Lớn lên từ ngôi nhà thứ hai

.

Nếu không bỏ những ngày phơi nắng nơi bến cá, bỏ những ngày dậy thật sớm đi lấy nước cho người ta rửa cá, và nhận lại những đồng tiền lẻ cùng mớ cá nhỏ về cho ngoại, để bước vào ngôi nhà có chừng ba chục đứa trẻ, có cha mẹ chung, thì có lẽ giờ này Hoàng cũng chưa định hình được tương lai của mình. Những anh, em ngày xưa ở cùng mái nhà với Hoàng dù chưa khá giả lắm, nhưng được cái luôn nghĩ về nhau. Các em đã cùng lớn lên, trưởng thành với đầy ắp yêu thương và kỷ niệm ở “ngôi nhà” Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng.

Nguyễn Huy Hoàng đang hướng dẫn thợ trong phân xưởng của mình các thao tác chạm khảm trên gỗ. Ảnh: H.L
Nguyễn Huy Hoàng đang hướng dẫn thợ trong phân xưởng của mình các thao tác chạm khảm trên gỗ. Ảnh: H.L

“Hồi đó nhà ngoại ở bến cá Thuận Phước. Cái nhà bé tí, lụp xụp mà ngoài ông bà ngoại, má có đến 8 anh chị em, buổi tối về nhà chỉ đủ ghé lưng. Em học đến nửa lớp 3 thì bỏ. Sáng nào cũng dậy thật sớm đi múc nước sông lên cho người ta rửa cá trước khi chuyển ra chợ, tiền công được trả là 200 đồng, làm cho mấy người như rứa mới đủ một suất ăn sáng; có người trả công bằng mớ cá nhỏ, mang về cho ngoại kho dưa. Thời ấy, ở cảng cá có cả chục đứa trẻ như em. Rồi có mấy người lớn bảo vô Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố (gọi tắt là Trung tâm), ở đó sẽ được nuôi, được ăn học đàng hoàng. 13 tuổi em bước chân vào ngôi nhà thứ hai của bố mẹ…”, Nguyễn Huy Hoàng bồi hồi nhớ lại.  

Đó là năm 1993. Những đứa trẻ ở cảng cá, đứa đi trước đứa đi sau, được xếp vào các gia đình của Trung tâm. Nhiều đứa nhớ nhà, không quen, trốn về. Còn Hoàng thì xác định ở đây sẽ được bố mẹ chăm sóc tốt hơn ở nhà nên có khóc cũng gắng ở lại. Hôm nào nhớ má quá thì ra sân ngồi nhìn lên bầu trời, tìm kiếm một ngôi sao băng vì Hoàng nghe mấy anh chị lớn nói, nếu nhìn thấy sao băng, ước mơ được về với má sẽ thành sự thật (!). Gia đình mới của Hoàng ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. Ngày chủ nhật nào Hoàng cũng xin bố mẹ cho về thăm má, thăm ông bà. Đi bộ từ nhà ra bến phà, trốn vé để được qua sông rồi tiếp tục đi bộ về Thuận Phước. Lúc đó Hoàng 13 tuổi, bắt đầu học lại lớp 3.

Hoàng kể, em vào Trung tâm, học hết lớp 11 thì xin bố mẹ cho đi học nghề. Trước đó, Hoàng xin học bán thời gian ở một cơ sở chạm khảm vào ban ngày, ban đêm thì đi học bổ túc văn hóa. Tiền kiếm được bố mẹ cho để riêng, em đã có thể tự mua được một chiếc xe đạp hơn 2 chỉ vàng. Ở đây, bố mẹ của các gia đình sẽ nhìn năng khiếu từng đứa để hướng các con học nghề hay tiếp tục học văn hóa. Hồi đó Hoàng chọn nghề chạm khảm xà cừ vì có thể phát huy năng khiếu vẽ của mình, em may mắn được gặp người thầy dạy nghề, người coi Hoàng như con, chỉ vẽ cho em từng chút một, giữ Hoàng ở lại làm nghề với mình suốt nhiều năm. Tính ra đến nay Hoàng đến với nghề chạm khảm được 21 năm, đã khẳng định được tên tuổi của mình khi làm nghề.

Hoàng bảo, cuộc đời mình nếu không nhờ đến với Trung tâm, gặp những ông bố, bà mẹ tuyệt vời, yêu thương các em như con, gặp những người anh, người chị, người em không cùng dòng máu, không cùng gốc gác, vậy mà được dạy cách chia sẻ với nhau, yêu thương nhau, lo lắng cho nhau như ruột thịt. Chừng đó làm nên bản lĩnh, nhân cách từng đứa con. Chưa hết, những người từng dạy nghề, cưu mang các em cũng mang tấm lòng từ bi hiếm gặp.

Năm 1998, Hoàng xin bố mẹ rời Trung tâm, vào đời. Năm đó bà ngoại bán nhà, chia cho má hơn một cây vàng, Hoàng như bao thanh niên thời điểm đó, khi mà xe máy Trung Quốc bắt đầu tràn vào, chỉ thèm có một chiếc xe vi vu với chúng bạn, nhưng ông cậu bắt Hoàng quên chuyện đó, dẫn thằng cháu đi mua một lô đất chỉ có giấy tờ viết tay ở phường Phước Mỹ. Có đất nhưng chẳng kiếm đâu ra tiền làm nhà. Hai năm sau người thầy dạy nghề của Hoàng mua chịu vật liệu xây dựng, giúp em làm căn nhà nhỏ cho hai má con có chỗ chui vô chui ra. Rồi Hoàng lấy vợ, sinh con, trả hết nợ… Cuộc đời cứ thế lật sang những trang mới. Cách đây mấy năm, nhà giải tỏa, Hoàng mua nhà về phường Nại Hiên Đông, chuyển cơ sở sản xuất về nhà, kêu thêm thợ những khi khách đặt hàng đông. Chưa hết, cái tình của anh em ở cùng một gia đình ngày xưa kéo Hoàng và các anh ngồi lại với nhau, thành lập nhóm “Hy vọng xanh” với ước mong gây quỹ, có thể giúp đỡ nhau những khi khó khăn. Nhưng nguồn quỹ chưa có nhiều bởi ai cũng đang chật vật với công việc, chưa thể thong thả. Hoàng bảo rằng sẽ cố gắng nuôi dưỡng khát vọng, để những em bước ra từ các gia đình có thể ổn định hơn mình ngày xưa. Và Hoàng nhận các em lứa sau mình về truyền nghề, làm nghề cùng. Hoàng cũng mong các em thực tế hơn trong chọn lựa nghề nghiệp. Như Hoàng và các anh, em chọn học nghề làm bánh, nghề mộc, cơ khí, sửa xe…, dù có vất vả nhưng kiếm việc dễ hơn, ổn định hơn.

Hoàng là một trong số rất nhiều đứa trẻ đã lớn lên, trưởng thành từ Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố. Nhiều em vẫn ngỡ cuộc đời mình sinh ra đã gặp nhiều khó khăn, bất hạnh, nhưng nhờ các bố mẹ, nhờ chính anh em cùng nhà, các em đã trưởng thành, sống tốt và có ích cho đời.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.