Chống đuối nước và… hơn thế nữa

.

Được Sở GD&ĐT Đà Nẵng triển khai trên địa bàn thành phố từ mùa hè năm ngoái, chương trình “Bơi an toàn” không chỉ trang bị cho học sinh tiểu học kỹ năng bơi lội chống đuối nước mà qua đó, phát hiện những nhân tố có tiềm năng để đào tạo thành những “kình ngư” trong tương lai.

Có bể bơi từ năm 2007, Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến đào tạo được nhiều thế hệ học sinh biết bơi. Ảnh: V.P.Q
Có bể bơi từ năm 2007, Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến đào tạo được nhiều thế hệ học sinh biết bơi. Ảnh: V.P.Q

Bơi an toàn nhờ... bể bơi

Suốt cả tuần, trừ chủ nhật, thầy Trần Trọng Khang và cô Nguyễn Anh Đào có mặt tại bể bơi phía sau Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến để hướng dẫn cho học sinh các cách bơi. Cô Đào mới về trường được 2 năm nay, đã tốt nghiệp lớp huấn luyện bơi lội do Sở GD&ĐT phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức. Thầy Khang dạy thể dục ở trường từ năm 2010, có chứng chỉ đào tạo bơi lội do tổ chức TASC cấp.

Bể bơi di động lắp đặt ở trường, theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà, được tổ chức TASC tài trợ từ năm 2007, đến năm 2014 giao hẳn lại cho trường. Có một bể bơi “thâm niên” nên học sinh nhà trường nhiều em đã biết bơi; hè này, trừ 130 học sinh lớp 1 chưa học bơi, còn lại có 380/607 học sinh đăng ký học bơi.

Mặc dù Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học tổ chức tuyên truyền, phát động và đồng loạt khai giảng dạy bơi vào ngày 6-6 vừa qua, nhưng theo cô Thu Hà, các trường có bể bơi từ lâu rồi thì khai giảng cuối tháng 5. Các lớp “Bơi an toàn” ở Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 22-5 đến 30-6, đợt 2 từ ngày 3-7 đến 11-8. Một khóa học bơi gồm 20 tiết diễn ra trong 6 tuần, tuần cuối cùng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận; gần kết thúc sẽ dạy các em cách hô hấp nhân tạo cấp cứu người khi bị đuối nước.

Huyện Hòa Vang hiện có 19 trường tiểu học nhưng chỉ mới 17 trường có bể bơi. Về sự “thiệt thòi” của hai trường này, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang giải thích: “Đối với Trường tiểu học Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong) và Trường tiểu học số 1 Hòa Liên, Sở GD&ĐT đã có kế hoạch cấp cho 2 bể bơi nhưng cơ sở chính của hai trường này không có đất để đặt bể bơi. Thời gian tới sẽ khắc phục điều này để học sinh trên địa bàn huyện đều được trang bị các kỹ năng chống đuối nước”.

Nuôi “kình ngư” từ bậc tiểu học

Về thực trạng bơi lội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, như nhận xét của ông Nguyễn Trọng Thao, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể dục Thể thao - Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, hãy còn gặp nhiều hạn chế trong việc trẻ em tiếp cận với các hoạt động bơi lội do đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Để đào tạo huấn luyện viên, hè năm ngoái, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức lớp bồi dưỡng hướng dẫn bơi cứu đuối cho 120 học viên là giáo viên giáo dục thể chất đến từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố. Năm nay, sẽ tiếp tục triển khai chương trình “Bơi an toàn” cho học sinh tiểu học và THCS; phát triển các lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại các trường học.

Trường tiểu học Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, nằm dưới chân đèo Hải Vân, được cho là thuộc vùng xa của quận Liên Chiểu. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Nhàn cho biết, hè năm ngoái trường mới được thành phố lắp đặt bể bơi di động, nên chưa tổ chức dạy bơi cho học sinh. Hè năm nay, bắt đầu triển khai dạy bơi cho học sinh ở 4 trường tiểu học thuộc hai phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc. Chỉ một trường tiểu học ở phường Hòa Hiệp Nam có bể bơi nhưng có thu tiền (vì xây dựng theo xã hội hóa) nên phụ huynh gửi hết con sang học bơi miễn phí tại Trường tiểu học Hải Vân. Trường gần biển, nhưng chỉ một số ít học sinh biết bơi nhờ ba mẹ, anh chị hướng dẫn. Học sinh ở bên kia đường Nguyễn Văn Cừ (Quốc lộ 1A) thì cha mẹ ngại, không cho con xuống biển một mình. Thêm vào đó, gần đây rộ lên tin nhiều học sinh chết do đuối nước càng làm cho các bậc cha mẹ nhà gần sông, biển lo ngại. Nay nghe nói có bể bơi miễn phí là nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con để tránh nguy cơ đuối nước. Cô Nhàn có con học bơi ở bể bơi Trường tiểu học Phan Phu Tiên (phường Hòa Khánh Nam) - đơn vị có bể bơi đầu tiên trên địa bàn quận Liên Chiểu. Cô bảo, mình làm gương cho người khác, cho con học bơi để vừa an toàn, vừa bảo vệ sức khỏe.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao hiện chỉ học sinh lớp 3 mới được học bơi, trẻ lớp 2 nếu đi chơi theo chúng bạn mà bị đuối nước thì làm sao, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Tất cả các em học sinh đều được học bơi, tuy nhiên, do số lượng bể bơi và đội ngũ giáo viên không thể đáp ứng 100% học sinh tiểu học cùng học bơi. Hơn nữa, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, khóa VIII HĐND thành phố yêu cầu đưa chương trình dạy bơi vào các trường tiểu học, phấn đấu đến năm học 2016 - 2017 tất cả học sinh tốt nghiệp tiểu học của thành phố đều biết bơi, vì thế các trường học đã ưu tiên đào tạo trước cho học sinh các lớp chuẩn bị hoàn thành chương trình tiểu học”.

Chương trình “Bơi an toàn” ở Đà Nẵng chỉ mới khởi động được gần 2 mùa hè, mọi việc còn ở phía trước. Thế nhưng, từ việc em Trần Họa My, lớp 5/1 Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến đoạt giải nhất bơi ngửa, giải ba bơi trườn sấp cuộc thi thể dục - thể thao ngành GD&ĐT huyện Hòa Vang năm học 2016 - 2017, có thể hy vọng rằng, chương trình chống đuối nước này sẽ góp phần phát hiện và từ đó tạo nên những “kinh ngư” trên đường đua xanh trong tương lai.

Trong năm học 2016 - 2017, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã tích cực tham mưu, kêu gọi đầu tư trang bị bể bơi cho các trường tiểu học. Nhờ đó, số lượng bể bơi hiện tại tại các trường học của ngành là 57 bể, được xây dựng từ 3 nguồn: ngân sách thành phố, các tổ chức phi chính phủ tài trợ và xã hội hóa. Nếu khai thác tối đa công suất các bể bơi sẽ đào tạo được cho 27.000 học sinh. Mùa hè năm 2016, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã dạy bơi cho hơn 13.000 học sinh, chiếm 15% học sinh tiểu học toàn thành phố.

Nguồn: Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.