Giữ vững khí phách, ngọn lửa của thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà

.

Sau Thế chiến thứ 2, Mỹ hết mình ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhưng cuối cùng Pháp đã thất bại. Mỹ đã không cứu được Pháp ở Điện Biên Phủ. Mỹ đã thế chân Pháp thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng ở Việt Nam qua 5 đời tổng thống, với các chiến lược: Chiến tranh một phía, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh.

Cũng như Pháp, Mỹ không thể giành được thắng lợi, mà chỉ đi sâu vào đường hầm không lối thoát. Đầu những năm 1970, tình hình chiến trường ở nước Mỹ và trên thế giới buộc Mỹ phải tìm cách xuống thang, tìm một lối ra trong danh dự. Sự xuống thang của Mỹ được thể hiện thành một chiến lược hết sức thâm độc và tàn bạo “Việt Nam hóa chiến tranh”, thay màu da xác chết.

Quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975.
Quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975.

Đặc khu ủy Quảng Đà được thành lập và phát triển trong thời kỳ này, trước hết là tạo ra một sức mạnh về tổ chức lãnh đạo, chuyển trọng tâm cuộc đấu tranh vào thành phố, hướng chính là thành phố. Trước đây, thành phố đã là một địa bàn trong ba vùng chiến lược, nay với tổ chức mới, trọng tâm này sẽ được bảo đảm ngày càng mạnh mẽ hơn cho đến khi cuộc chiến kết thúc thắng lợi.

Đây chính là thời kỳ gian khổ nhất, ác liệt nhất, hy sinh lớn nhất và cũng là thời kỳ trưởng thành gang thép nhất với những chiến công chói lọi nhất của Đảng bộ và quân dân Đặc khu Quảng Đà.

Giành dân

Ở chiến trường này, Mỹ đã đưa đến những đơn vị sừng sỏ nhất, những vũ khí phương tiện chiến tranh lớn nhất, hiện đại nhất. Chưa ở đâu và chưa bao giờ Mỹ thực hiện chiến tranh hủy diệt để dồn dân, xúc dân vào vùng chúng kiểm soát, biến vùng giải phóng thành vùng trắng dân, tự do oanh kích. Chúng đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, chiêu hồi tác động vào lực lượng cách mạng. Chúng viện trợ ồ ạt cho chính quyền, quân đội Sài Gòn.

Lúc đó chúng ta thật vô cùng khó khăn, chỉ có ý chí: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Không có gì quý hơn độc lập tự do”, chúng ta mới trụ vững và đi lên, mới tìm ra lời đáp cho biết bao câu hỏi lớn. Đồng bào, chiến sĩ và nhân dân Quảng Đà đã có những cách làm, cách đánh sáng tạo trong hoàn cảnh tưởng đâu chỉ còn bó tay. Lúc đó, có lẽ khó khăn lớn nhất của chúng ta là mất dân.

Trong cách mạng miền Nam vấn đề dân luôn là trung tâm, từ các chiến dịch  tố cộng, diệt cộng, lập ấp chiến lược, tới các thủ đoạn bình định, tìm diệt, tranh thủ trái tim và khối óc người dân, chúng ta đã vạch trần bẻ gẫy các âm mưu thủ đoạn của chúng, phát động quần chúng đồng khởi diệt ác phá kìm.

Đến chiến tranh cục bộ, sức tàn phá của bom, pháo, chất độc hóa học, máy cày ủi đã biến vùng nông thôn trù phú của Quảng Đà thành vùng trắng, tranh bói ngút ngàn. Nhiều người dân bị xúc hàng chục lần lên trực thăng. Nhiều gia đình trụ bám, hứng chịu bom pháo, tổn thất không sao kể xiết. Và với bom pháo, chất độc cuộc bình định không đối đất đã buộc họ phải dứt ruột ra đi dù họ đã nguyện thề. Ta về ta ở vườn ta/ Ôm cây cột cháy cũng là thơm danh.

Có bà mẹ nói với chúng tôi: “Con tôi chừ còn nhỏ tôi cho nó ra Đà Nẵng cùng tôi ít năm. Chừng mô nó lớn cầm được khẩu súng tôi sẽ tìm gửi mấy chú cho nó làm anh giải phóng”. Mất dân, chúng ta lâm vào cảnh mồ côi dân, thật đau xót: Còn dân kẻ đón người đưa/ Mất dân đi sớm về trưa như con chồn.

Từ trong cảnh đau xót đó, chúng ta tìm đủ cách để giành dân. Và từ trong thực tế, ta xuất hiện nhiều cách làm, nhiều sáng kiến như cấy dân, trài dân, một cảnh đôi quê… Tôi e rằng, nếu không có những tổng kết được ghi chép đầy đủ các hình thức đấu tranh của người dân để giữ gìn vị thế hợp pháp trong sản xuất và sinh hoạt thì sự nhìn nhận lịch sử của chính chúng ta và những thế hệ sau này sẽ có nhiều khoảng trống.

Chúng ta cũng khôn khéo giữ được nhiều vùng đầu cầu, bàn đạp cho công tác đô thị. Đây là những vùng ban đêm ta làm chủ, hoặc là nơi ta nắm được một số người trong chính quyền cơ sở của địch, là địa bàn trong sạch nên ở đây có thể gặp gỡ trao đổi, bàn bạc với các cán bộ cơ sở từ thành phố ra, khi cần có thể đưa anh em lên căn cứ học tập huấn luyện.

Đây cũng là nơi ta mua được gạo, mắm và các hàng hóa cần thiết. Đồng bào nhờ mua bán hàng cho cách mạng cũng có thu nhập tốt. Nhà nào cũng có sẵn 10, 20 ang gạo. Nhiều nhà sẵn sàng mua thuốc tây kể cả kháng sinh và thuốc sốt rét, những thứ địch kiểm soát ngặt, cả pin đèn, giấy mực in…

Vùng trắng là vùng không có kinh tế thị trường, chỉ có hàng đổi hàng, có một câu ca dao tôi cho là rất hay: Bao giờ Tiên Lãnh ăn tiền/ Trà My đông chợ hai miền gặp nhau. Địch tiến hành chiến tranh hủy diệt quyết đẩy chúng ta về thời kỳ đồ đá để ta suy kiệt, ta lại tạo được những địa bàn có thể tiếp tế tạo nguồn hậu cần cho mình nuôi dưỡng lực lượng kháng chiến.

Tạo thế hợp pháp huy động tích lũy lực lượng

Năm 1973, khi đấu tranh thực hiện Hiệp định Paris, từ kinh nghiệm này chúng ta đã thực hiện xanh đồng đông chợ, tạo thế hợp pháp huy động tích lũy lực lượng. Còn nhiều sự việc cụ thể về giành dân nắm dân trong bối cảnh địch tiến hành chiến tranh hủy diệt.

Có thể nói nội dung và phương thức dân vận trong thời kỳ này trong Việt Nam hóa chiến tranh có rất nhiều thay đổi phát triển. Đảng bám dân, dân bám đất được nhận thức mới hơn, linh hoạt và sâu hơn. Xin bổ sung thêm hai sự việc cụ thể về cách làm mới này:

Thứ nhất, về tổ chức Chi bộ 2, tăng đáng kể sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ở vùng đô thị. Có quá nhiều đảng viên, cán bộ ở các vùng giải phóng bị xúc tát. Sống trong lòng địch nhiều người vẫn tìm cách liên hệ với tổ chức, xin nhận công tác, chúng ta chủ động bố trí một số đồng chí có năng lực, có điều kiện hoạt động trong môi trường này.

Họ có thể cũng là người dân bị xúc tát hay là người vì chiến sự ác liệt mà phải dạt vào thành thị. Họ lập nên chi bộ 2 hoạt động theo sự chỉ đạo của địa phương gốc, lúc có điều kiện họ chắp nối liên lạc với tổ chức Đảng tại chỗ. Anh Nghinh có lần nói: “Chúng ta không lấy nông thôn bao vây thành thị, chúng ta đưa những hạt giống đỏ, những lực lượng cách mạng ở nông thôn vào thành thị”.

Thứ hai, sau ngày Bác Hồ đi xa, thấy lòng dân với Bác thật là quá đỗi sâu sắc, chúng tôi nảy ra ý định làm một bản đăng ký thề mãi mãi là dân cụ Hồ. Bản đăng ký có hai phần, phần đầu là ơn nghĩa trời biển của Bác với dân, nỗi đau thương vô hạn của dân khi Bác mất.

Phần hai là ba lời thề của gia đình trước anh linh người. Lúc đó đã phát hành cả ngàn bản đăng ký. Chúng tôi nghĩ rằng dù có bị dồn xúc thì với lời thề dân ta như bông sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Dù sống cảnh cá chậu chim lồng họ vẫn thầm lặng đóng góp quỹ nuôi quân, nuôi con, thấy có lớn có khôn thì tìm cách cho đi bộ đội. Có nhiều người trở thành những chiến sĩ biệt động dũng cảm, những cán bộ cơ sở tham gia tích cực trong đấu tranh chính trị binh vận.

Trong cuộc thi gan này, chắc chắn quân dân ta hơn hẳn quân tướng Mỹ chứ không nói gì đến quân đội Sài Gòn. Điều này, McNamara đã rút ra bài học trong hồi ký của ông “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho các giá trị của nó và cho đến nay chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”.

Nói cho sáng tỏ là Mỹ không hiểu và đánh giá thấp truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, động lực vĩ đại và duy nhất của dân tộc như Bác Hồ đã khẳng định: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì lòng yêu nước ấy trở thành một làn sóng to lớn mạnh mẽ, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”. Những thế lực muốn hợp tác hay khuất phục dân tộc Việt Nam đều phải nhớ, và đánh giá đúng giá trị ấy. Với chúng ta thì sao?

Trong những ngày này, nghĩ về thời kỳ cực kỳ máu lửa đó, tôi nhớ khôn nguôi các đồng chí đã hy sinh trong quá trình chống Mỹ, cứu nước, Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà đã hy sinh tổn thất nhiều lắm. Trong thời kỳ Đặc Khu ủy có 2 trận mất mát lớn nhất:

Ngày 23-1-1968, 7 ngày trước Tết Mậu Thân, Đoàn Văn công Quảng Đà đang tập dượt tiết mục mới để vào Đà Nẵng biểu diễn sau khi tổng công kích thắng lợi thì một quả bom quét đã rơi trúng đội hình. 9 đồng chí đã hy sinh trong đó có nhạc sĩ Văn Cận người sáng tác ca khúc “Ai lo tăng gia”, vừa tốt nghiệp nhạc viện Bắc Kinh về nước, anh xung phong đi B về với chiến trường quê hương ra ngay Quảng Đà. Anh Tân Nhân một cơ sở cách mạng, một ký giả kịch trường vừa từ Sài Gòn về được phân công lãnh đạo Đoàn Văn công Quảng Đà cũng ngã xuống trong trận này.

Anh em còn sống phải mượn mấy cái nong nia của bà con Tư Phú sắp đặt thi thể và tìm lượm từng lóng xương, miếng thịt áng chừng của ai để vào phần xác người đó. Nhưng chỉ 2 ngày sau, nén đau thương anh chị em lại bàn cách thế vai những người đã khuất tiếp tục tập dượt để chuẩn bị nhập thành.

Và đêm 21 rạng 22-5-1972, ở vùng núi Duy Xuyên một loạt B52 đã trúng cơ quan Ban Tuyên huấn, lúc này đang có cuộc họp với các địa phương do anh Đán, Phó Bí thư chủ trì, 10 đồng chí hy sinh, có 5 đồng chí ở trong một hang, bị đá lớn chồng lên, không lấy được thi thể. 40 năm sau, nhờ sự giúp đỡ của nhiều cơ quan và quyết tâm tìm bằng được của nhiều chiến hữu, hài cốt của các anh (thực ra chỉ còn một ít xương vụn) mới được về với người thân, với đồng đội. Chắc là nhiều đồng chí cũng nghĩ như tôi, làm sao kể hết, nhớ hết những hy sinh lớn lao của anh em chúng ta trong thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà.

Tôi chỉ thầm cầu mong thế hệ con cháu mình sẽ không phải đi qua, phải gánh vác những cuộc chiến tranh. Nhưng dù không được trải nghiệm, rèn luyện trong những thử thách của cuộc chiến tranh, những lớp trẻ sau này vẫn giữ, vẫn có ý chí, khí phách, ngọn lửa của thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà. Tôi tin rằng, có những giá trị ấy thì họ sẽ làm được những gì mà lịch sử giao phó, cũng như thế hệ thời Đặc Khu ủy Quảng Đà đã có được lời đáp sáng tạo cho những câu hỏi lớn của thời đại, nửa thế kỷ trước.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.