Kinh nghiệm xã hội hóa giáo dục ở một số nước châu Á

.

Nghiên cứu kinh nghiệm xã hội hóa giáo dục ở các nước, trước hết là một số nước châu Á, sẽ giúp chúng ta phát huy được lợi thế đi sau trong việc đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công trên lĩnh vực giáo dục. Thật tình tôi rất ngại dùng “cụm từ xã hội hóa dịch vụ công trên lĩnh vực giáo dục” bởi hai chữ “dịch vụ” dễ làm người ta quên đi tính chất đặc thù của xã hội hóa giáo dục - người dạy học ở đây không đơn thuần là người cung cấp dịch vụ vốn lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo chất lượng phục vụ, cho nên trong bài viết này tôi chỉ dùng cụm từ “xã hội hóa giáo dục”.

Theo công bố của tổ chức  Economist Intelligence Unit (EIU) , giáo dục Singapore  dẫn đầu châu Á về khả năng chuẩn bị tốt nhất cho tương lai người học. (Nguồn: news.zing.vn ngày 21-9-2017)
Theo công bố của tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) , giáo dục Singapore dẫn đầu châu Á về khả năng chuẩn bị tốt nhất cho tương lai người học. (Nguồn: news.zing.vn ngày 21-9-2017)

Khác với Việt Nam còn nặng tư tưởng “hậu công bạt tư”(coi trọng khu vực công mà coi nhẹ khu vực tư), tư thục ở nhiều nước châu Á, chẳng hạn Thái Lan phát triển mạnh, chất lượng đào tạo tốt, vì thế dầu phải đóng học phí có khi rất cao nhưng những gia đình khá giả vẫn thường cho con học trường tư. Và nhờ vậy mà Chính phủ Thái Lan có điều kiện để tăng cường đầu tư nhiều hơn cho trường công - chứ không phải để cắt giảm đầu tư cho trường công nhằm tiết kiệm ngân sách.

Quan điểm này rất đáng cho chúng ta suy ngẫm, bởi tôi nhớ vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) triển khai chủ trương xã hội hóa giáo dục qua việc hình thành một số trường phổ thông trung học bán công như Trường THPT Trần Phú - chuyển từ công lập sang, Trường THPT Nguyễn Hiền và Trường THPT Ngô Quyền mới thành lập, thì khoản ngân sách Nhà nước trước đây dành cho Trường Trần Phú và dự kiến sẽ dành cho hai Trường Nguyễn Hiền và Ngô Quyền với tư cách trường phổ thông trung học công lập - nay do được bù đắp bằng học phí cao hơn của học sinh bán công - ngay lập tức bị cắt giảm, trong khi lẽ ra phải được giữ nguyên để lấy khoản dư ấy đầu tư thêm cho các trường công còn lại.   

Nghiên cứu kinh nghiệm xã hội hóa giáo dục ở một số nước châu Á cũng có thể thấy xã hội hóa giáo dục không chỉ là huy động ngày càng nhiều sự đầu tư của người dân - hoặc đóng học phí cao hơn đối với học sinh bán công trước đây hoặc bỏ tiền/góp vốn mở thêm cơ sở giáo dục và đào tạo tư nhân nhằm “chia lửa” gánh nặng ngân sách Nhà nước, mà còn là và quan trọng là làm thế nào để trường học ngày càng đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của xã hội, cụ thể là đáp ứng tốt hơn nhu cầu được giáo dục nhân cách toàn diện của con em nhân dân.

Thái Lan chủ trương trường học ở xứ sở Chùa Vàng phải huy động tối đa sự hỗ trợ của những người thông thái trong cộng đồng vào việc trang bị các hiểu biết về văn hóa truyền thống của địa phương và cả một số kỹ năng mềm cho học sinh, chẳng hạn cảnh sát sở tại sẽ đến từng trường để chủ động trang bị cho học sinh ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông hay phòng chống ma túy/tội phạm… thông qua chương trình “Chúng em làm cảnh sát”.

Chủ trương này thực ra cũng không quá xa lạ với các trường học ở Đà Nẵng, bởi từ năm 2016 đến nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã phối hợp với 30 trường học trên địa bàn thành phố thực hiện chương trình “Đưa nghệ thuật Tuồng vào học đường” hay mô hình “Đưa dân ca vào trường học” cũng thu hút được đông đảo học sinh, tạo nên phong trào “Em vui em hát dân ca” ở một số trường THCS ở huyện Hòa Vang.

Ở Trung Quốc những năm gần đây, một số phụ huynh học sinh có xu hướng quay lưng lại với hệ thống giáo dục công lập vốn coi trọng học thuộc lòng và hạn chế học sinh suy nghĩ sáng tạo, và họ bắt đầu tìm cho con em mình các trường tư đang áp dụng phương pháp giáo dục nổi tiếng như phương pháp Waldorf, chẳng hạn Trường Hairong Waldorf Quảng Châu - phương pháp này phản đối sử dụng thiết bị máy móc trong giảng dạy, đặc biệt là máy tính vì cho rằng máy móc khiến con người lệ thuộc và cản trở khả năng giao tiếp. Singapore cũng xã hội hóa giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm bằng cách đưa chủ đề thời sự dễ gây tranh cãi vào sách giáo khoa về xã hội nhằm tăng cường tư duy phản biện của học sinh. 

Theo thông tin từ tờ nhật báo tiếng Anh The Straits Times phát hành ở đảo quốc Sư Tử, sách giáo khoa về xã hội cấp trung học phổ thông đã được chỉnh lý bổ sung gắn liền với đổi mới cách ra đề kiểm tra nhằm chú trọng hơn vào việc thúc đẩy tư duy phê phán của học sinh - chẳng hạn cuộc thảo luận liệu có nên đưa ra một chuẩn nghèo đói hay không đã xuất hiện trong sách giáo khoa mới.

Mỗi chủ đề mang tính thời sự như vậy đều kèm theo các câu hỏi hướng dẫn để khuyến khích học sinh Singapore (theo cách) “Quảng Nam hay cãi”, đơn cử như chủ đề Khám phá công dân và quản trị, có hai câu hỏi được gợi ý: Trở thành một công dân có ý nghĩa gì đối với tôi? và Chúng tôi làm thế nào để có thể có những  quyết định hữu ích cho xã hội?

Trong quá trình xã hội hóa giáo dục, chúng ta cũng đang đối mặt với vấn đề “thừa thầy thiếu thợ”. Chính vì thế mô hình doanh nghiệp Trung Quốc tự xây dựng cơ sở đào tạo riêng để cung cấp nhân lực cho tương lai rất đáng tham khảo.

Nhà sản xuất rượu mao đài Trung Quốc Kweichow Moutai dự kiến chi 1,5 tỷ Nhân dân tệ để xây dựng tại tỉnh Quý Châu cũng là nơi đặt trụ sở công ty một trường đại học - thực chất là trường dạy nghề - dự kiến khai giảng vào đầu năm 2018, với 5.000 sinh viên và các ngành học đặc thù như nấu rượu, trồng nho, an toàn thực phẩm, marketing... để đáp ứng nhu cầu thợ lành nghề và đúng nghề cho chính mình - sau tốt nghiệp, học viên có cơ hội làm việc chính thức cho hãng Kweichow Moutai.

Tuy nhiên khi nghiên cứu kinh nghiệm xã hội hóa giáo dục ở Singapore, không thể không chú ý hiện tượng các trường tư ở Đảo quốc Sư Tử đang ồ ạt đóng cửa. Theo The Straits Times số ra ngày 9-2 năm nay, số lượng trường tư còn hoạt động ở mức thấp kỷ lục kể từ năm 2012 và vẫn đang tiếp tục giảm.

Nguyên nhân của tình trạng suy thoái này là do các quy định cứng rắn thậm chí khắt khe về quản lý giáo dục từ chính quyền đảo quốc đã khiến hàng trăm trường tư phải ngừng hoạt động vì không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Việc thắt chặt các quy định về quản lý giáo dục đối với trường tư ở Singapore được xem là cần thiết nhằm đảm bảo cho người học tư thục một chất lượng đào tạo tương xứng với mức đóng góp và kỳ vọng của họ.

Đây cũng là điều rất đáng cho chúng ta suy ngẫm khi trong thực tế xã hội hóa giáo dục hiện nay, chúng ta đang quản lý các tư thục hệt như quản lý một doanh nghiệp, từ đó khó có chỗ cho các tư thục bất vụ lợi tồn tại và phát triển; mặt khác lại tạo điều kiện để một số trường tư đi vào con đường “thương mại hóa”, “kinh doanh giáo dục” đơn thuần, lợi dụng/mạo danh xã hội hóa giáo dục để quan tâm đến lợi nhuận của các cổ đông hơn là đầu tư thích đáng về người dạy/chỗ dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.