Số liệu thống kê ở thủ đô Jakarta của Indonesia cho thấy hàng ngày có khoảng 3,5 triệu người tham gia giao thông. Tình trạng kẹt xe nặng nhất vào hai thời điểm từ 5-8 giờ và từ 17-20 giờ. Đó cũng là quãng thời gian mọi người tranh thủ đi mua thực phẩm để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình nhưng gặp quá nhiều khó khăn trong lúc giao thông.
Mua sắm thực phẩm, tạp hóa thông qua app của HappyFresh trên điện thoại thông minh. |
“Cái khó ló cái khôn” cho giám đốc điều hành của HappyFresh là Guillem Segarra khi ông quyết định triển khai “chợ thực phẩm, tạp hóa trực tuyến” ở Đông Nam Á cách đây 2 năm đầu tiên ở Indonesia. Segarra nói rằng: “Ý tưởng xuất phát từ việc chăm sóc gia đình nhưng tới siêu thị trong thành phố đông đúc như Jakarta là không dễ, thậm chí làm ức chế về tinh thần và thể xác. Chợ thực phẩm, tạp hóa trực tuyến là đề xuất rất hay, một thị trường tiềm năng”.
Nghiên cứu của Google và Temasek Holdings dự báo thương mại điện tử thế giới tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 88 tỷ USD vào năm 2025; tức là tăng cực mạnh trong vòng một thập niên. Chỉ riêng tại Trung Quốc, mua bán thực phẩm trực tuyến chỉ đạt 1% cách đây 10 năm nhưng giờ đây đã có lúc tăng lên tới 12%. Segarra không nói về số liệu kinh doanh của mình, song cho biết HappyFresh đã giúp giải quyết những khó khăn cho khách hàng trong việc mua thực phẩm và tạp hóa cho gia đình; và tốc độ tăng trưởng đều đặn hai con số mỗi tháng (tức từ 10% trở lên).
Sau khi triển khai ở Indonesia thì nay HappyFresh đã có mặt tại Thái Lan và Malaysia. Ba quốc gia này đều gặp khó khăn giao thông ở những thành phố lớn nên nhu cầu mua thực phẩm trực tuyến khá cao. Nhân công làm việc cũng như giao hàng không cao. Bộ phận quản lý tại mỗi quốc gia là những người có sự am hiểu văn hóa, ẩm thực địa phương rất tốt nhằm tạo ra những sản phẩm mang đậm hương vị từng vùng miền. Điều đó giúp cho đơn vị làm ăn có hiệu quả để tiếp tục mở rộng thị trường. HappyFresh liên kết với 32 siêu thị và 150 cửa hàng, tổng cộng có 250.000 sản phẩm nên có thể nói đơn vị này có nguồn hàng dồi dào và ổn định. Khách hàng sẽ được giao sản phẩm tới tận hàng, theo đúng giờ đã thông báo khi đặt đơn hàng.
Dự báo tương lai về chợ thực phẩm, tạp hóa trực tuyến tiếp tục tăng trưởng bởi vì khả năng giải quyết kẹt xe ở các thành phố lớn ở Đông Nam Á chưa hiệu quả. Người trẻ bây giờ năng động hơn trong việc mua sắm trực tuyến thông qua việc sử dụng điện thoại cầm tay. Chính vì thế, không chỉ ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan mà những nước khác ở Đông Nam Á cũng từng bước triển khai chợ thực phẩm, tạp hóa trực tuyến như một xu hướng chắc chắn phải tới.
ANH THƯ (Theo Enterpriseinnovation)