Sống tạm… ở nhà mình

.

Hàng trăm nhà dân “dính” bởi các dự án như Làng Đại học Đà Nẵng ở quận Ngũ Hành Sơn, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ở quận Liên Chiểu, dự án khu tái định cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông ở quận Sơn Trà… khiến người dân sống “treo” hết năm này qua năm khác.

Bà Phạm Thị Ba trong sân nhà thuộc dự án Làng Đại học Đà Nẵng ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: H.L
Bà Phạm Thị Ba trong sân nhà thuộc dự án Làng Đại học Đà Nẵng ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: H.L

Chỉ mảnh vườn rộng hơn 2.000m2 để không, bà Phạm Thị Ba, tổ 62 phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn bảo: vườn rộng mà chừ như vườn hoang ri đây. Dự án Làng Đại học rứa là đủ hai chục năm. Ở đây còn dân của 2 tổ 61, 62 thuộc Hải An 1 vẫn đang chờ, không biết chừng mô mới được đi.

Trên mảnh vườn cha mẹ để lại, bà Ba được chia 500m2, còn lại là phần căn nhà cũ của ông bà giờ làm nhà thờ. Nhà của ông anh kế bên cũng đóng cửa nhiều năm nay. Mảnh vườn xơ xác thiếu hẳn sức sống. Bà chỉ căn nhà một nửa đổ bê-tông, một nửa lợp tôn, phân trần: “Nhà trước đây lợp tôn mà cơn bão năm 2009 bay hết mái, được lợp tạm lại, nhưng đến cơn bão năm 2015 thì mái sụp hết, phường cho đổ một nửa diện tích (50m2, với những hộ có sổ đỏ), còn phần phía trước này phải lợp tôn. Mấy năm trước phường cho sửa chứ không được xây kiên cố, chừ thì không cho sửa luôn”.

Cả tổ 62 hiện còn 73 hộ, trong đó, còn khoảng hai chục hộ là nhà tạm, mỗi lần nghe bão đến là phải di chuyển ngay. Nhà có đất đó mà không cắt ra được, muốn bán đất sửa nhà cũng chịu. Sống tạm, nên anh trai bà Ba khóa cửa, bỏ vô nội thành sống. Xung quanh xóm, dường như ai có điều kiện họ cũng đã tìm cách đi.

Đi vào vùng quy hoạch này, cứ một đoạn là gặp vài căn nhà bỏ không hoặc những bức tường đập dở dang. Xóm làng buồn hiu. Người dân không được xây mới, sửa sang nhà cửa cho đẹp đã đành, họ cũng không đầu tư vườn tược, vì biết đâu trồng cây xuống chưa kịp hái quả thì được lệnh di dời. Sống trong thắc thỏm chờ đợi như vậy, suốt hai chục năm nay.

Nằm trong vùng quy hoạch, nên chuyện sang nhượng đất là không được, nhưng có nhiều nhà vẫn bán, nhiều người có nhu cầu ở vẫn đến mua. Tình trạng này diễn ra chừng 5-7 năm về trước, khi không nghe chuyện dự án có triển khai hay không. Phường Hòa Quý có 77ha quy hoạch với khoảng 175 hộ dân. Để giải quyết bức xúc nơi ở của dân, những năm qua chính quyền quận Ngũ Hành Sơn cho phép sửa chữa nhà dưới 50m2 trong vùng quy hoạch để sống tạm. Đến khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về làm việc và chỉ đạo tái khởi động Làng Đại học, quận cũng dừng luôn việc cho sửa nhà.

Trên con đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần cầu Sông Hàn và cầu Rồng, nhà cửa hai bên sầm uất, đẹp đẽ bao nhiêu thì đi về phía đầu đường, đoạn gần đường Vân Đồn, là như bước vào một thế giới khác. Những căn nhà cấp 4 lụp xụp, không theo hàng lối chỉn chu như những khu dân cư khác, nhìn cũng có thể đoán ra được đây là khu vực đã quy hoạch, chờ dự án. Bà Đặng Thị Dũng, tổ 8 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, cho biết: Chính quyền nói đây là đất quy hoạch, cũng trên 15 năm rồi. Đã đo đạc, kiểm định một lần, rồi cách đây chừng 5 năm đo lại một lần nữa. Nhà mô ở đây cũng sống, làm nhà cách đây hơn ba chục năm rồi, nhà xuống cấp hết mức, không biết chờ đến bao giờ.

Bà Dũng dẫn tôi ngó lướt qua căn nhà thấp lè tè, tường gạch vôi tróc nham nhở. Bà bảo, nhà trước lợp ngói, sau mấy chục năm, mỗi lần có bão là ngói vỡ gần hết, vỡ viên nào thì thay viên đó, mỗi lần mưa là thau chậu hứng khắp nơi. Sau nhà dột quá, phường cho sửa nhà, thay bằng mái tôn, bà lót được cái nền gạch hoa thay cho nền đất, mới đó cũng 15 năm rồi.

Chồng bà, ông Trương Văn Đức là thương binh hạng ¼ nên năm ngoái được chính quyền hỗ trợ 20 triệu đồng để thay lại mái tôn một lần nữa. Ông bà có 5 người con, 3 người đã ở riêng, giờ trong căn nhà tạm này sống đủ 3 thế hệ, gồm ông bà, vợ chồng con trai, con gái và cháu nội ngoại. Phía ngoài nhà là bức tường vôi nứt nẻ, vốn là tường của ngôi chợ cũ, phường cho ông bà giữ lại, giờ làm nơi giặt giũ, phơi phóng và cũng có thể sập bất cứ lúc nào nếu ngấm nước quá lâu.

Khu vực này vốn là dự án Khu tái định cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông, gồm các tổ 7, 8 và 54 phường Nại Hiên Đông, được phê duyệt quy hoạch, đã kiểm định lần đầu vào năm 1999, năm 2012 kiểm định lại, bổ sung. 18 năm qua, hơn 60 hộ dân vẫn sống tạm trong nhà mình giữa cảnh bị “treo”, không biết lúc nào di dời và sẽ đi đâu về đâu.

Ông Huỳnh Viết Khánh, tổ trưởng tổ 8, ở đối diện với nhà bà Dũng cũng xây dựng hơn 30 năm, đã xuống cấp. Nhà ông cũng cứ có mưa là nước thấm dột như bao nhà khác trong xóm, nghe nói bão đến là vợ chồng con cái lại cắp nhau đi trú. Nhà nào cũng là nhà tạm, hệ thống thoát nước cũng không được đấu nối nên mưa to là nhiều nhà dễ bị ngập. Rồi cỏ dại, cây bụi chen nhau mọc dù nhiều nhà ở ngay mặt tiền đường Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Sĩ Cố; ruồi, muỗi, chuột bọ cũng không thiếu. Ông Khánh bảo nhiều lần tiếp xúc cử tri, dân bức xúc đặt câu hỏi thì được trả lời là chờ. Có thể chờ dự án vì đây là khu đất vàng, nhưng chờ đến bao giờ thì dân chịu.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố tháng 12 năm 2016, báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị cho biết, toàn thành phố Đà Nẵng đang thừa quỹ đất tái định cư với khoảng hơn 15.000 lô đất. Có thể một trong những lô đất đó sẽ là nhà của bà Ba, bà Dũng sau này, khi những dự án quy hoạch họ đang sống trên đó được xúc tiến triển khai. Còn bây giờ, việc sống mỏi mòn, sống tạm trong chính căn nhà của mình khiến nỗi buồn như canh cánh trong lòng hàng trăm hộ dân ở trong cảnh chờ quy hoạch.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.