Hết lòng truyền cảm hứng

.

Để góp phần vun đắp nền tảng kiến thức và đạo đức trong xã hội, luôn có những người thầy, người cô hết lòng dạy dỗ, truyền cảm hứng cho học trò.

Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu diễn ra trong im lặng, mọi giao tiếp được thể hiện qua ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh :T.Y
Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu diễn ra trong im lặng, mọi giao tiếp được thể hiện qua ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh :T.Y

Niềm vui là sự tiến bộ của học trò

Tiết học Toán của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu và học trò lớp D4, Trường Chuyên biệt Tương Lai (cơ sở 2) diễn ra trong im lặng. Mọi giao tiếp thể hiện qua ngôn ngữ ký hiệu. Lớp gồm 10 em, bàn ghế bố trí theo hình vòng cung để mọi người có thể nhìn thấy ký hiệu của nhau.

D4 là lớp học dành cho học sinh (HS) điếc, bị khuyết tật thính giác, hạn chế khả năng nói. Rào cản lớn nhất của HS khiếm thính là các em không có khả năng nghe, không thể tiếp nhận thông tin dẫn đến hạn chế lớn về tư duy và nhận thức. Với mong muốn trò tiếp thu hiệu quả kiến thức mà mình truyền đạt, cô Thu đã chọn một cách giảng thật ngắn gọn, cô đọng.

Hơn 14 năm trực tiếp giảng dạy HS khuyết tật thính giác, cô giáo Thu luôn cảm thông những thiệt thòi lẫn khó khăn mà bản thân học trò và gia đình các em đang gánh chịu. Mỗi ngày, tiếp xúc và dạy dỗ học trò, chị hiểu rằng, để truyền thụ hết kiến thức trong chương trình giáo khoa đến HS bình thường đã khó, với HS khuyết tật thính giác càng khó gấp bội, nếu không có tình thương trẻ và lòng yêu nghề sẽ khó vượt qua.

Để tìm kiếm phương pháp giao tiếp hiệu quả với học trò, ngoài giờ lên lớp, chị dành thời gian học ngôn ngữ ký hiệu, tích cực tham gia các buổi phiên dịch hội thảo, hội nghị dành cho người khiếm thính. Đặc biệt, năm học 2016-2017, chị cùng đồng nghiệp trong Tổ Khuyết tật thính giác mạnh dạn cải tiến phương pháp giảng dạy song ngữ (dạy ký hiệu trước, dạy viết sau) cho HS môn Tiếng Việt.

Từ đó, xây dựng tiết dạy mẫu gồm 3 phần, phần 1 ký hiệu ngôn ngữ, phần 2 viết và phần 3 đọc. Giáo án mẫu về phương pháp dạy song ngữ cho HS khuyết tật thính giác trong môn Tiếng Việt đã mang lại hiệu quả cao, tạo hứng thú cho HS và cả giáo viên, vốn từ và ký hiệu tăng lên rõ rệt.

Nguyễn Thị Hồng Thu cho biết, học trò khuyết tật luôn cần sự giúp đỡ, chở che của người thầy. Bởi các em khiếm khuyết các chức năng nghe, nói, đọc song nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, học tập cũng giống như bao đứa trẻ bình thường khác. Những tháng đầu đứng lớp, chị khá bối rối khi các em đọc đúng nhưng lại ghi câu ngược.

Ví như khi đọc “Bạn ăn cơm chưa?”, nhưng lúc viết trò lại ghi “Chưa cơm bạn ăn”. Để điều chỉnh việc này, chị khuyến khích phụ huynh để học trò cầm điện thoại tự nhắn tin cho mình trong những dịp lễ, Tết. Nhờ vậy, chị biết được nhược điểm của từng em và tìm cách uốn nắn, sửa câu.

“Đối với trẻ điếc, người giáo viên không chỉ khó khăn trong công việc giảng dạy, mà việc quản lý, chăm sóc, sinh hoạt ngoài giờ học cũng vô cùng vất vả. Bằng tấm lòng yêu thương, ngoài kiến thức, chúng tôi đã uốn nắn, hướng dẫn các em tự biết chăm sóc bản thân, biết ứng xử, giao tiếp với người xung quanh. Nhìn thấy học trò tiến bộ, nhận các giải thưởng tại các cuộc thi như Hội thao toàn quốc người khuyết tật, Hội thi vẽ tranh do thành phố tổ chức…, chúng tôi xem đó như món quà động viên, khích lệ để thêm yêu nghề, yêu công việc của mình hơn”, chị chia sẻ.

Có thể nói, thách thức lớn nhất của thầy và trò trường chuyên biệt là các môn học văn hóa. Mỗi lớp học thường pha trộn nhiều độ tuổi nên việc nắm bắt tâm lý, sở thích khá khó khăn. Thầy Nguyễn Duy Tuyên, Hiệu phó Trường Chuyên biệt Tương Lai khẳng định, ở trường dành cho HS khuyết tật, thầy cô phải dạy theo nhu cầu của HS. Đơn cử một HS bình thường bỏ chưa đầy phút để làm xong bài toán đơn giản, nhưng với HS khuyết tật phải mất rất nhiều phút. Đó là chưa kể hôm nay nghe giảng bài xong, đã biết tính toán chính xác thì hôm sau đầu óc các em lại như tờ giấy trắng, phải truyền đạt lại từ đầu, điều đó đòi hỏi thầy cô phải thật sự hiểu rõ và kiên trì với từng em.

Khơi gợi tư duy sáng tạo

Nằm trong danh sách 20 giáo viên Đà Nẵng nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 2, năm 2017 do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức, ngoài cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu, còn có cái tên khá quen thuộc: cô giáo Phạm Thị Phong, giáo viên Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu. Cô giáo Phong được nhiều đồng nghiệp biết đến khi liên tục đồng hành cùng học trò trong các cuộc thi viết thư quốc tế UPU và làm phim dành cho HS phổ thông các nước châu Á. Tính đến nay, thầy và trò Trường THCS Tây Sơn đã gặt hái 4 giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU, trở thành một hiện tượng trong ngành giáo dục.

Để khơi gợi tư duy sáng tạo của học trò, cô giáo Phạm Thị Phong luôn gợi mở những câu chuyện ngoài sách vở. Chị cho rằng, nếu nội dung trong sách giáo khoa chỉ hướng các em một hai con đường tới đích thì thầy cô cần gợi ý để HS biết thêm nhiều con đường khác, thoát ra khỏi những ràng buộc trong khuôn khổ sách giáo khoa. Với môn Văn học, phương pháp mở sẽ giúp các em thoải mái hóa thân vào nhân vật, HS trở thành chủ thể, tự nhập vai, tự trình bày, kể cả dựng kịch bản để diễn cùng nhau.

Không áp đặt tư duy là cách cô giáo Phong luôn hướng tới trong quá trình giảng dạy. HS được khuyến khích thoát khỏi lối mòn trong phân tích, bình luận nhân vật. Như truyện cổ tích Tấm Cám, tinh thần của sách giáo khoa là phê phán Cám và ca ngợi Tấm nhưng với cách học mở thì HS lại tỏ ra cảm thông hơn với Cám và phê phán khi Tấm đã ra tay giết hại em mình rồi lấy xác làm mắm cho mẹ kế ăn. Thoát khỏi khuôn khổ cứng nhắc của sách giáo khoa, mỗi tiết học HS được thể hiện và trình bày 80% thời gian, 20% còn lại cô giáo đảm nhiệm vai trò gợi mở ý tưởng. Có thể nói, chính nhờ cách dạy này mà học trò Trường THCS Tây Sơn luôn có cách thể hiện sáng tạo và điều đó thể hiện qua nội dung những lá thư UPU đoạt giải.

Trong 6 giáo viên bậc tiểu học ở Đà Nẵng nhận Giải thưởng Võ Trường Toản đợt này, chỉ duy nhất có thầy giáo Đỗ Viết Duy Vũ, Trường tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê) là nam. Và, trong 20 người nhận giải thưởng, cũng chỉ có Vũ là giáo viên âm nhạc.

Chính lối giảng dạy sáng tạo cùng khả năng đàn, hát, giỏi biến tấu giai điệu các ca khúc thiếu nhi truyền thống của Đỗ Viết Duy Vũ đã giúp HS nâng cao khả năng cảm nhận âm nhạc. Lớp học của anh luôn vui tươi, sinh động và rộn rã tiếng cười.

Bên cạnh đó, chọn cách lồng ghép trò chơi âm nhạc trong giờ học khiến nhiều HS thêm say mê các tiết dạy của thầy giáo Vũ. Đoạt khá nhiều giải thưởng tại các cuộc thi piano toàn quốc, thầy Đỗ Viết Duy Vũ còn được Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng giao soạn chương trình giảng dạy piano cho các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Anh cho rằng, ngoài kiến thức âm nhạc, những giai điệu thiếu nhi giúp học trò giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học thì việc định hướng thị hiếu âm nhạc cho HS rất quan trọng, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều bài hát có ca từ không “đẹp”, thiếu chuyên nghiệp.

Ghi nhận những đóng góp thầm lặng của thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người, ngoài Giải thưởng Võ Trường Toản, mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký quyết định xét tặng giải thưởng Nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục, đào tạo Đà Nẵng cho 25 người.

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng vừa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 6 thầy cô giáo có cống hiến lâu năm trong ngành. Ông Đặng Hùng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, những giải thưởng trên nhằm công nhận và tôn vinh những nhà giáo, những gương điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy để nhân rộng và tạo sự lan tỏa trong phạm vi ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Từ đó khơi dậy tinh thần mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo…

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.