Tỏa sáng trong trái tim bạn bè

.

Không chỉ để lại ấn tượng đẹp trong mắt thầy cô giáo, nhiều sinh viên trong suốt quá trình học tập, rèn luyện tại giảng đường đại học (ĐH) đã trở thành tấm gương, nghị lực sống trong lòng bè bạn.

Trương Đình Hiếu trong buổi tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương.
Trương Đình Hiếu trong buổi tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương.

1. Trong thân thể gầy gò, ốm yếu và đôi mắt của người khiếm thị, Nguyễn Thị Hằng (1995), quê xã Bình Nam, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), sinh viên lớp 15STH, khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng vẫn ngày ngày đến lớp.

Tại đó, Hằng để bảng chữ nổi ngay ngắn trên bàn, đôi bàn tay luôn trong tư thế sẵn sàng gõ theo lời thầy giảng. Chứng đục thủy tinh thể từ khi mới lọt lòng khiến đôi mắt của Hằng chỉ đọc được ở khoảng cách 0,3cm. Vì thế, trong suốt giờ học, em luôn ngồi nghiêm túc, lắng nghe trọn vẹn lời giảng của thầy, cô và cố gắng ghi nhớ chúng trong đầu.

Hành trình đến trường của Hằng khá gian nan. Phải chờ đến năm 9 tuổi, Hằng mới biết đến con chữ. Lớp học bằng chữ nổi của Hằng nằm lọt thỏm trong khuôn viên nhỏ của Hội Người mù huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Làm quen với việc đánh vần, ghép chữ chậm rãi nhưng chắc chắn, Hằng được các cô chú tại Hội Người mù giới thiệu ra học tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Suốt 13 năm sinh sống và học tập tại ngôi trường này, Hằng từng bước hoàn thành tất cả các cấp học và tiếp tục được thầy cô giới thiệu ứng tuyển vào khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm - ngôi trường mà từ lâu Hằng ôm ấp ước mơ được trở thành cô giáo.

Quyết định này với Hằng không dễ dàng gì. Em đã từng rất hoang mang bởi khi còn học ở Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, bạn bè trong lớp hầu hết là trẻ khiếm thị, có chương trình học riêng với sách chữ nổi. Nếu vào đại học, Hằng sẽ khó theo kịp các bạn lành lặn khác.

Hằng chia sẻ, ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu đã trang bị cho em kiến thức, kỹ năng sống hòa nhập cũng như nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo mầm non. Để có thể tiếp cận tốt hơn kiến thức tại giảng đường, Hằng từng cố gắng tập cách đọc sách bằng cách ghé sát mắt vào trang giấy nhưng bất lực. Những dòng chữ lờ mờ tựa như đang nhảy múa khiến em không thể nào nhìn thấy chúng rõ hơn.

Trong những buổi học yên ắng của lớp 15STH, tiếng lạch cạch phát ra mỗi khi Hằng gõ bảng chữ nổi cứ đều đặn vang lên đã trở nên quen thuộc trong tất cả thành viên lớp. Những buổi học lý thuyết nhiều, Hằng gõ bài tới nỗi tê cứng đôi bàn tay. Trước mỗi mùa thi, bài vở ôn tập nhiều, Hằng phải nhờ bạn bè cùng lớp đọc bài giúp để em soạn đề cương bằng chữ nổi. Khó khăn, bất tiện là thế nhưng sau năm thứ nhất đại học, Hằng xếp loại học lực khá. Đặc biệt, trong kỳ 1 năm học thứ 2, Hằng vươn lên đạt học lực xuất sắc.

Cũng đang theo học tại Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, Đinh Phương Loan luôn dành cho Hằng sự trân trọng và khâm phục tận đáy lòng. Loan nói: “Tất cả những gì Hằng làm, Hằng đạt được, tôi dường như không mảy may suy nghĩ bạn ấy là người khiếm thị. Song sự thật vẫn là sự thật, khi mà trước mắt Hằng vẫn luôn là một tấm màn mờ đục, không thể nhìn rõ, nhưng trong tâm hồn thì đầy khát khao và nghị lực vươn lên”.

Mong muốn bây giờ của Hằng là học xong chương trình ĐH thật nhanh để quay về Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, cùng thầy cô tiếp lửa cho đám trò nhỏ. Trước mong muốn giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa của Hằng, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học Hoàng Nam Hải cho biết: “Ngay từ ngày đầu tiếp nhận trường hợp Nguyễn Thị Hằng, thầy cô trong khoa khá bối rối, lo lắng em khó có thể tiếp thu kiến thức trên lớp theo cách thông thường. Tuy nhiên, với kết quả rất tốt sau 2 năm học, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng trong tương lai Hằng sẽ là một cô giáo giỏi của học sinh khiếm thị, tại ngôi trường em gắn bó mười mấy năm qua”.

 Huy Chu (hàng trên, thứ 6 từ trái qua) - một trong 3 bạn trẻ thuộc Đại học Kinh tế Đà Nẵng khởi nghiệp với Tiệm nước Ba Tào trong một chuyến đi tình nguyện tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: T.Y
Huy Chu (hàng trên, thứ 6 từ trái qua) - một trong 3 bạn trẻ thuộc Đại học Kinh tế Đà Nẵng khởi nghiệp với Tiệm nước Ba Tào trong một chuyến đi tình nguyện tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: T.Y

2. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2013-2018 thống nhất triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”, tạo môi trường để sinh viên (SV) rèn luyện trên các mặt: đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện, hội nhập. Kể từ đó, phong trào này trở thành phần thưởng cao quý cho nhiều SV. Trung bình mỗi năm học, Thành Đoàn Đà Nẵng xét tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cho khoảng 50 đến 70 SV đang theo học tại các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Một trong những gương “Sinh viên 5 tốt”, được bạn bè yêu mến là Võ Phi Thoàng, SV năm cuối khoa Điền kinh, Trường ĐH Thể dục - Thể thao Đà Nẵng. “Anh là một người sống hết mình cho xã hội nhưng không vì thế ảnh hưởng đến thành tích học tập. Anh năng nổ tham gia công tác đoàn, nhận học bổng suốt thời gian theo học, thành thạo nhiều kỹ năng quản trò, truyền cảm hứng, sống giàu lòng yêu thương khiến em vô cùng ngưỡng mộ”, Dương Thị Thùy Nhi, đang theo học tại Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng đã nói về Võ Phi Thoàng như thế.

Dương Thị Thùy Nhi quen Thoàng khi cả hai cùng tham gia các hoạt động tình nguyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Khi ấy, Thoàng là thành viên tích cực đang sinh hoạt tại CLB Bạn và Tôi - một CLB tình nguyện thuộc Trường ĐH Thể dục - Thể thao. Vốn khéo tay, Thoàng thường tự làm đồ thủ công như móc khóa, vòng tay, bút… để tặng người thân, bạn bè trong những dịp đặc biệt.

Được bạn bè dành nhiều lời khen, dần dà, Thoàng mạnh dạn dành phần lớn thời gian rảnh rỗi làm đồ thủ công để gây quỹ, phục vụ các chương trình thiện nguyện do CLB tổ chức. “Từ những sản phẩm Thoàng làm ra, chúng tôi cùng anh đi bán dạo để gây quỹ từ thiện.

Thậm chí trong nhiều hoạt động, Thoàng tự bỏ tiền túi ra làm. Ví như dịp 20-10 năm ngoái, anh bỏ tiền mua hoa, chạy xe vòng quanh Đà Nẵng để tặng cho chị lao công hay cô bán hàng rong khiến nhiều cô xúc động rơi nước mắt. Một nghĩa cử tuy nhỏ thôi nhưng làm chúng tôi thật sự trân quý”, Nhi chia sẻ.

Năm học 2016-2017, Trương Đình Hiếu, lớp 39K01.2, khoa Thương mại, ngành Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng là gương mặt duy nhất đại diện cho hàng chục ngàn SV Đà Nẵng nhận giải thưởng “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Trong buổi gặp mặt ấy, Hiếu ít nói về mình mà dành phần lớn thời gian kể về những hoạt động của Liên chi đoàn khoa Thương mại, nơi Hiếu giữ vai trò Phó Bí thư. Đó là những hoạt động tình nguyện mang “sắc màu kinh tế” như tự tổ chức văn nghệ, bán hàng gây quỹ, xây dựng kế hoạch bài bản, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để mỗi thành viên tham gia nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Bên cạnh công tác Đoàn, với thành tích học tập xuất sắc, trong 3 năm liên tiếp Hiếu nhận học bổng Phạm Văn Đồng tại quê nhà Quảng Ngãi; học bổng “SV với biển, đảo Tổ quốc”; học bổng “Khuyến khích học tập” trong 5 học kỳ liên tiếp, học bổng dành cho “SV có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên trong học tập” 2 năm liên tiếp... Cứ thế, Hiếu đi học mà chẳng tốn tiền ba mẹ, thời gian rảnh còn làm thêm kiếm thêm thu nhập. Dường như đằng sau gương mặt cương nghị, thông minh là tâm hồn sâu sắc và có trách nhiệm với gia đình. Hiếu nói rằng, học tập nghiêm túc là cách để Hiếu động viên gia đình và để chứng minh rằng sự chọn lựa học ngành kinh tế là phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.

3. Niềm hạnh phúc của người thầy đứng trên bục giảng là được nhìn thấy học trò của mình thành công, mạnh dạn thử sức trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tôi luyện bản thân. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Thanh, giảng dạy tại khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng kể rằng trong một lần ghé tiệm nước Ba Tào trên đường Nguyễn Văn Thoại, chị đã khá bất ngờ khi biết được chủ tiệm nước là 3 học trò cưng của chị tại khoa Du lịch.

“Ba em đều là gương mặt sáng giá của khoa Du lịch. Học giỏi, giải nhất cuộc thi “Sinh viên thử sức với nghề hướng dẫn”, SV tiêu biểu của khóa, SV tích cực các hoạt động phong trào… Bộ ba này đã từ chối việc làm tại vài doanh nghiệp có tên tuổi ở Đà Nẵng để tự mình lập nghiệp với quán giải khát Ba Tào tuy khiêm tốn quy mô nhưng rất giàu ý tưởng, khát vọng và ý chí. Thật tuyệt vời khi được thưởng thức ly đồ uống rất ngon và đậm chất miền Tây do chính tay học trò của mình pha chế”, chị Thanh không giấu được niềm tự hào, cho biết.

Từ khi tiệm nước Ba Tào khai trương đến nay, nhiều SV Trường ĐH Kinh tế xem đây là địa chỉ “tiếp lửa” cho mình trên con đường khởi nghiệp. Hằng tối, có khá nhiều nhóm bạn trẻ đến đây cùng học tập và trò chuyện, xây dựng ước mơ. Nguyễn Văn Tiến, SV khoa Quản trị kinh doanh cho biết em thường xuyên đến quán Ba Tào không chỉ để uống nước mà để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập với bộ ba Mai, Tàu, Huy, là chủ quán nước này. Tiến chia sẻ: “Ở trường, họ là những SV học giỏi, tiêu biểu trong các hoạt động phong trào. Ở quán, họ là những cô cậu chủ rất thân thiện và biết làm ra những sản phẩm vừa lòng khách hàng. Đó thật sự là bước đệm để họ có những bước đi thành công trong tương lai”.

Có thể nói, đâu đó trên giảng đường, hình ảnh những nam, nữ SV vẫn lặng lẽ tỏa sáng, trở thành tấm gương về nghị lực sống và học tập, để lại nhiều tình cảm yêu mến trong lòng thầy cô, bạn bè. Và, chúng tôi cũng tin rằng, ở đâu đó trong những mái ấm bình yên, họ là những đứa con ngoan, biết yêu thương gia đình và tin rằng, những nỗ lực của mình là món quà dành cho ông bà, cha mẹ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.