Mai Châu mùa em…

.

Dù chưa hề đặt chân đến đó nhưng Mai Châu cũng đã gieo vào lòng tôi một nỗi nhớ chơi vơi bởi 2 câu thơ của Quang Dũng: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi… Chỉ là ngọn khói và mùi hương nếp chín mà vấn vương trong lòng đến mấy chục năm. Mãi đến giờ, mới một lần về vùng đất này.

Nhà sàn homestay là nơi lưu trú của du khách chỉ với giá 50.000 đồng/đêm.
Nhà sàn homestay là nơi lưu trú của du khách chỉ với giá 50.000 đồng/đêm.

Mai Châu hiện ra dưới thung sâu với màu nắng mới lác đác những ngôi nhà thấp thoáng tựa lưng vào núi và mênh mang một màu xanh viên miễn của đồng lúa. Một bức tranh bình yên quá đỗi. Cái cảm giác lạ lùng, chẳng biết có ai giống mình, dù mới đến đây lần đầu mà tưởng như đã từ lâu lắm rồi, giữa tưởng tượng và hiện thực trong cảm hoài phác họa không gian chẳng khác biệt bao nhiêu.

Bản Lác, bản Rôn Coong với những ngôi nhà sàn truyền thống được biết đến là vương quốc thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu. Bước vào cảm giác ngờm ngợp trước sự tung tẩy của kính vạn hoa đầy sắc màu hoa văn họa tiết của thổ cẩm ở những ngôi nhà sàn san sát làm homestay cho du khách. Nghề dệt thổ cẩm của Mai Châu đã đạt đến tuyệt mỹ, tinh tế, sự đa dạng của hoa văn rực rỡ tạo ra một phong cách riêng của dân tộc Thái. Hèn gì có nhiều nhà thiết kế nổi tiếng của nước ta đã chọn nơi nầy để đặt hàng, đặc biệt là thiết kế trên áo dài Việt Nam để trình diễn trong và ngoài nước. Được biết  những vạt áo dài bằng thổ cẩm của Mai Châu đã làm ngỡ ngàng biết bao khách nước ngoài. Có người nói rằng họa tiết hoa văn của người Thái đẹp nhờ họ sống ở một nơi nổi tiếng bát ngát sắc màu của muôn ngàn màu hoa giữa trời đất.

Những chủ nhân ở những ngôi nhà, hàng quán nơi đây rất thật thà và vui vẻ thể hiện tính cách của người ở thôn bản. Ngoài cái không gian yên bình êm ả làm vơi đi muộn phiền đường xa vạn dặm còn là hương thơm chăn chiếu của người Thái. Nhà văn Trung Trung Đỉnh vốn là người am tường sâu sắc văn hóa các dân tộc miền núi nhận xét rằng, trong cộng đồng dân tộc Việt thì người Thái thuộc dân tộc văn minh nhất. Anh kể: Người con gái trước khi cưới chồng, họ hái những loại cỏ thơm làm gối nêm trong chăn chiếu, nên hương tóc của cô dâu bao giờ cũng ấp ủ tỏa hương dịu dàng. Chăn gối cho khách ngủ lại trong ngôi nhà sàn phục vụ cho khách du lịch cũng thấm đẫm mùi hương như thế, không dễ gì quên…

Đường vào bản Mai Châu.
Đường vào bản Mai Châu.

Anh em tôi muốn đi thăm nhà thơ Lò Cao Nhum. Hỏi, mọi người ở Mai Châu ai cũng biết, cũng nhiệt tình chỉ đường, có cảm tưởng rằng người dân tự hào về nhà thơ. Không tự hào sao được, Lò Ao Nhum là dân ở thôn bản mà được anh em văn nghệ tỉnh tin tưởng giao cho làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Hòa Bình.

Nhà thơ Lò Cao Nhum tận tình mời chúng tôi một bữa nhậu đặc trưng ẩm thực của đồng bào dân tộc vùng Mai Châu… Người Thái có thói quen nhậu suốt ngày nên họ nấu ăn rất ngon theo cách hoang dã của núi rừng, họ bỏ rất ít đồ màu thay vào đó là những loại lá cây rừng nhằm tăng cái sắc độ mặn nhạt ngọt bùi cho món ăn. Thực đơn thật phong phú: Bò nấu với lá lôm (một loại rau rừng có vị ngọt), nậm pịa, ngầu pín luộc, ngan luộc. Đặc biệt là một loại rượu màu vàng mơ nồng nàn thơm hương trong cổ họng, uống túc tắc cạn chén giang hồ mềm môi khi nào không hay. Hỏi, nhà thơ chỉ cười ý nhị… Rượu của người H’Mông trên núi cao chưng cất.

Nhà thơ nhiệt tình đến lạ làm chúng tôi rất cảm kích. Anh còn muốn chúng tôi được sống và trải nghiệm dù trong một khoảng thời gian ngắn nhưng được hòa mình vào không gian văn hóa của dân tộc Thái một cách trọn vẹn. Anh đưa chúng tôi lên Mường Hịch cách đó khoảng 10 cây số. Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người- nhưng anh ta nói vui, cọp không còn chỉ có “cọp” 40, 50kg - ý các em người Thái mời rượu đó mà. Rượu ngon, thức ăn tuyệt vời, những điệu nhảy và cách mời rượu của các cô gái miền sơn cước đôi mắt nồng nàn gần gũi làm sao mà không quên đường về cho được. Dù là đột xuất nhưng Lò Cao Nhum vốn là khách đặc biệt cũng đã kịp liên hệ để tổ chức một buổi múa xòe - vũ điệu truyền thống của người Thái, dưới nếp nhà sàn đơn sơ. Các cô mặc y phục thật đẹp, áo trắng, khăn trắng, váy đen mịn màng đính cạp rông, cạp phượng, cổ tay đeo đôi vòng bạc, tai đeo khuyên nhỏ mặt ngọc óng ánh, chùm dây xa tích bạc uốn lượn bên hông… rất đẹp mắt. Cũng theo nhà thơ, múa xòe thường chỉ được tổ chức trong những dịp lễ: mừng nhà mới, đám cưới, hỏi và những lễ hội lớn của bản làng. Xem những điệu múa trong những cuộc vui, người xem cảm nhận được mỗi động tác, dáng đi, cách chuyển động thể hiện khát vọng sống của người Thái về sự yên bình no đủ.

 Sáng hôm sau tỉnh rượu, các anh trong đoàn mới nói: Uống rượu trong một không gian như rứa không say mới lạ. Và lại, được đối ẩm với một nhà thơ đã có những bài thơ về Rượu núi đầy ấn tượng ngay giữa miền đất yêu thương của anh. Người Thái rất chân tình hết lòng với khách thâm giao, quý mình mới uống rượu tại nhà: Rượu nhà tôi? Rượu buộc chỉ cổ tay/ Thắp lửa tình chiêng tình trống/ Đã uống vắt kiệt chum mà uống/ Đã say đổ tràn tình mà say… Những chén rượu buộc chỉ, thắp lửa,vắt kiệt, đổ tràn tình làm sao không làm mềm môi khách lữ thứ cho được. Rượu nhà tôi, anh biết không Ủ từ sắc lá rừng gai? Chắt từ củ mài hốc đá? Vợ tôi nấu từ lửa đêm dài… Có lẽ không có người phụ nữ nào như người Thái yêu chồng mến bạn đến thế, lặn lội rừng sâu tìm cho được lá gai chỉ có trong rừng sâu, chắt củ mài trong hốc đá, canh lửa suốt đêm nấu rượu… Thời sống ở Tây Nguyên tôi nghe kể: Người phụ nữ Ê Đê khi ủ rượu cần cho chồng uống, cũng vào tận rừng sâu đào rễ cây và lá mà ngay cả người chồng cũng không biết là cây gì, bí mật này chỉ có người mẹ truyền cho con gái trước khi lấy chồng. Người đàn ông Ê Đê vốn có máu lang thang rong chơi giữa đại ngàn quên cả ngày tháng, quên cả đường về thì chum rượu cần với cây lá có sức mê hoặc để người chồng trở lại với gia đình. Có lẽ với người phụ nữ Thái, chuyện vào rừng sâu hái lá gai, đào củ mài trong hốc đá chơ vơ, thức trắng đêm để canh rượu cho chồng cũng mang mốt ý nghĩa như thế chăng…

Khi lên đèo Thung Le để trở về, trời chiều Thung Le chìm trong màu sương. Tôi như còn ngửi được mùi khói bếp, mùi thơm cơm nếp xôi như còn gợi cái ấm cúng của cuộc sống thanh bình hạnh phúc của Mai Châu.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.