Mùa hè âu lo

.

Với những học sinh cuối cấp, mùa hè cũng chẳng khác ba mùa còn lại trong năm khi suốt ngày vùi mình bên sách vở, thức khuya dậy sớm với những đề ôn thi, những lớp học thêm liên tiếp nhau…

Mùa hè của các em học sinh THPT không khác mùa học trong năm. (Ảnh chụp một lớp học thêm luyện thi môn Vật lý trên đường Trưng Nữ Vương). Ảnh: Q.T
Mùa hè của các em học sinh THPT không khác mùa học trong năm. (Ảnh chụp một lớp học thêm luyện thi môn Vật lý trên đường Trưng Nữ Vương). Ảnh: Q.T

1. Theo chân N.Q. (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đến các lớp học thêm trong một ngày hè, chúng tôi nhận ra, mùa hè của nhiều học sinh không khác mùa học trong năm là mấy khi dành 8 tiếng để đến lớp học thêm. Buổi sáng sau khi ăn sáng, xếp đặt sách vở xong, mẹ em đưa đón đến lớp học thêm học trọn buổi sáng. Trưa về nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng lại tiếp tục vào ca chiều từ 13 giờ 30 - 19 giờ (trong tuần có 3 ngày em học từ chiều sang tối). Lịch học dày đặc như vậy là do với 3 môn chính thi đại học (Toán, Văn, Anh) mỗi môn Q. đều học… hai thầy. Ngoài ra, Q. còn “chạy sô” đến các lớp Hóa, Lý.

Không chỉ mùa hè năm nay mà ngay từ mùa hè năm lớp 9 lên lớp 10 và 10 lên 11, Q. như không có khái niệm “nghỉ hè”. Em trải lòng: Vào hè, trong khi mọi người háo hức chuẩn bị cho những chuyến du lịch hay những cuộc vui chơi bên gia đình, bạn bè thì học sinh cuối cấp như em phải ra khỏi nhà từ 7 giờ sáng và về nhà lúc 9 giờ tối, suốt thời gian đó, lớp học thêm như ngôi nhà thứ hai vậy. Tối về ăn uống xong thì lại ngồi vào bàn học, có khi đến 2 - 3 giờ sáng. Tất cả những nỗ lực đó chỉ để mong sẽ đậu vào trường tốt, để có một tương lai, một môi trường học ổn định và chất lượng.

Mùa hè của năm học gần cuối cấp là mùa hè đáng nhớ nhưng cũng đầy khổ luyện nhất của nhiều học sinh. Dù đã trải qua 3 mùa hè nối tiếp nhau như thế nhưng với Q., cảm giác âu lo, áp lực vẫn còn đó. Ngay cả những lúc đang cầm sách, bút vở trên tay, miệt mài giải những đề thi, Q. vẫn lo mình chăm chỉ chưa đủ, kiến thức không tải kịp vào đầu. Cô trò nhỏ đang độ tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” không còn bận tâm đến tiếng ve kêu, phượng nở, hay mơ màng đến những buổi rong ruổi đạp xe chơi đùa cùng bạn bè. “Đầu óc em lúc này chỉ nghĩ đến việc bằng mọi giá phải đậu đại học thôi”, Q. nói.

Không chỉ Q., rất rất nhiều cô cậu học trò lớp 11 lên 12 bậc THPT đều xác định: mùa hè là mùa… tranh thủ học. Võ Bá Ph. (lớp 11 Trường THPT Ngô Quyền) trải lòng: “Những năm còn học THCS, hè đến là em vui lắm. Nhưng năm nay, em thấy lòng nặng trĩu vì lo lắng. Mùa hè này sẽ đầy khó khăn và áp lực, kỳ thi THPT năm tới sẽ nặng nề hơn hẳn các kỳ thi trước”. Dù cha mẹ không tạo áp lực, không cấm cản vui chơi vài ngày trước khi bước vào học hè nhưng tự dưng hè này, Ph. “người lớn” hơn hẳn. Em tự lên kế hoạch thi trường nào, học tập trung những môn nào, học thầy nào… mà không đợi cha mẹ nhắc nhở. Năm nay, Ph. sẽ thi ngành Toán-Tin (ĐH Đà Nẵng). Biết lực học của mình không giỏi, em dự định sẽ học kèm theo dạng một thầy kèm một trò với cả 3 môn Toán, Lý, Hóa; các môn Văn, Anh Văn sẽ đến lớp học thêm. “Em xác định sẽ dành trọn mùa hè này cho việc học. Đậu đại học không chỉ là ước mơ của em mà còn là ước mơ của cha mẹ. Nhìn vào ánh mắt kỳ vọng, nét mặt lo lắng của mẹ, em không cho phép mình ngừng cố gắng”, Ph. nói.

2. Những sĩ tử năm nay, thi THPT quốc gia còn áp lực lớn hơn. Sau những giây phút bịn rịn chia tay, ai cũng phải trải qua một quãng thời gian căng thẳng để ôn tập nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất này. Đó quả là một quãng thời gian khó quên. Hồng Trinh (lớp 12/1, Trường THPT Ngô Quyền) chia sẻ, “Từ đầu năm học lớp 12 đến nay, em chỉ “rời xa” sách vở trong chốc lát vào những ngày nghỉ lễ. Không như mọi năm, khi tiếng trống bế giảng vang lên là em biết mình sẽ có một mùa hè thảnh thơi vừa chơi vừa học phía trước. Còn năm nay, điều duy nhất khiến em cảm nhận mùa hè đang đến đó là tiết trời nắng hừng hực và cái nóng hầm hầm trong các lớp học thêm. Thời gian em ở nhà thầy cô còn nhiều hơn ở nhà”.

Bước vào kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách, dù có là trò giỏi hay không thì đa số các em đều gác lại những dự định vui chơi để dành phía sau kỳ thi. Và mùa hè với những em 12 chỉ bắt đầu sau kỳ thi quan trọng ấy. Nhớ lại quãng thời gian ôn thi đại học cách đây 2 năm, Trọng Khánh (SV năm 2, ngành CNTT, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc. Khánh kể, dù đã thi xong, được ba mẹ động viên “con trai đã hoàn thành nhiệm vụ 12 năm đèn sách” nhưng cả Khánh và nhóm bạn đều không thể “bung xõa” hết mình, vừa chơi nhưng vừa nơm nớp lo kết quả thi. Thời gian đó, hầu như trong cuộc gặp gỡ nào với bạn bè, câu chuyện cũng xoay quanh đề thi, bài thi, đáp án… Ai ai cũng có một chút tiếc nuối trong bài thi nên tâm trạng cứ nặng trĩu, những buổi tụ tập vì thế vắng hẳn tiếng cười…

Không chỉ học sinh, phụ huynh nào có con năm nay thi cuối cấp càng thấu hiểu cảm giác lo lắng đó hơn cả. Bà Trần Thị T. (mẹ em Ph.) bày tỏ, bà rất lo lắng cho kỳ thi phía trước của con nhưng bên cạnh nỗi lo ấy là niềm vui khi thấy con ngày một trưởng thành, biết lo cho tương lai. Không thể làm giúp con mọi việc như lúc con còn nhỏ, bà chỉ biết âm thầm ở cạnh động viên, mỗi ngày nấu cho con những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để con có sức “vượt vũ môn”. “Tôi đã chuẩn bị sẵn cho con phần thưởng dù kết quả thi có như thế nào. Là mẹ, tôi chỉ mong con mình có sức khỏe và sống vui vẻ thôi”, bà T. nói.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.