"Chèo đò" giữa núi

.

Nhà thơ Xuân Định từng có những vần thơ rất xúc cảm về nghề giáo: Bao lữ khách đi về trên bến vắng/ Người sang sông ai nhớ bến sông đời/ Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ/ Vẫn âm thầm như bụi phấn rơi rơi... Nghề dạy học được ví như nghề chèo đò đưa khách sang sông.

Chuyến đò ấy chở biết bao tri thức và tình cảm, đong đầy tâm huyết của các thầy, cô. Đặc biệt, các thầy, cô dạy học ở các xã miền núi của huyện Hòa Vang thì càng khó khăn, vất vả hơn khi phải vượt qua một quãng đường dài để đem con chữ đến với các em học sinh nghèo. Nhưng có ai biết rằng, họ còn có những nỗi đau, bất hạnh riêng.

Cô Lê Thị Chanh đang hướng dẫn các học sinh Trường tiểu học Hòa Phú làm bài tập. Ảnh: Đ.L
Cô Lê Thị Chanh đang hướng dẫn các học sinh Trường tiểu học Hòa Phú làm bài tập. Ảnh: Đ.L

Nỗi buồn nhớ lớp

“Không đi dạy được cô buồn lắm!”. Đó là những lời tâm sự của cô Trần Thị Ngọc Diệp (51 tuổi) qua điện thoại với tôi khi cô đang nằm điều trị tại Khoa Huyết học, Bệnh viện Trung ương Huế. Cô Diệp là giáo viên Trường tiểu học (TH) Hòa Bắc.

Năm ngoái, tôi có dịp đến ngôi trường này và thấy nhiều thầy cô nơi đây vẫn còn khó khăn, gian khổ khi ngày ngày phải vượt hàng chục cây số để lên dạy chữ cho các em đồng bào dân tộc Cơ tu và các em học sinh miền núi. Trở lại lần này, những tưởng các thầy cô đỡ vất vả hơn nhưng thật bất ngờ khi hay tin cô Diệp bị bệnh ung thư máu cách đây 3 tháng và hiện tình trạng sức khỏe rất yếu.

Trước khi về công tác ở xã Hòa Bắc, cô Diệp từng có thời gian dài dạy học ở các xã miền núi tỉnh Lâm Đồng và huyện miền núi Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đó là những tháng ngày cực kỳ khó khăn khi lương chỉ đủ mua mấy chục cân gạo nhưng cô vẫn bám nghề vì yêu thương các em học sinh miền núi còn nhiều vất vả.

Hơn 12 năm công tác ở Hòa Bắc, cô Diệp vẫn không quản ngại khó khăn để vượt một quãng đường dài hàng chục cây số từ quận Liên Chiểu lên đây dạy học. Nay, dù nhớ trường, nhớ lớp nhưng sức khỏe của cô đã ngăn cô dừng bước. Hơn 30 năm lăn lộn với miền núi, cô chưa có một ngày dạy ở đồng bằng. Giờ chỉ còn 4 năm nữa là nghỉ hưu, cô chỉ mong ngành giáo dục cho cô được nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

Giống với hoàn cảnh của cô Diệp, thầy Nguyễn Dũng (57 tuổi), giáo viên Trường TH Hòa Phú cũng gắn bó hơn 30 năm dạy học ở Hòa Phú nhưng ai ngờ chỉ còn mấy năm nữa đến thời gian nghỉ hưu thì bị tai biến. Vợ thầy Dũng cho biết, hiện thầy Dũng chỉ nói được tiếng một, đi phải chống gậy.

Không đi dạy được, nằm nhà hoài thầy rất buồn. Thỉnh thoảng cô phải đẩy xe lăn đưa thầy đi quanh xóm cho khuây khỏa. Bệnh của thầy giờ không có khả năng phục hồi được nữa. Hiện cô cũng bị đau cột sống, lại lo cho thầy và nuôi thêm đứa con út học ở Huế nên gia đình rất khó khăn. Cô mong ngành giáo dục tạo điều kiện cho thầy được nghỉ hưu để yên tâm điều trị”.

Theo thầy Trần Minh Nghĩa, Hiệu trưởng Trường TH Hòa Phú, nhà thầy Dũng làm nông nên trông chờ vào đồng lương chính của thầy. Trước đây còn đi dạy, lương thầy 8,2 triệu đồng nhờ được hưởng thêm phụ cấp dạy học sinh dân tộc thiểu số. Giờ thầy phải ở nhà và hưởng lương chỉ 3,8 triệu đồng. Hiện nay, hồ sơ xin nghỉ hưu theo Nghị định 108 của thầy Dũng đã được chuyển cho bộ và chờ phê duyệt.

Tạo điều kiện luân chuyển giáo viên

Tuy điều kiện đi lại thuận lợi hơn các thầy, cô ở xã Hòa Bắc, nhưng nhiều thầy, cô Trường TH Hòa Phú vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi phải đi một quãng đường khá xa từ các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong lên các điểm trường ở các thôn Phú Túc, Hội Phước (Hòa Phú) dạy học.

Đặc biệt, Trường TH Hòa Phú là ngôi trường duy nhất trên địa bàn thành phố thực hiện Mô hình trường học mới (VNEN) trong 7 năm qua nên các thầy, cô cần phải cố gắng nỗ lực nhiều để nâng cao chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Thầy Trần Minh Nghĩa cho biết, ngoài thầy Dũng, trường còn có một số cô có hoàn cảnh khó khăn như cô Đặng Thị Đăng Thùy có chồng bị tai biến nằm một chỗ, cô Đặng Thị Nhứt không có phụ cấp nhưng một mình nuôi hai con ăn học, cô Dương Thị Lệ Hằng có hoàn cảnh khó khăn do chồng chưa có việc làm ổn định. Dù lớn tuổi và có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng các thầy, cô vẫn thường xuyên tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường và rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục miền núi.

Trong khi đó, ở Trường TH Hòa Bắc hiện vẫn còn thêm 3 cô phải đi dạy xa do nhà ở quận Liên Chiểu, cụ thể là: cô Phạm Thị Kim Loan có 30 năm dạy học ở miền núi, cô Lê Hoàng Tú Nga và cô Phan Thị Ái Phượng đều có hơn 15 năm dạy học ở xã Hòa Bắc.

Chia sẻ khó khăn hiện tại, cô Phan Thị Ái Phương cho biết: “Trước đây còn trẻ nên vẫn cố gắng đi dạy xa được, nhưng mấy năm trở lại đây chị cảm thấy sức khỏe mình yếu hẳn. Cuối năm học này, chị dự định sẽ làm đơn xin chuyển trường về dạy gần nhà để có thời gian lo cho con”. Tuy không phải đi dạy xa nhưng cô Phạm Thị Ngọc Hoa, giáo viên Trường TH Hòa Bắc lại có hoàn cảnh khá đặc biệt. Là người thôn Nam Yên, cô rất hiểu những thiếu thốn của các học sinh miền núi nơi đây. Đó là lý do cô Hoa không rời bục giảng hơn 31 năm qua dù phải nuôi 4 con ăn học, trong đó có một con bị khuyết tật.

“Khi công tác tại xã Hòa Bắc, nhà trường luôn tạo điều kiện cho các thầy, cô học nâng chuẩn đại học sư phạm, rèn luyện tay nghề vững vàng. Nhưng thấy được hoàn cảnh vất vả trong việc đi lại, nhất là vào mùa mưa, cầu Đôi nước lớn, các cô băng qua rất nguy hiểm, lãnh đạo nhà trường luôn luôn ủng hộ và tạo thuận lợi cho các thầy, cô thực hiện nguyện vọng.

Trong năm học 2016-2017 đã có 9 thầy cô được luân chuyển công tác về các trường trong huyện và ngoài huyện Hòa Vang. Từ đầu năm học 2017-2018 đến nay cũng đã có thêm 3 thầy, cô chuyển công tác”, thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường TH Hòa Bắc chia sẻ.

Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cũng cho biết, trong thời gian qua, huyện đẩy mạnh chủ trương địa phương hóa giáo viên. Đặc biệt, 2 năm gần đây, giáo viên tiểu học ở các quận thiếu nên nhiều giáo viên các xã miền núi làm đơn xin chuyển trường.

Đặc biệt, có trường hợp của thầy Nguyễn Đức Kha cư trú ở quận Ngũ Hành Sơn có 16 năm công tác ở Trường TH Hòa Bắc. Trong 5 năm liền, thầy Kha làm đơn xin chuyển nhưng không được. UBND huyện Hòa Vang đã làm công văn gửi UBND quận Ngũ Hành Sơn hoán đổi giáo viên âm nhạc.

“Chỉ cần các địa phương khác đồng ý thì UBND huyện Hòa Vang sẽ tạo điều kiện cho các thầy, cô luân chuyển với điều kiện là đã phục vụ 5 năm công tác tại miền núi. Mặc dù tìm một giáo viên thế chỗ cho người chuyển đi là rất khó nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vẫn luôn tạo điều kiện cho các thầy, cô chuyển công tác.

Việc luân chuyển giáo viên giữa huyện Hòa Vang với các quận khác được thực hiện chỉ khi các thầy, cô tự tìm được chỉ tiêu còn trống ở các trường trong quận; còn luân chuyển trong huyện, huyện sẽ tạo điều kiện cho các thầy, cô luân chuyển khi thấy các trường khác còn chỗ trống nếu thầy, cô nào có nhu cầu. Tuy nhiên, thành phố cũng nên có cơ chế luân chuyển giáo viên giữa các quận, huyện để các thầy, cô được chuyển công tác thuận lợi hơn”, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang khẳng định.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.