Một giáo sư Nhật vì người cao tuổi Đà Nẵng

.

Vóc người nhỏ nhắn, tuổi ngoài “thất tuần”, nhưng một giáo sư (GS) người Nhật vẫn đi lại thoăn thoắt giữa Trường Đại học Chubugakuin, thành phố Seki (Nhật) và Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Người Nhật cao tuổi đó chính là GS Iio Yoshihide - giám đốc điều hành dự án “Chương trình đào tạo Điều dưỡng viên nòng cốt chăm sóc Người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng”. Đây là chương trình hợp tác đào tạo giữa hai trường do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Giáo sư người Nhật GS Iio Yoshihide (phải) tại một buổi làm việc với Trung tâm Y tế  quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: M.H.P
Giáo sư người Nhật GS Iio Yoshihide (phải) tại một buổi làm việc với Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: M.H.P

GS Iio Yoshihide hiện là Trưởng khoa Phúc lợi con người của Trường Đại học Chubugakuin, thành phố Seki, thuộc tỉnh Gifu. Là giám đốc điều hành của chương trình hợp tác đào tạo, GS Iio Yoshihide đã bỏ nhiều công sức đi lại, khảo sát và thiết kế chi tiết các hoạt động từ khi dự án còn nằm trên giấy. Mục đích dự án là trang bị cho các điều dưỡng những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cả về thể chất và tinh thần nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi trong thời gian nhập viện điều trị và khi ra viện.

Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ trung bình 83 tuổi, Việt Nam tuổi thọ trung bình 73 tuổi. Trong những thập niên gần đây, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ “già hóa” cao vào bậc nhất thế giới. Điều đó buộc họ phải nghĩ ra các phương pháp chăm sóc tích cực. Và cũng chính nhờ các phương pháp chăm sóc tích cực này mà người cao tuổi Nhật Bản sống vui sống khỏe và tuổi thọ không những duy trì mức ổn định mà ngày càng có khuynh hướng nâng cao.

Bộ Y tế phê duyệt dự án tháng 3-2015 và triển khai tại thành phố Đà Nẵng từ tháng 9-2015 với 40 điều dưỡng được lựa chọn từ 6 bệnh viện và 4 trung tâm y tế. Hoạt động dự án chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn đào tạo. Giai đoạn hai lựa chọn và đưa 24 học viên tiêu biểu - đại diện cho các đơn vị, cùng các giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng sang Nhật học tập và tham gia thực hành trong thời gian 6 tuần. Nhờ vậy, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các đơn vị y tế có đầu tư dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từng bước được cải thiện rõ nét, tạo dư luận tốt trong các cộng đồng dân cư và khu vực lân cận.

Dự án kết thúc vào tháng 3-2017, tuy nhiên, tháng 6-2017 đã thấy GS Iio Yoshihide quay lại Đà Nẵng khảo sát chuẩn bị đệ trình kế hoạch hoạt động cho giai đoạn tiếp theo và ông đã đến Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn làm việc cùng với đoàn và tham quan Khoa Lão.

Tôi gặp lại ông với một cái bắt tay ấm áp, chân tình. Còn nhớ, lúc tôi mới được luân chuyển công việc từ khoa Nội sang khoa Lão, lần đầu tiên tham gia tiếp đoàn do ông dẫn đầu, tôi đã cố gắng học vội vài câu chào hỏi bằng tiếng Nhật. Nhờ đó, giữa ông và tôi đã có sự thiện cảm với nhau một cách dễ dàng. Ông tỏ ra ngạc nhiên, thú vị khi nghe tôi “bập bẹ” chào hỏi bằng tiếng mẹ đẻ của ông. Lúc tiễn đoàn ra sân bệnh viện, qua người phiên dịch, tôi đã “trò chuyện” với ông nhiều hơn một chút và tặng ông tập sách y học mà tôi viết cho tuổi teen để làm kỷ niệm. Ông cảm ơn và bảo thật là thú vị, tuổi già sẽ ấm áp hơn khi có tuổi teen bên cạnh. Tôi cũng tiết lộ với ông rằng, tôi đang viết một tập sách y học thường thức dành cho người cao tuổi. Ông bảo, ông rất mong chờ điều đó và chúc tôi sớm hoàn thành bản thảo.

Sự đi lại thoăn thoắt của giáo sư Iio Yoshihide giữa Nhật Bản và Việt Nam trong dự án vì người cao tuổi Đà Nẵng nói riêng và vì người cao tuổi Việt Nam nói chung làm cho tôi có cảm tưởng ông đang tranh thủ chạy đua với thời gian. Từ sâu thẳm đáy lòng, tôi muốn gởi đến ông lời cầu chúc sức khỏe. Chúc ông tâm trí luôn mẫn tiệp để hoàn thành tâm nguyện vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mang tính liên quốc gia Nhật - Việt.

MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.