Ác mộng nước lũ ở Nam Á

.

Kể từ đầu năm 2017 tới nay, châu Á phải chứng kiến những thiên tai kinh khủng. Cơn bão Mora đổ bộ vào Bangladesh hồi tháng 5 đã khiến hơn 500.000 người chịu cảnh màn trời chiếu đất. Chỉ vài tuần sau đó, miền nam Trung Quốc chịu cảnh lụt lội nặng tới mức 12 triệu người buộc phải di tản. Riêng ở tỉnh Giang Tây, lũ lụt năm nay gây thiệt hại lên tới 430 triệu USD. Tỉnh lân cận Hồ Nam có tới 53.000 ngôi nhà bị phá hủy vì nước lụt.

Giang Tây, Trung Quốc tháng 7-2017.
Giang Tây, Trung Quốc tháng 7-2017.

Nam Á là khu vực ẩm ướt nhất không chỉ ở châu Á mà còn là một trong những nơi ẩm thấp nhất trên thế giới với lượng mưa trung bình 1.000mm mỗi năm. Nhà nghiên cứu khoa học về khí hậu Dewi Kirono thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) nói rằng: “Thời tiết khắc nghiệt còn nặng hơn vì biến đổi khí hậu. Trong 3 thập niên nữa, lượng mưa sẽ mạnh ở châu Á, khoảng 20%”. Từ năm 2012, các nhà khoa học cũng đã đưa ra kết luận: Một khi mưa mạnh hơn thì 137 triệu người ở Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt.

Mọi thứ càng tồi tệ hơn khi mà quy hoạch đô thị ở Nam Á vội vã và thiếu tầm nhìn vì cố đáp ứng nhu cầu của hàng triệu nông dân di cư ra thành phố. Ông Paul Sayers thuộc Đại học Oxford nói rằng “Một khi bạn cứ mải miết bê-tông hóa tất cả mọi thứ thì lũ lụt sẽ nghiêm trọng hơn và cái chết tới cũng bi thảm hơn”.

Theo số liệu thống kê của Trường Đại học Louvain (Bỉ), phần lớn số người tử vong hay thương tích do lũ lụt từ năm 1950 tới nay nằm ở ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Có tới 2,2 triệu người ở 3 nước này đã chết vì lũ lụt; trong đó có 2 triệu người chết do lụt ở Trung Quốc năm 1959. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) viết trong báo cáo mới nhất của mình rằng, khu vực châu Á đã phải chịu tổn thất về kinh tế từ khí hậu và thiên tai chiếm tới ¼ toàn cầu. Lũ lụt hoành hành ở miền trung Trung Quốc ở tháng 7 này làm gần 90 người thiệt mạng và mất tích.

Ba con sông lớn là sông Hằng, sông Dương Tử và sông Brahmaputra là gốc rễ của tình trạng này. Khoảng 500 triệu người Ấn Độ và Bangladesh cùng với 300 triệu người Trung Quốc sống ở các lưu vực ba con sông này; tổng cộng chiếm 14% dân số thế giới. Đồng bằng sông Dương Tử rộng lớn, màu mỡ chiếm 40% GDP của Trung Quốc. Tình trạng ngập lụt tồi tệ không chỉ do tập trung dân số quá đông ở các lưu vực sông như nói ở trên là tình trạng bê-tông quá nhiều khiến khả năng thoát nước kém. Chẳng hạn như các cơn mưa xối xả năm nay khiến một nhánh sông Dương Tử ở Hồ Nam tăng cao hơn mức báo động tới 3,2m, phá vỡ các bờ đê và nhà cửa. Nếu như Trung Quốc năm 1976 chỉ có 17% dân số sống ở đô thị thì năm 2016 là 56%. Ấn Độ hiện có 33% dân số sống ở đô thị, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Các nhà khoa học cho rằng, trước diễn biến khí hậu phức tạp, mưa càng ngày càng lớn thì ba nước Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc cần phối hợp với nhau để điều chỉnh quy hoạch nhà cửa, đô thị và thoát nước càng sớm càng tốt ở lưu vực ba con sông nói trên.

ANH THƯ (Theo CNN)

;
.
.
.
.
.