Khan hiếm nguồn lực du lịch

.

Với sự bùng nổ của hệ thống khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố thời gian qua, chưa bao giờ, nhân lực ngành du lịch lại khan hiếm đến thế.

“Cung” không đáp ứng “cầu” là thực trạng khiến những người làm du lịch đau đầu. (Ảnh minh họa)Ảnh: Q.T
“Cung” không đáp ứng “cầu” là thực trạng khiến những người làm du lịch đau đầu. (Ảnh minh họa)Ảnh: Q.T

Số lượng khách sạn ở Đà Nẵng được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng trong thời gian đến. Dọc tuyến đường ven biển Trường Sa-Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa như một “đại công trường” với nhiều dự án bước vào giai đoạn nước rút. Đây là nguyên nhân khiến “cung” không đuổi kịp “cầu”.

Ít người học ở vị trí cần nhiều lao động

Khai trương từ tháng 5-2017, khách sạn Crystal nằm trên đường Hồ Nghinh đã đi vào hoạt động ổn định. Ông Hoàng Hữu Vinh, quản lý khách sạn cho biết: từ trước khi xây dựng hoàn thiện, khách sạn Crystal đã đăng thông báo tuyển nhân viên nhưng đến sát ngày khai trương, nguồn nhân lực mới tạm đủ. Một số vị trí như sale manager, lễ tân rất khó tuyển được người có kỹ năng tốt. Các vị trí buồng phòng, bàn… chỉ tuyển được khoảng 50% lao động lành nghề, còn lại, phải tuyển người chưa có nghiệp vụ và phải chấp nhận mất thời gian để đào tạo. “Cách đây 2-3 năm, tình trạng thiếu nhân lực ngành du lịch không quá trầm trọng như hiện nay. Doanh nghiệp chỉ việc đăng tin tuyển và đợi người lao động đến nộp hồ sơ. Nay, doanh nghiệp phải tự bươn bả đi tìm người lao động. Tôi có tham gia vào một nhóm các anh chị cùng làm trong lĩnh vực du lịch, khách sạn của Đà Nẵng. Chúng tôi có trang web riêng để tiện liên lạc, chia sẻ với nhau thông tin về tour, phòng, nhân lực. Hầu như ngày nào tôi cũng thấy có tin đăng tuyển các vị trí buồng, bar, bàn…”, ông Vinh nói.

Thực tế,  các học viên chỉ tập trung phần lớn vào các lớp như hướng dẫn viên, lễ tân trong khi các vị trí này chỉ chiếm 5 – 15% trong kinh doanh khách sạn, trong khi đó các vị trí buồng, bàn hầu như ở khách sạn nào cũng thiếu. Chị Đặng Thị Vi Na, trưởng bộ phận sale, khách sạn Avatar (đường Hoàng Kế Viêm, quận Sơn Trà) cho biết, để tìm được một hồ sơ chất lượng hiện nay rất khó. Hầu như với các hồ sơ đạt mức khá, người lao động lại yêu cầu được làm việc ở vị trí cao. Trong khi đó, các vị trí quản lý rất ít, nhân lực hoạt động chủ yếu trong các khách sạn là nhân viên. “Tâm lý của người lao động thường thích làm việc ở những vị trí có tên “kêu”. Họ không thích học ra để làm phục vụ bàn, tạp vụ… Do đó, các vị trí cần nhiều lao động như buồng, bàn, bar thì ít người học, trong khi cơ hội việc làm rất lớn. Đó là sự lãng phí nguồn lực lao động”, chị Vi Na nói.

Một tồn tại khác khiến các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố trăn trở chính là việc lao động chưa toàn tâm gắn bó với doanh nghiệp. Điều này cũng xuất phát chính từ thực trạng thiếu hụt nhân lực, từ đó người lao động nhảy việc khi có mức lương hấp dẫn. Anh Hữu Vinh cho biết, bộ phận lễ tân là bộ phận bị ảnh hưởng cụ thể nhất việc “nhảy việc”. Cứ có khách sạn mới ra là họ nhảy để tìm mức lương cao hơn. Trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành, khách sạn, nhà hàng, chỉ cần làm việc ở nơi nào 2 năm trở lên là khi chuyển qua địa điểm mới, người lao động mặc nhiên đòi hỏi được lên vị trí cao hơn, lương bổng cao hơn. Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, việc thiếu hụt nhân lực du lịch trong thời gian qua đã tạo nên mức lương ảo trong ngành du lịch, tạo sức ép chi phí cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là, chính sự lôi kéo của các chủ khách sạn đã khiến người lao động “đứng núi này trông núi nọ”, không yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Việc chạy chỗ liên tục này không những lãng phí thời gian mà chuyên môn cũng không chuyên sâu, không được nâng cao và đạt độ chuẩn.

Tìm cách tháo gỡ

Một chủ khách sạn thừa nhận, việc thiếu hụt trầm trọng lao động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn khiến chủ khách sạn buộc phải tuyển lao động mà không có bất kỳ yêu cầu nào (không có bằng cấp chuyên môn, không nghiệp vụ…), chỉ cần có người đến nộp hồ sơ là nhận trước, rồi đào tạo sau. Có thời điểm, khách sạn đăng tuyển nhân viên cả 2 tháng ròng vẫn không nhận được hồ sơ ứng tuyển. Vào mùa du lịch cao điểm, việc tìm nhân viên “căng như dây đàn”. Thậm chí, cả vị trí như nhân viên bảo vệ cũng không tìm ra người.

Có nhiều câu hỏi đặt ra, trong khi “cầu” cao như thế, tại sao doanh nghiệp không tìm đến nguồn “cung” -  trường học để “đặt” lao động? Một chủ khách sạn 3 sao trên đường Hồ Nghinh, cho rằng, Đà Nẵng không làm du lịch cả năm mà chỉ làm theo mùa. Các khách sạn từ 4 sao trở lên có thể hoạt động ổn định suốt năm, nhưng các khách sạn từ 3 sao trở xuống chỉ kinh doanh có lãi vào mùa hè. Thêm vào đó, với mỗi khách sạn có trung bình từ 30 - 40 nhân viên. Mỗi vị trí chỉ từ 4 - 5 người. Số lượng không quá lớn để có thể hợp đồng liên kết với nhà trường. Hình thức này chỉ có thể được ký kết giữa trường học và các khu nghỉ dưỡng lớn, hoặc tổ hợp vui chơi giải trí với số lượng nhân viên hàng trăm người. Do đó, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài… tự thân vận động.

Chị Vi Na cho biết, hiện tại, muốn tuyển được lao động, các khách sạn phải hạ tiêu chuẩn tuyển dụng xuống. Những người có lợi thế về ngoại hình, sức khỏe, ngoại ngữ sẽ được cân nhắc lựa chọn. Sau đó, trưởng bộ phận sẽ đào tạo để họ có thể đáp ứng công việc. “Mỗi khách sạn có phong cách, định hướng kinh doanh khác nhau. Thậm chí với những đối tượng có đúng bằng cấp, nghiệp vụ tuyển dụng, chúng tôi vẫn phải đào tạo lại. Do vậy, cũng nên cho các đối tượng chưa có nghiệp vụ cơ hội để họ phát huy năng lực. Đây là giải pháp tình thế trong điều kiện nguồn nhân lực khan hiếm như hiện nay”, chị Vi Na nói.

Tuy nhiên, theo các chủ khách sạn trên, giải pháp tình thế đó chỉ áp dụng với các vị trí buồng phòng, bàn, tạp vụ… chứ không thể áp dụng với vị trí lễ tân hay sale. Lễ tân là bộ mặt của khách sạn. Các yêu cầu, khúc mắc, tìm kiếm thông tin của khách đều thông qua lễ tân. Do đó, vị trí này đặc biệt quan trọng, phải người đã được đào tạo bài bản mới đáp ứng tốt công việc. Với các vị trí chủ chốt này, nếu muốn người lao động toàn tâm gắn bó với công việc, các chủ khách sạn phải tạo môi trường làm việc ổn định, thăng tiến, lương bổng thỏa đáng nhằm giữ chân người lao động lâu dài.

Theo thống kê của Sở Du lịch, tính đến tháng 6 năm 2017, Đà Nẵng có 617 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với 24.009 phòng, nhân lực hoạt động trong ngành du lịch có khoảng 29.715 người. Khoảng 3.000 lao động đang làm việc có nhu cầu đào tạo lại. Dự báo đến năm 2020, số lượng phòng khách sạn tăng lên khoảng 26.000 phòng, lúc đó nhu cầu về số lượng và chất lượng cho ngành du lịch rất lớn.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.