Những ngày ăn sắn thắng Mỹ

.

Nhắc đến những ngày tháng hoạt động cách mạng tại Đặc Khu ủy Quảng Đà, đôi mắt ông Trần Thận (92 tuổi), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (1968-1970), Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà (1972-1975) lại sáng một niềm vui, một ký ức. Đó là quãng thời gian ông đã sống, cống hiến hết mình cho lý tưởng cách mạng, nơi mang đến cho ông những tình bạn chân thành, đủ hào sảng, đủ tin yêu.

Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần 4 (1973).
Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần 4 (1973).

Ký ức ngày đầu

Tháng 10-1967, Đặc khu Quảng Đà thành lập, đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư, đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư... Đồng thời tăng cường cán bộ quân sự của Quân khu lập Mặt trận 44 Quảng Đà (gọi tắt Mặt trận 4). Trước tình hình chiến tranh ngày một leo thang, sự ra đời của Đặc khu Quảng Đà trở thành điểm tựa tinh thần, ý chí cách mạng chắc chắn cho quân và dân ta.

Ông Trần Thận nhớ lại, từ sau năm 1965, trước nguy cơ thất bại của chiến tranh đặc biệt, Mỹ ào ạt đưa quân vào Đà Nẵng nhằm tiến hành chiến tranh cục bộ. Có người ra Đà Nẵng thấy việc Mỹ chở bom đạn, vũ khí vào chứa các kho An Đồn, Bàu Mạc hoảng sợ thốt lên: Việt Cộng thắng được Mỹ, nước sông Thu Bồn chảy ngược về nguồn! Có nhân sĩ nói: Mỹ nhiều đô-la, vũ khí, Việt Cộng có tinh thần chưa biết ai thắng ai?

Trước tình hình đó, ông và nhiều cán bộ cấp cao thuộc Đặc Khu ủy Quảng Đà chia nhau về cơ sở trấn an dân chúng: Mỹ vào đông bao nhiêu cũng đánh. Chiến tranh đặc biệt hay cục bộ cũng đánh. Lâu bao nhiêu cũng đánh. Đánh bao giờ cho đến thắng lợi mới thôi… Những chuyến đi “nếm mật nằm gai”, nhiều lúc “lên bờ xuống ruộng” vì đạn pháo giặc nả trên đầu, nhưng Trần Thận vẫn không nản lòng.
Để tiếp tục củng cố lực lượng, Đặc khu Quảng Đà chia Đà Nẵng thành 3 quận (I, II, III), chia Hòa Vang thành 3 khu (I, II, III) và các địa phương khác như Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang.

Sau gần một năm thành lập, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã làm nên kỳ tích khi lãnh đạo nhân dân tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 với tinh thần tiến công địch ở cả 3 vùng, 3 thứ quân, đó là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tạo nên thế toàn dân đánh giặc. Theo ông Trần Thận, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 đã giáng một đòn bất ngờ vào Mỹ - chính quyền Sài Gòn ngay tại sào huyệt của chúng ở Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên chiến tranh diễn ra ác liệt ở hậu phương địch và ngay trên đường phố Sài Gòn.

Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng cùng với quân dân ta trên toàn miền Nam trong suốt một tháng đã liên tục tiến công nổi dậy, giành được những thắng lợi to lớn và toàn diện chưa từng có.

Chiến trường Quảng Đà và Trung Trung Bộ trong chiến tranh chống Mỹ vô cùng ác liệt. Cùng với Bí thư Hồ Nghinh, Trần Thận thường xuyên có mặt tại các khu dân ấp, khu dồn, tại những địa bàn chiến lược. Năm 1971, để sát sao hơn trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng, toàn bộ cơ quan Đặc khu Quảng Đà đang đóng ở vùng giáp ranh Đại Lộc, huyện Giằng được chuyển xuống khu vực núi Hòn Tàu.

Những năm tháng khó khăn, ác liệt nhất trong chiến tranh, ông thường xuyên cùng đồng đội xuống nằm vùng ở các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, thông qua cơ sở nắm tình hình để kịp thời tham mưu, lãnh đạo phong trào. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, từ Căn cứ Hòn Tàu, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trương tiêu diệt Thượng Đức, một cứ điểm của địch án ngữ ở phía tây nam Đà Nẵng.

Thời cơ ngàn năm có một giải phóng Đà Nẵng đã đến. Trước chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường từ Nam ra Bắc, ngày 18-3-1975, Trần Thận – lúc này là Bí thư Đặc khu ủy – nhận lệnh từ Khu ủy 5 giải phóng Đà Nẵng. Ngay khi có lệnh, Trần Thận lập tức tổ chức nhiều cuộc họp quán triệt mệnh lệnh Khu ủy, thảo luận kế hoạch tấn công giải phóng thành phố. Trong đó, ông trực tiếp giao cho Ban Cán sự Trí vận (vận động trí thức) thuộc Đặc khu Quảng Đà nhiệm vụ liên hệ các thành phần thứ 3 của cả miền Nam, trong đó có Đà Nẵng, chuẩn bị nhân sự cho Đà Nẵng, với yêu cầu “có thể địch sẽ chạy khỏi Đà Nẵng, các đồng chí khẩn trương chuẩn bị Ủy ban Khởi nghĩa Đà Nẵng ngay”.

Sự gan góc, nghiêm túc với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Trần Thận được nhà báo Lê Đức Hùng, nguyên cán bộ phong trào những năm 1970-1975 kể lại: Ngày 24-3-1975, tại căn cứ tiền phương của Mặt trận 4 và Đặc khu ủy, tổ chúng tôi gồm Ngô Minh Hà, Lê Ngọc Thủy được Bí thư Trần Thận phân công đi 3 cánh độc lập lọt vào Đà Nẵng trước để chuẩn bị lực lượng thanh niên, học sinh sinh viên tham gia khởi nghĩa giải phóng thành phố. Từng người một được gọi vào nhận nhiệm vụ riêng và chia tay lãnh đạo Đặc khu. Khi ấy, sau khi giao nhiệm vụ, Bí thư Đặc khu ủy Trần Thận nói: Các đồng chí có thể hy sinh, nhưng phải hy sinh trên đường phố Đà Nẵng trong ngày giải phóng...

Từ sự chỉ đạo quyết liệt này, sáng 28-3-1975, từ căn cứ Hòn Tàu, đồng loạt cán bộ chỉ huy Khu ủy và Đặc Khu ủy Quảng Đà chia làm 2 hướng tiến về Đà Nẵng. Sáng 29-3, đồng chí Trần Hưng Thừa, Thường vụ Đặc khu ủy phát lệnh khởi nghĩa nội thành, tất cả cơ sở của ta nhanh chóng đón bộ đội vào thành phố. Trưa 29-3, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính. Thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

Kiên định với lập trường cách mạng

Chỉ vỏn vẹn 8 năm (1967-1975),  kể từ khi ra đời đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhưng Đặc khu Quảng Đà đã để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử cách mạng vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng. Là một trong những người có đóng góp tích cực trong quá trình hoạt động, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Trần Thận khẳng định, trong khoảng thời gian này, Đặc khu ủy tăng cường củng cố mọi mặt về tổ chức, điều chuyển nhiều cán bộ, thanh niên từ các huyện về tăng cường cho TP. Đà Nẵng. Nhờ đó, phong trào cách mạng ngày một phát triển rộng khắp.

Tinh thần cách mạng của Trần Thận được rèn giũa từ năm 1940, khi ông 16 tuổi. Năm ấy, trong một lần đi thị sát ngang qua xã Bàn Thạch, tổng An Lạc, phủ Duy Xuyên (nay là xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), ông Võ Chí Công (tên thật Võ Toàn) lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) có ghé lại nhà Trần Thận uống nước, nghỉ ngơi. Trước sự giản dị và gần gũi của vị Bí thư, cậu trai Trần Thận vừa giúp ba má pha trà, rót nước vừa chia sẻ những trăn trở, nghĩ suy của mình về thời cuộc. Nhìn thấy cậu trai có khí chất cách mạng, Võ Chí Công nói rằng, hoạt động cách mạng thường đi từ những cái nhỏ nhất như xây dựng lực lượng trong nhân dân, lấy đoàn kết làm sức mạnh và giao cho Trần Thận nhiệm vụ gầy dựng lực lượng chuẩn bị chiến tranh du kích.

Tham gia cách mạng năm 1940 thì năm 1942, ông Trần Thận trở thành Bí thư Chi bộ xã Bàn Thạch. Đầu năm 1943, ông bị địch bắt, tra tấn và giam cầm đến năm 1945, ra tù tiếp tục hoạt động, được bầu làm Ủy viên Vận động Cứu quốc khu đông Duy Xuyên, trực tiếp phụ trách các xã ở tổng An Lạc. Cũng trong khoảng thời gian này, phong trào cách mạng tại Quảng Nam dâng cao, các tổ chức đoàn thể như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc lần lượt ra đời và phát triển mạnh mẽ, làm tiền đề cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sau này. Điều này, đã tác động mạnh mẽ đến ý chí cũng như mục tiêu, lý tưởng .

Từ khi thành lập Đặc khu Quảng Đà đến Chiến dịch Mùa xuân 1975 là khoảng thời gian dài, trộn lẫn máu và mồ hôi của quân, dân xứ Quảng trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để tiếp tục động viên, xác định lập trường kiên quyết đánh Mỹ, Trần Thận và các đồng chí Thường vụ Đặc khu ủy thường xuyên tổ chức các chuyến đi xuống các huyện chỉ đạo lực lượng địa phương chiến đấu. “Ngày ấy, cán bộ cách mạng rất sợ cảnh “mồ côi dân”, bởi nếu không có nhân dân che chở, bảo bọc, cung cấp lương thực cũng như làm tai mắt trong lòng địch, thì, chuyện chiến thắng Mỹ là điều khó thành hiện thực”, ông Thận nói.

Giờ, ở tuổi 92, trong lòng Trần Thận, những ngày trực tiếp cùng anh em, đồng chí chiến đấu tại Đặc Khu ủy Quảng Đà, là khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời. Đó là những ngày ăn sắn thắng Mỹ, là khi “nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh cho hết Mỹ cực chừ sướng sau”, là năm tháng tiếng hát át tiếng bom, hoạt động cách mạng theo phương châm “ba bám”. Đó là, dân bám đất, du kích bám địch, Đảng bám dân. Và, đến bây giờ, theo ông Thận, nếu không có dân, không dựa vào dân và lắng nghe dân, thì rất khó đưa vùng đất này phát triển, đi lên.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.