Đất sét "nở" hoa

.

Nếu có dịp ngắm nhìn những bông hoa làm từ đất sét, hẳn bạn phải trầm trồ ngạc nhiên bởi màu sắc tươi tắn, cánh hoa mềm mại tự nhiên chẳng khác gì hoa thật, chỉ khác là hoa đất sét thì không thể… tỏa hương.

Chị Lương Thị Hằng, người đưa những bông hoa đất sét đến với khách hàng Đà Nẵng. Ảnh: H.N
Chị Lương Thị Hằng, người đưa những bông hoa đất sét đến với khách hàng Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Hoa đất sét lên ngôi

Nhìn những bông hoa cúc, phong lan, tuy-líp được cắm khéo léo trong những bình, chậu gốm sứ; hay những bó hoa hồng nhiều màu được dùng làm hoa cưới, cánh hoa mịn màng lượn sóng, hẳn bạn càng ngạc nhiên hơn khi biết những bông hoa được làm từ đất sét. Đất sét làm hoa không phải là thứ đất mà trẻ con dùng để nặn con vật trong bài học mẫu giáo ở trường, mà là loại đất cao cấp do Nhật hoặc Thái Lan sản xuất, và việc pha thêm màu vào đất để cho ra màu sắc thật của loài hoa nào tùy thuộc vào thẩm mỹ của từng người.

Hoa đất sét có mặt ở Việt Nam khoảng 10 năm, và chỉ thực sự cuốn hút khách hàng khoảng từ năm 2013 đến nay. Dòng hoa đất ngày càng nổi bởi những bông hoa trông rất giống hoa thật, mịn màng và tinh xảo, nhưng lại không bao giờ bị héo, ít phai màu, độ bền kéo dài từ 5-10 năm tùy người sử dụng. Tính ứng dụng cao của hoa đất sét cũng là điều được người dùng chú ý khi có thể dùng làm hoa trang trí; những bó hoa cưới cũng hấp dẫn nhiều cô dâu vì hoa bền, cánh hoa dẻo dai nên không sợ hư hỏng, giữ màu lâu nên có thể lưu lại làm kỷ niệm và cánh hoa mỏng nên khi cầm không bị nặng tay. Ngoài ra, những bức tranh làm bằng hoa đất sét cũng rất đẹp và cuốn hút.

Hoa đất sét trở nên thịnh hành ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhiều năm nay, người Đà Nẵng chỉ biết đến hoa đất khi chị Lương Thị Hằng (cửa hàng hoa đất sét Mạnh Hằng) mở ra ở đường Nguyễn Phước Nguyên, quận Thanh Khê gần 4 năm trước. Chị Hằng cho rằng, người làm hoa đất sét phải có tính kiên trì, khéo tay và đặc biệt phải có niềm đam mê, bởi tất cả các công đoạn đều phải thực hiện thủ công.

Nguyên liệu để làm hoa đất sét tốt nhất là loại được sản xuất ở Nhật, rất mềm, dẻo, dai, mịn, nhưng giá thành khá cao nên hầu hết người làm hoa ở Việt Nam hiện nay chọn đất sét sản xuất ở Thái Lan. Màu sơn dầu dùng để pha vào đất tạo màu do Anh hoặc Pháp sản xuất. Việc pha màu sẽ quyết định vẻ đẹp của từng cánh hoa. Đất sét sau khi pha màu được cán mỏng thành tấm với độ dày, mỏng khác nhau tùy theo loại hoa cần làm. Công đoạn đầu tiên để làm hoa đất sét là làm cánh hoa. Để các cánh hoa đều nhau, người làm sử dụng khuôn thích hợp với từng loại hoa. Muốn có bông hoa đẹp, người làm phải nghiên cứu kỹ đường gân; dùng kỹ thuật lăn hoặc mo để làm cánh hoa cong như ý muốn và tạo dáng cố định cho cánh. Chờ cho khô rồi dùng sợi dây kẽm chuyên dụng luồn vào từng cánh và ghép lại thành bông hoa. Những bông hoa được tỉ mẩn tạo gân, tỉa dáng, với những bông hoa có nhiều màu sắc thì thêm công đoạn phối màu, có chỗ đậm nhạt khác nhau. “Thực ra, kỹ thuật làm hoa đất sét không khó, ai cũng có thể làm được, nhưng mỗi người tùy vào khiếu thẩm mỹ của mình thổi hồn cho bông hoa ở mảng màu định pha, màu phải như hoa thật ở ngoài, rồi tạo đường gân cho hoa cũng phải thật giống”, chị Hằng nói thêm.

Có một thời hoa làm bằng vải voan lên ngôi, hồi những chất liệu như giấy, pha lê đều có thể làm hoa, nhưng rồi tất cả đều bị thoái trào bởi sự sáng tạo từ chất liệu không nhiều, hơn nữa không để được lâu. Xem ra trong các chất liệu làm hoa giả thì hoa đất sét tồn tại khá lâu và vẫn đang là “cơn sốt” của người dùng, nếu có bám bụi cũng dễ dàng vệ sinh như mới, giống hoa thật nhất, chưa kể những bức tranh được làm dưới dạng 3D gần như bền mãi theo thời gian.

“Ăn hoa, ngủ hoa, mơ về hoa”   

Chị Hằng được xem là người đầu tiên đem hoa đất sét về Đà Nẵng. Và quan điểm của chị cũng khác biệt: chia sẻ để mọi người cùng biết. “Mình không sợ ai “cướp” nghề, mình nhận dạy cho tất cả những người có nhu cầu, ai cũng có kỹ thuật riêng để sáng tạo, còn làm đẹp hay không còn tùy vào năng khiếu của từng người. Mình liên kết với các bạn học viên, làm cùng nhau và cùng cung cấp sản phẩm ra thị trường nên lúc nào khách hàng cần đều có hàng”, chị Hằng bày tỏ. Từ năm ngoái đến nay chị dạy được gần 20 người, nhiều nhất vẫn ở Đà Nẵng, có nhiều người ở Hà Nội, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đắc Lắk cũng đến xin học. Hiện chị có 7 đối tác vừa là học viên vừa là bạn hàng. Trong đó có 3 người đã mở cửa hàng làm và bán hoa đất sét ở đường Núi Thành (quận Hải Châu), phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) hay quận Liên Chiểu.

Hằng bảo rằng mình mất nhiều năm “ăn hoa, ngủ hoa, mơ về hoa”, khi “dấn thân” vào nghiệp làm hoa giả. Cô gái quê gốc Hải Phòng này từng tốt nghiệp ngành kế toán của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, theo chồng vào Đà Nẵng. Với năng khiếu sẵn có, Hằng từng ban ngày đi làm ở công ty, buổi tối về mày mò làm hoa voan. Cứ “tay phải, tay trái” như thế suốt nhiều năm. Năm 2011, Hằng vào Sài Gòn chơi và biết đến một cửa tiệm hoa đất sét của một bà chủ người Thái Lan, thế là xin vào học, trong vòng một tuần là nắm hết các kỹ thuật cơ bản. Về Đà Nẵng, Hằng mày mò làm hoa. Mỗi cục đất sét màu trắng nặng 250gram và rất nhiều ống màu đã bị Hằng cho vào giỏ rác vì bông hoa tạo ra chưa giống thật, và cơ bản là nhìn bông hoa “không có hồn”. Hằng nói: “Lúc nào thổi được hồn vào bông hoa bằng kỹ thuật pha màu, chế tác, như hoa thật ở ngoài mới gọi là thành công”. Bởi thế nên hoa đất sét tưởng là dễ làm nhưng thật ra rất khó, cũng tốn kém vì đất hỏng hay khô là không tái sử dụng được, việc đánh màu hỏng cũng không sửa được.

Sau đó, năm nào Hằng cũng khăn gói vào Sài Gòn học kỹ thuật làm hoa trong vòng một tuần. Bà giáo bảo Hằng là trong 100 người học, chỉ có khoảng 3 người làm được. Với năng khiếu bẩm sinh, Hằng đã làm ngày làm đêm và đến nay những giỏ hoa, những bó hoa cưới, những bức tranh tươi tắn, nhiều sắc màu của chị đã chinh phục được những khách hàng khó tính nhất. Và bây giờ Hằng bỏ luôn nghề kế toán để chuyên tâm vào làm hoa, thỏa sức đam mê.

So với hoa vải lụa, nhựa hay pha lê thì hoa đất sét có giá thành cao nhất, thuộc dòng hoa cao cấp. Có những chậu hoa nhỏ giá chỉ 30.000 đồng, còn với chậu lớn có giá giao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng, những bức tranh có giá từ 350 đến 850.000 đồng. Hằng cho biết giá hoa đất sét ở Đà Nẵng chỉ bằng 1/3 mức giá ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh và lượng khách hàng cũng chưa được nhiều lắm. Năm nay, doanh thu của cửa hàng hoa Mạnh Hằng trung bình vào khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Hoa đất sét đã chiếm lĩnh thị trường hoa giả nhiều năm nay và vẫn đang rất thịnh hành vì những bông hoa được những người thợ làm ra ngày càng sắc sảo, tinh tế. Đặc biệt là người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến đồ thủ công, yêu cầu kỹ thuật cao và nguyên liệu ngày càng tốt hơn, không độc hại và thân thiện với môi trường.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.