Từ trong lòng đồng bào, ta lớn dậy

.

Sau hơn 45 năm, khi ngồi lại bên nhau, trong tâm tưởng của lớp thanh niên xuống đường năm 1970 ngày ấy vẫn còn nguyên mùi bom xăng, biểu ngữ giăng ngang đường phố … và trên hết là tấm lòng yêu và quyết bảo vệ Tổ quốc.

Hình ảnh họp mặt nữ tù chính trị năm 1995. (Bà Nguyễn Thị Thọ, hàng đứng, thứ 5 từ trái sang)  (Ảnh tư liệu)
Hình ảnh họp mặt nữ tù chính trị năm 1995. (Bà Nguyễn Thị Thọ, hàng đứng, thứ 5 từ trái sang) (Ảnh tư liệu)

Trong gian khó vẫn kiên trung

Lần giở cuốn “Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Phong trào thanh-thiếu nhi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1927-2011” có đoạn: Sau Đại hội sinh viên học sinh miền Nam lần thứ nhất vào tháng 7-1971 tại Huế và hưởng ứng Tuyên cáo chung của Đại hội, ngày 17-7-1971, Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng (TĐHSĐN) phát động phong trào đấu tranh “chống quân sự hóa học đường”, “chống chủ trương trường cá mập, lớp học cá mòi” (tức chủ trương nhồi nhét học sinh vào lớp học đông người để thu lợi)…, các chi đoàn trong trường học đã nhanh chóng tập hợp lực lượng học sinh, thanh niên xuống đường biểu tình. Hàng ngàn học sinh mang băng-rôn và giương cao khẩu hiệu “đả đảo đế quốc Mỹ”, “đả đảo chiến tranh xâm lược”, vượt qua hàng rào dây thép gai, cảnh sát, tấn công trụ sở Hội Việt – Mỹ (nay là Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ). Phong trào đấu tranh được quần chúng nhân dân ủng hộ và nhanh chóng được học sinh, thanh niên thị xã Hội An, Tam Kỳ hưởng ứng.

Trong những cuộc biểu tình, bãi khóa của học sinh-sinh viên (HSSV), bọn ngụy quyền Đà Nẵng ngay lập tức điều lực lượng cảnh sát, quân cảnh từ Quảng Tín (nay là tỉnh Quảng Nam) ra, cùng với xe thiết giáp, phi tiễn, lựu đạn cay tấn công đàn áp. Nhiều nơi, những cuộc xô xát đẫm máu đã diễn ra. Có mặt trong những ngày tháng đau thương nhưng quật cường ý chí đấu tranh của dân tộc, bà Nguyễn Thị Thọ, cựu thành viên TĐHSĐN cho biết, những ngày đầu năm 1972, tình hình thật căng thẳng: Chiến sự lan rộng, thành phố ngột ngạt, chúng tôi vẫn đi học, tham gia cứu trợ đồng bào, nạn nhân cuộc chiến khắp nơi đổ về Đà Nẵng, vừa chuẩn bị lực lượng cho những cuộc đấu tranh mới. Thế rồi, bắt đầu từ ngày 15-5-1972, chỉ trong 3 ngày, phần lớn cán bộ chủ chốt, cơ sở bí mật trong TĐHSĐN bị bắt cùng một số giáo sư các trường, các nhân sĩ yêu nước. “Những ngày tháng lao tù ấy, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến sự tàn bạo, độc ác của kẻ thù. Nhiều chị bị vết thương mãi không lành do tra tấn đánh đập. Những vết sẹo, vết thâm tím trên người hàng tháng không tan, nhiều chị bị tra tấn đến mức lên cơn động kinh thường xuyên... Với chúng tôi, chốn lao tù trở thành nơi rèn tâm trí, ai cũng thấy mình cứng cáp, vững vàng và đến gần cách mạng hơn”, bà Thọ xúc động nói.  

Tạp chí Đối Diện số 62, ra ngày 22-10-1974 có ghi lại sự kiện “Ba học sinh Đà Nẵng rạch bụng giữa tòa án Sài Gòn”. Tin ấy nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện thông tin trong và ngoài nước về việc ngày 30-9-1974, các học sinh Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Hòe thuộc TĐHSĐN chống lệnh tòa án đã có hành động anh dũng trước tòa. Không lường trước tình hình, bọn quân cảnh cuống cuồng dùng gậy ma trắc và báng súng đánh phủ đầu 3 học sinh. Cuối cùng, cả 3 bị đẩy lên xe bít bùng, hú còi, chạy thẳng về nhà tù Chí Hòa, trải qua nhiều lao tù miền Tây Nam Bộ và cuối cùng ra khỏi nhà tù Mỹ - ngụy cùng ngày miền Nam giải phóng.

Lê Văn Thọ, 1 trong 3 học sinh bị bắt giam trong nhà tù Chí Hòa ngày ấy kể lại: “Trước ngày hết án, nhiều lần tập thể tù chính trị của phong trào HSSV trao đổi, bàn bạc về việc nên hay không nên đi lính, chọn phương án nào có lợi nhất cho công cuộc đấu tranh, bảo toàn được khí tiết, nêu cao danh dự. Cuối cùng tất cả biểu quyết dứt khoát không cầm súng cho địch. Tại nhà tù Chí Hòa, mọi người đồng loạt giao nhiệm vụ cho 3 chúng tôi quyết tâm chống phong trào “bắt lính, đôn quân” của địch. Sống trong bầu không khí thân tình ruột thịt nhưng sục sôi ý chí đấu tranh ấy, tình đồng chí, đồng đội càng trở nên keo sơn gắn bó”.

Một thời tuổi trẻ sôi nổi

Không hẹn mà gặp, trong cuộc trò chuyện của chúng tôi với các thành viên TĐHSĐN ngày ấy là ký ức những câu thơ của Tố Hữu, Thu Bồn, Giang Nam, Chế Lan Viên được truyền tay nhau đọc trong những buổi hội thảo, xuống đường; vẫn còn đó đêm đốt lửa căm thù, hát vang các bài “Dậy mà đi”, “Hát cho dân tôi nghe”. Trong ký ức ấy còn có hương vị những chiếc bánh mì nóng hổi, ăn vội trong các đêm tại chùa Pháp Lâm, chuẩn bị cho đêm văn nghệ “Từ trong lòng đồng bào ta lớn dậy”; còn đó bàn tay lấm mực khi in truyền đơn tại nhà thờ cụ Phan Châu Trinh để sáng hôm sau kịp bãi khóa, biểu tình…

Ngay sau khi thành lập, TĐHSĐN đã ra Tuyên cáo gửi đến đồng bào và tuổi trẻ học đường khẳng định mục tiêu đấu tranh và báo hiệu thời cơ hành động mới của phong trào thanh niên, HSSV yêu nước. Chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng (còn gọi là chùa Tỉnh Hội) ở đường Ông Ích Khiêm trở thành Tổng hành dinh của Tổng đoàn. Hằng ngày, hàng trăm học sinh từ các trường về nhận chỉ thị đi khắp thành phố, gặp xe Mỹ ở đâu là đánh bom xăng và rải truyền đơn ở đó. Ông Lê Đức Hùng, Ban liên lạc TĐHSĐN chia sẻ, phong trào đấu tranh của HSSV ngày ấy diễn ra với nhiều hình thức phong phú, sinh động ở tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, vừa công khai và bán công khai, vừa hợp pháp và bán hợp pháp.

Xung quanh cội bồ đề ở chùa Tỉnh Hội, từng lượt học sinh thông báo cho nhau tình hình ở các trường, các phố. Quán sách Việt trên đường Lê Lợi, quán nước mía chị Mười đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), quán chè chị Nhỏ trước cổng Trường trung học Bồ Đề (nay là Trường THCS Nguyễn Huệ)… trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi cất giấu truyền đơn, bom xăng, nơi rà soát những chiến công, kinh nghiệm sau mỗi lần tranh đấu… “Đáng nhớ nhất vẫn là đêm 18 và 19-12-1971, Tổng đoàn tổ chức hai đêm diễn với chủ đề “Từ trong lòng đồng bào, ta lớn dậy”, với kịch thơ “Tiếng gọi Lam Sơn” của Trần Quang Long, hoạt cảnh “Việt Nam hóa chiến tranh, thay màu da trên xác chết” và thơ ca phong trào. Đồng bào đến xem chật ních chùa Tỉnh Hội, cảnh sát ngụy không làm sao cản được đêm diễn. Tiếng hát, lời thơ đã thực sự làm rung động hàng vạn con tim bằng những giai điệu thiết tha, đầy yêu thương và căm giận của tuổi trẻ học đường”, ông Hùng nhớ lại.

Trong chiều sâu ký ức của những học sinh, thanh niên xuống đường ngày ấy là niềm tin vào con đường cách mạng. Nguyên Phó Chủ tịch Nội vụ Ban chấp hành TĐHSĐN Đỗ Pháp chia sẻ, với ông, được sống và đấu tranh trong những năm tháng đó là điều hạnh phúc. Từng thế hệ học sinh, từ nhiều trường lớp đã đến với nhau bằng tình yêu Tổ quốc, góp phần tô đậm bức tranh phong trào HSSV Đà Nẵng những năm 1970. Họ sẵn sàng xả thân, cống hiến sức mình, hoạt động cách mạng bằng trái tim cháy bỏng và đầy niềm tin.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.