Những bài học đổi bằng xương máu

.

50 năm đã trôi qua, những chiến công hiển hách, những bài học kinh nghiệm phải trả bằng xương máu của quân và dân Đặc Khu Quảng Đà vẫn còn nguyên giá trị.

Bài học về sự gương mẫu, đức hy sinh, hết lòng thương dân của những người lãnh đạo. Bài học về tính sáng tạo, lấy thực tiễn để xây dựng phương thức đấu tranh cách mạng. Bài học biết nghe dân, biết dựa vào dân của mỗi cán bộ, đảng viên Đặc khu ủy Quảng Đà mãi mãi là những bài học lớn cho bất cứ Đảng bộ nào, dù trong chiến tranh hay giữa lúc hòa bình.

Đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975.
Đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975.

Mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện chiến dịch “tìm và diệt” với hai gọng kìm “tìm - diệt”, “bình định” khốc liệt và đẫm máu, gây cho cách mạng miền Nam nhiều khó khăn và tổn thất. Trong bối cảnh đó, tháng 10 năm 1967, Khu ủy V quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà.

Ngay sau khi thành lập, Đặc khu ủy Quảng Đà đã lãnh đạo thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giáng một đòn nặng nề vào chiến lược “chiến tranh cục bộ”, lãnh đạo thắng lợi sự đánh phá, bình định của Mỹ và quân đội Sài Gòn (1969-1973), phong trào đấu tranh giành đất, giành dân (1973-1974) và đặc biệt là cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Quảng Đà là nơi lính thủy đánh bộ Mỹ đặt chân đến đầu tiên trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nơi Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng một căn cứ quân sự hải - lục - không quân khổng lồ của miền Nam, nơi mà đương thời ông Hồ Nghinh - Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà từng đúc kết rằng: “Ai sống ở chiến trường Quảng Đà một tuần, cũng đã là anh hùng rồi!”.

Khi nói về tính chất ác liệt của vùng đất khu Năm, nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa “Vạn ngày, có thể nào yên? Cá ăn phải máu, chim quên lối vườn” (Nước non ngàn dặm - Máu và Hoa -1977). Đó cũng chính là hình ảnh đầy khắc nghiệt, đầy mất mát, hy sinh của vùng đất Quảng Đà.

Trước cái chết luôn rập rình trong gang tấc giữa làn tên, mũi đạn. Trước tình cảnh người không còn đất sống. Chim không có lối về. Bát cơm chan lẫn máu… những người lãnh đạo đòi hỏi phải biết trui rèn, biết hy sinh, gương mẫu, có tâm, có tài, quy tụ được nhân dân một lòng theo Đảng, theo cách mạng.

Tìm hiểu về những hoạt động của Đặc khu ủy Quảng Đà chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, từ người lãnh đạo cao nhất của Đặc khu đến các “tư lệnh ngành” lúc đó như: Mặt trận 4, Tuyên huấn, Mặt trận, Dân vận, Binh vận, các đoàn thể hay các bí thư quận, huyện, xã, phường… đều là những vị tài đức, gương mẫu, dấn thân, luôn có khả năng quy tụ và đoàn kết quanh mình những người ưu tú nhất, luôn là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân.

Chính họ, khi cần phải xông lên phía trước, vào sâu trong lòng địch, họ cũng rất sẵn sàng và gương mẫu đi đầu. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đã có nhiều đồng chí lãnh đạo cốt cán của Đặc khu Quảng Đà, được cử vào nội thành Đà Nẵng, nơi được quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn bảo vệ nghiêm ngặt, có thể bị bắt và hy sinh bất cứ lúc nào, minh chứng cho sự mưu trí, dũng cảm đã tạo một niềm tin rất lớn trong nhân dân.

Thực tế tại chiến trường Quảng Đà cho thấy, chỉ khi nào người lãnh đạo luôn vì “nhân dân đấu tranh”, không ngại gian khổ, hết lòng vì phong trào, được nhân dân tin tưởng nghe theo, thì khi đó phong trào cách mạng chắc chắn sẽ lên cao. Nhiều người từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà ngày ấy đều có cùng suy nghĩ rằng, khi phong trào khó khăn, những lúc muốn ngã lòng mà gặp được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Quảng Đà, được họ động viên, chỉ lối thì lập tức như được truyền thêm sức mạnh. Những bà mẹ kiên cường bám trụ, nuôi giấu cán bộ, khi gặp các đồng chí lãnh đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà thì như “hết mệt”, như thấy “ngày thắng lợi đã đến gần”.

Lời thề son sắt “Sống thì sống trên đất Hòa Hải, chết thì chết trên đất Hòa Hải” là biểu tượng rõ nhất tinh thần tin tưởng vào cách mạng, tin vào lãnh đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà. Chính niềm tin đó mà cán bộ của ta đã được dân che chở đùm bọc, nhiều cơ sở là sĩ quan, trí thức của chế độ cũ, đã tìm cách đưa các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Quảng Đà ra khỏi thành phố Đà Nẵng sau sự kiện Mậu Thân, khi địch, chốt chặn, bao vây; nhiều nhà sư, nhà tư sản, học sinh, sinh viên, tiểu thương đóng góp tiền của, thuốc Tây cho cách mạng. Chính tinh thần đó, đã tạo thành một khối đoàn kết, gắn kết mọi người cùng đứng dưới ngọn cờ độc lập dân tộc, sát cánh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, cho đến ngày nước nhà thống nhất.

Trong khó khăn gian khổ, nhờ vào sự đoàn kết, bám sát thực tiễn đã giúp Đặc Khu ủy đưa ra những quyết sách sáng tạo, thông minh, kịp thời, thậm chí “trái” với Điều lệ của Đảng, như việc thành lập Chi bộ 2 sau Tết Mậu Thân – 1968 (1). Nếu người lãnh đạo không sâu sát thực tế, không có tâm và có tầm, sẽ không bao giờ có sự sáng tạo ra “Chi bộ 2” tại Quảng Đà được.

Đúng như Bí thư Hồ Nghinh lúc đó đã nói: “Chúng ta không lấy nông thôn bao vây thành thị, chúng ta đưa những hạt giống đỏ, những lực lượng cách mạng ở nông thôn vào thành thị”. Sự sáng tạo này, lãnh đạo chủ chốt của Đặc khu Quảng Đà lúc đó đã tự biết là “sai với Điều lệ Đảng” song thực tế lại đáp ứng được yêu cầu của phong trào cách mạng.

Vì vậy, đồng chí Lê Duẩn đã khen ngợi đó là cách làm sáng tạo và ông cũng cho rằng: “Điều lệ là gì? Điều lệ là do con người đặt ra. Con người chưa có kinh nghiệm biết đâu đặt ra Điều lệ”. Bài học dám vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình, dám đưa ra những quyết sách chưa có tiền lệ để đi cùng nhân dân, lãnh đạo nhân dân vì sự nghiệp chung như thế vẫn không bao giờ cũ đối với chúng ta hiện nay.

Năm 1973, ngay sau Hiệp định Paris được ký kết, khi kẻ địch bắt đầu tráo trở, lật lọng, mưu toan “đẩy cộng sản lên biên giới”, lãnh đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà đã linh hoạt, nhạy bén kịp thời chỉ đạo nhân dân thực hiện phong trào “giành đất, giành dân” giúp giữ vững phong trào cách mạng địa phương.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chủ động nắm bắt thời cơ, với chủ trương sáng tạo “lấy tan rã làm tiêu diệt”, “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, bằng tinh thần tiến công thần tốc, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân trong toàn Đặc khu vùng lên giải phóng quê hương, quét sạch bóng quân thù, để trưa ngày 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phất phới tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng.

Giải phóng Đà Nẵng, bảo vệ dường như nguyên vẹn các nhà máy, kho tàng, công sở trên khắp chiến trường Quảng Đà, nhất là Đà Nẵng, là một thắng lợi vô cùng to lớn, được Trung ương Đảng ghi nhận và khen ngợi.

Để làm được điều đó, đòi hỏi người lãnh đạo phải nắm vững thực tiễn, vận dụng sáng tạo phương pháp đấu tranh cách mạng, nhanh chóng đưa ra những quyết sách đúng, kịp thời để xin chủ trương từ Trung ương, nhằm giải quyết nhanh những yêu cầu đặt ra của phong trào cách mạng địa phương.

Một thực tế lịch sử không thể phủ nhận rằng, khi ta giải phóng được Đà Nẵng thì việc giải phóng miền Nam chỉ còn là thời gian. Sau sự kiện Đà Nẵng sụp đổ, tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford tuyên bố: “Việc mất thành phố này là một tấn thảm kịch lớn của loài người”(2).

Ngày nay, chiến tranh không còn nữa, địa danh Đặc khu Quảng Đà đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, song những chiến công của quân và dân Quảng Đà vẫn còn đó, những bài học phải đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt của Đặc Khu ủy Quảng Đà vẫn còn nguyên giá trị, luôn tươi mới đối với tất cả chúng ta.

Rằng, muốn làm cách mạng thành công thì Đảng bộ phải biết quy tụ được những đồng chí cán bộ cốt cán, dày dạn kinh nghiệm, có tài, có đức; dám xông pha vào lửa đạn, khó khăn để phát động và gây dựng phong trào; phải có một tập thể Đảng bộ kiên cường, mưu lược, dũng cảm, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì cách mạng, không nề hà khó khăn, nguy hiểm; luôn bám sát dân, bám sát trận địa; phải là một tập thể đoàn kết, trên dưới một lòng; người đứng đầu luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao, biết hy sinh, luôn gương mẫu trong lối sống, luôn gắn bó với tập thể, với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; luôn giữ vững nguyên tắc làm việc, nguyên tắc đấu tranh tự phê bình và phê bình, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ…

Có như vậy, chúng ta mới mong giữ được niềm tin của dân đối với Đảng, mong tạo được sự đồng thuận, đồng lòng của người dân để cùng nhau xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố An bình, Văn minh và Hiện đại, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân Quảng Đà, xứng đáng với niềm tin và niềm hy vọng của nhân dân.

ĐẶNG VIỆT DŨNG

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy  Đà Nẵng


(1) Chi bộ 2 hoạt động trong lòng thành phố có nhiệm vụ móc nối, xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng trong số quần chúng của địa phương mình, đang sinh sống tại địa bàn Đà Nẵng. Theo Điều lệ Đảng lúc bấy giờ không cho phép một chi bộ cùng lúc sinh hoạt hai nơi.

(2) Trang 179. Frank Snepp: cuộc tháo chạy tán loạn. NXB TPHCM, 1985.

;
.
.
.
.
.