẳng dám mang gieo xuống đất vì biết chắc rằng khí hậu nơi này không phù hợp với đặc tính của hoa. Chị lưu hộ những chặng đường bạn đi bởi biết đâu đến một ngày nào đó bạn cần tìm lại. Những món quà cũng thật biết cách an ủi đôi bàn chân bị giam cầm tù túng trong lòng phố. Họ biết vỗ về nhau bằng những dung dị đời thường.

Tôi rời thành phố, từ biệt chị và ngôi nhà nhỏ quá đỗi yên bình. Chị làm tặng tôi chiếc túi thơm toàn mùi hương thảo mộc. Thứ mùi hương quen thuộc ấy suốt bốn mùa phảng phất trong ngôi nhà chị. Gần gũi đến mức từng có lúc tôi ngỡ nó tỏa ra từ da thịt chính mình. Và tôi tin lời chị từng nói “sự quan tâm nhau không cần phải cầu kỳ, tự món quà sẽ biết cách ngọt ngào cất tiếng…”.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.