Nhà văn ra đời từ người lính tình nguyện

.

Tên tuổi nhà văn Lê Khâm tôi được biết từ năm 1958 và năm 1960 qua hai tiểu thuyết về tình nguyện quân Việt Nam trên chiến trường Lào: “Bên kia biên giới” và “Trước giờ nổ súng”. Thực ra tôi biết đến nước Lào trước đó khá sớm, khi mới chừng mười tuổi, mới cắp sách tới trường làng. Đó là dịp tình nguyện quân vừa ở Lào về sau một mùa chiến dịch.

Ngày bộ đội tổ chức liên hoan, ấn tượng nhất với tôi là điệu múa lăm vông sôi động, uyển chuyển. Dân vùng tôi lam lũ, nào biết chi văn nghệ. Lại có cả bài hát tiếng Lào. Các chị bộ đội lên sân khấu, váy áo sặc sỡ sắc màu, môi son đỏ thắm. Một đất nước tuyệt đẹp với hoa Chăm Pa trắng muốt sân chùa, những cô gái như dát vàng óng ánh trên hai cổ tay, đền đài tráng lệ. Theo những câu chuyện của mấy anh lính trẻ, đất nước ấy dường như chỉ có ở trong mơ. Nước Lào từ đó ẩn hiện trong  tôi như một xứ sở thần tiên.

 Cho đến mười năm sau tôi có được cuốn sách của Lê Khâm. Chỉ trong một ngày tôi đọc xong, thấy tiếc nuối, đọc lại lần nữa. Và gần đây khi cuốn sách tái bản, tôi tìm đến hai cuốn sách về nước Lào. Thật kỳ diệu, những thiếu nữ, tên những buôn làng, dòng sông... vẫn cuốn hút tôi như những ngày đầu, khi mới chớm vào tuổi xao xuyến cảm xúc. Bua Thăm, Nậm Hu, Savanakhệt, Bua Kham... và tình yêu cô thiếu nữ Lào Bua Kham với Trung đội trưởng Tiến, chiến sĩ tình nguyện trong đêm trăng, trước phút giã từ bên con suối nhỏ, khiến tôi ngồi lặng, bồi hồi, lòng thầm cảm ơn Lê Khâm – Phan Tứ. Đất nước Lào, mối tình đằm thắm hai dân tộc cùng chung nghĩa lớn chống quân xâm lược đã cho ông những cảm xúc sâu nặng, đưa ông từ một người lính, sống theo quy chuẩn quân nhân nghiêm ngặt, thành nhà văn trữ tình. Mối tình của một thiếu nữ Lào Bua Kham trong sáng, trẻ trung với người trai đất Việt gắn bó tuổi thanh xuân cùng các chiến sĩ Pa Thét Lào tràn ngập trăng trong từng trang sách. Một thiên tình sử đẹp mê hồn. Đó là tác phẩm đầu tay của nhà văn xứ Quảng.

Nhà văn Lê Khâm - Phan Tứ sinh ra ở Bình Định, lớn lên ở Quảng Nam-Đà Nẵng. Năm 1950, ông nhập ngũ, làm người lính thời chống thực dân Pháp và trở thành tình nguyện quân, sát cánh cùng bạn Lào chiến đấu đến ngày hòa bình. Năm 1954 về nước, giã từ những người bạn chiến đấu, cùng gian lao đánh giặc, gắn bó với từng bản làng. Nhớ lại những đồng đội đã ngã xuống, những nấm mồ bộ đội Pa Thét cùng tình nguyện quân... bồi hồi, da diết, buộc người lính phải cầm bút và trong hai năm liên tục Lê Khâm - Phan Tứ đã cho ra mắt hai tiểu thuyết  đầu tay cùng một đề tài: tình chiến đấu hai dân tộc Việt - Lào trong hai tên gọi: “Bên kia biên giới”, xuất bản năm 1958 và “Trước giờ nổ súng”, năm 1960. Sau này sự nghiệp văn học của ông như cây đại thụ. Hàng loạt tác phẩm lớn ra đời “Mẫn và tôi”, “Gia đình má Bảy”... Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (2000). Ấn tượng và cảm xúc tuyệt vời trong tôi vẫn là tiểu thuyết đầu tay “Bên kia biên giới”.

Năm 1970, tôi chính thức tiếp xúc với Phan Tứ tại Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà văn trước khi vào chiến trường B. Được tiếp xúc, trò chuyện trực tiếp với nhà văn mà mình yêu thích, và cả biết ơn, đã truyền cảm xúc cho tôi về một đất nước Lào anh em, thắm tình, gần gũi. Không thể ngờ rằng, một nhà văn có thể tải lên từng trang sách trữ tình đến mê hoặc, lại khô khan, cứng nhắc đến khó hiểu. Ngày ấy, chúng tôi cũng đã trưởng thành, đã tốt nghiệp đại học, đã ra công tác vài ba năm, nhưng ông quản chúng tôi như một trại thiếu sinh quân. Giờ giấc đánh răng, súc miệng, mắc màn, sáng dậy theo hiệu còi tăm tắp. Ông vào từng phòng, đánh thức từng người. Tối chủ nhật về “trại” đúng giờ điểm danh. Ai vắng mặt, ghi vào sổ, cuối tuần nhắc nhở. Còn một điều nữa. Kết thúc khóa học ông cho bình bầu và trao giấy khen những người thực hiện tốt nội quy, giống như phiếu “Bé ngoan” của các cháu mẫu giáo. Tôi cầm trong tay tờ giấy pơ-luya đánh máy có chữ ký của ông, chẳng biết để làm gì. Khi rên rẩm, có ý thất vọng, ông nói rất gọn, “Bây giờ cứ phải thế. Vào chiến trường các cậu mới biết, lề mề, sai sót một li... là bỏ mạng như chơi. Rèn luyện, rèn luyện. Phải luôn buộc mình phải rèn luyện”. Đúng là một chính trị viên mẫu mực. Cách  quản lý kiểu nhà binh của Phan Tứ, tôi kinh ngạc cho đến nhiều
năm sau.

Chúng tôi vào chiến trường khi ông đang vã mồ hôi với “Mẫn và tôi”. Mãi đến cuối năm 1974 ông về lại chiến trường cũ. Đây là những ngày tôi nhận diện ra hai Phan Tứ trong một con người. Một Phan Tứ kỷ luật trong làm việc, nguyên tắc trong ứng xử. Dù hoàn cảnh ngặt nghèo đến đâu, ngày ngày ông cũng phải dành ít nhất hai, ba trang nhật ký. Ông đọc cho chúng tôi nghe những trang nhật ký bầm dập trên chặng đường vào Nam, chi tiết, chính xác bằng mắt, bằng tai, thời gian, địa điểm... Bộ “Nhật ký chiến trường” dày khoảng 7.000 trang là một kho tư liệu quý về chiến tranh. Nhưng giờ đây tôi biết thêm một Phan Tứ cảm xúc đằm thắm, sâu nặng.

Kể về hai cuốn sách đầu tay với bút danh Lê Khâm, ông như được sống lại những cảm xúc đặc biệt trên đất nước Lào anh em:

- Từ mặt trận Hạ Lào về, có điều gì đó cứ trăn trở, hối thúc, như buộc mình phải nói ra, phải thể hiện. Mình đã thử cầm bút, rồi những trang giấy theo nhau vụn nát trong tay. Có lẽ mình không có thiên hướng sáng tác, không quen tưởng tượng. Nghệ thuật hư cấu xa lạ với mình. Tất cả phải là thật. Không thật, mình không viết được gì cả. Mà sự thực đó, con người đó, con suối trong veo mát rượi lấp loáng dưới ánh trăng... hiển hiện ra đó, mà sao khi nhạt nhòa, vô cảm. Cuốn “Bên kia biên giới” được các anh lớn tuổi trong Hội Nhà văn động viên nhiều lắm. Nhưng phải đến lần thứ năm bản thảo mới được coi là sạch sẽ. Vất vả hơn anh thợ cày, nhưng mình sung sướng. Một việc làm đền ơn đáp nghĩa những người bạn Lào đã gắn bó với mình trong những năm tháng đầy ắp tình anh em, chiến hữu, son sắt lý tưởng.

 Đêm hôm đó, nằm trong võng anh kể lại từng mẩu chuyện thời tình nguyện mà như anh đang đọc trên trang sách. Trôi chảy, cảm xúc dâng đầy. Đến đoạn Tiến và Bua Kham chia tay, người ở, người về lại Tổ quốc, giọng anh như tắc nghẹn. Tôi biết anh đang kìm nén cảm xúc và có lẽ đó là trang sách xúc động nhất trước khi cuốn tiểu thuyết khép lại.

“Tiến nhìn Bua Kham đuổi voi, nhìn để thu hình ảnh cuối cùng của người yêu và giữ lấy trọn đời. Mảnh trăng lưỡi liềm nhô khỏi mây, sáng xanh nhạt. Sóng bạc rập rờn đuổi nhau trên đồng lúa chín. Nhớ lại ngày gặp Kham lần đầu, Tiến nhận ra Kham lớn hẳn lên, đẹp duyên dáng và sắc sảo, ngực nở căng dưới chiếc sơ-mi cộc tay. Mỗi lần gặp nhau, anh lại tìm thấy ở Kham những nét mới lạ.  Một dáng đẹp khi e ấp, một nét cười tinh nghịch, một ý nghĩ ngây thơ,  đằm thắm. Những móng nhọn cào cấu trong ngực Tiến nhức buốt. Em “Sen Vàng” của anh, biết nói thế nào để em hiểu...

Kham thủ thỉ:

 - Chim bay tối còn về rừng, anh đi nhớ về thăm em nhé. Em nhớ anh đến chết đi ấy...

Mảnh trăng lưỡi liềm nhô khỏi mây, sáng xanh nhạt. Sóng bạc rập rờn đuổi nhau trên đồng lúa chín. Kham cầm tay anh, như không muốn rời ra”.

Và đây là dòng cuối cuốn tiểu thuyết.

“... Con chim nôk-lạng réo một hồi dài tiễn chân… Rừng Lào quen thuộc từ từ khép bức rèm cây sau lưng họ”.

ĐOÀN TỬ DIỄN

;
.
.
.
.
.