Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Mười

.

100 năm đã qua là thời gian thử thách đối với những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, cũng là của chủ nghĩa xã hội hiện thực - một kiểu xã hội mới, công bằng và dân chủ hơn cho thế giới hiện nay.

Một thế kỷ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm: có cả những thành tựu to lớn đã đạt được ở mỗi nước và cả những đổ vỡ, thất bại, phải “làm đi làm lại những cái tưởng như đã làm rồi” như C.Mác dự đoán. Nhưng chính từ thực tiễn đó, có thể rút ra những vấn đề có tính quy luật, những kinh nghiệm để quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước đạt hiệu quả cao hơn.

Lãnh tụ V.I.Lênin đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga. (Nguồn: Tuyên giáo.vn)
Lãnh tụ V.I.Lênin đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga. (Nguồn: Tuyên giáo.vn)

Ngày 7-11 (25-10 theo lịch Nga cũ) năm 1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê nin và Đảng Bôn sơ vích Nga đã đập tan ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Cẩm nang giải phóng cho dân tộc Việt Nam

Sau khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra và thắng lợi, từ năm 1917 đến 1920, Nguyễn Tất Thành tích cực hoạt động trong phong trào Việt kiều, phong trào công nhân Pháp ở Paris. Qua quan sát từng chặng đường, từng dân tộc, qua thực tiễn hoạt động trong phong trào cách mạng, Nguyễn Tất Thành đã thu được nhiều điều bổ ích và hình thành “minh triết trong thái độ, hành động”(1).

Ngày 18 tháng 6 năm 1919, với tên mới Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp và tháng 12 năm 1920 tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là mốc đánh dấu một sự chuyển biến lớn trong tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chân chính sang lập trường XHCN.

Chính thời gian hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc biết đến Cách mạng Tháng Mười. Lúc đầu, Người “ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên (...) chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó”(2), song vẫn cảm thấy đây là một biến cố to lớn có sức lôi cuốn kỳ diệu. Nhưng với sự nhạy bén về chính trị được hình thành trong hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc thấy mình “có mối tình đoàn kết với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”(3).

Khi Người đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do Lênin trình bày tại Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến ngày 7-8-1920 và được Báo Nhân đạo đăng ngày 16-7-1920, Người mừng khôn tả vì tìm thấy ở đó cẩm nang giải phóng cho dân tộc Việt Nam, “như một ánh sáng kỳ diệu, nâng cao về chất, tất cả các hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người đã hằng nung nấu”(4).

Sau này, Người kể lại: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” và Người cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin “là cẩm nang thần kỳ”(5) của cách mạng.

Từ cảm tính tự nhiên đến nhận thức lý tính, Nguyễn Ái Quốc đã dần thấy rõ tính chất, ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của Cách mạng Tháng Mười. Người không chỉ nhìn thấy Cách mạng Tháng Mười là một cuộc cách mạng vô sản, lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội mà còn nhận thấy chỉ có cuộc cách mạng này, vấn đề dân tộc mới được giải quyết.

Qua sách vở và tài liệu, Nguyễn Ái Quốc rất cảm tình với Cách mạng Tháng Mười và nước Nga, nhưng lúc bấy giờ, sự đánh giá đối với nước Nga không phải không phức tạp. Với phương pháp tư tưởng đề cao khảo nghiệm thực tế, ngày 30-6-1923, Người bí mật rời nước Pháp đến nước Nga xô viết để chứng kiến những sự thật “mắt thấy tai nghe”.

Những năm tháng ở nước Nga giúp Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: “… nước Nga nhất định không phải là một địa ngục, nhưng lúc bấy giờ cũng chưa phải là một thiên đường... Đây đó người ta còn thấy những vết thương do chiến tranh để lại như những cảnh trẻ mồ côi, thiếu nhà ở, thiếu lương thực. Song những vết thương đang hàn gắn dần dần…”(6).

Từ đó, nước Nga là địa chỉ quen thuộc, là môi trường sống, học tập, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc; là nơi yên ổn nhất cho sự qua lại của Nguyễn trên các trục đường về phương Đông. Tất cả những tri thức về nước Nga mà Nguyễn Ái Quốc biết, rồi sẽ có dịp được Nguyễn Ái Quốc đưa vào một truyện kể có tên là Nhật ký chìm tàu - một truyện kể như một truyện viễn tưởng đối với nhân dân Việt Nam lúc ấy, nhưng lại là hiện thực một trăm phần trăm đối với người viết ra nó. Nhật ký chìm tàu được viết bằng quốc ngữ và nôm vào năm 1930 - khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Việt Nam vừa bị dập tắt. Người viết với mong muốn giữ vững lòng tin cho đồng bào, đồng chí trong nước, sau một cơn khủng bố trắng, qua những trang kể về nước Nga “có chuyện lạ đời. Biến người nô lệ thành người tự do”(7).

Đưa cách mạng Việt Nam vào đúng quỹ đạo của thời đại Qua khảo nghiệm thực tiễn hơn 12 năm kể từ năm 1911, chứng kiến sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc và tính ưu việt của chế độ mới ở nước Nga, trong Đường kách mệnh, tập hợp những bài giảng cho các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã phân tích kinh nghiệm lịch sử và ý nghĩa của cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và cách mạng Nga. Với dung lượng không nhiều, (phân tích cách mạng Mỹ trong 2,5 trang; cách mạng Pháp 5 trang; cách mạng Nga 7,5 trang) nhưng Hồ Chí Minh đã rút ra ý nghĩa của các cuộc cách mạng đó đối với cách mạng Việt Nam.

Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức đúng thời đại mới là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Từ đó, Người chủ trương đưa cách mạng Việt Nam vào đúng quỹ đạo của thời đại. Nguyễn Ái Quốc đến với nước Nga, đến với Cách mạng Tháng Mười không chỉ bằng cảm tính mà bằng cả chính kiến và phân tích tình hình thực tiễn một cách khám phá. Đó là cơ sở khoa học để lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội theo gương Cách mạng Tháng Mười. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(8).

Tuy rất có cảm tình với nước Nga, với Cách mạng Tháng Mười, nhưng Hồ Chí Minh không bê nguyên xi mà rất sáng tạo khi vận dụng các kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào hoàn cảnh Việt Nam. Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã đề ra đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đó chính là sự kết hợp dân tộc với mục tiêu thời đại kể từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Đây là luận điểm gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh, là nguyên lý nền tảng của cương lĩnh chính trị, là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, tư tưởng vượt trước, sự sáng tạo trong giải quyết vấn đề dân tộc của Hồ Chí Minh phải qua hơn 10 năm (1930 - 1941) mới được các cộng sự trong nước tiếp thu đầy đủ và phải qua 21 năm (1930 - 1951) mới được những người cộng sản quốc tế thừa nhận. Và trong Di chúc trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh rất đau lòng trước sự mất đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế, mặc dù vậy, Người vẫn tin tưởng vào lý tưởng Cách mạng Tháng Mười, vào chủ nghĩa Mác - Lê nin và mong các đảng cộng sản đoàn kết lại!

Hồ Chí Minh khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đội tiên phong của nó là đảng cộng sản chân chính. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm thắng lợi của cách mạng. Sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 là sự gặp gỡ diệu kỳ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, những lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười và khát vọng giải phóng của dân tộc Việt Nam.

Hồ Chí Minh khẳng định động lực chính của cách mạng là liên minh công nông, đó là nhân tố bảo đảm chắc chắn thắng lợi của cách mạng. “Cách mạng Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất...”9.

Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng và tiến bộ của cả dân tộc, hình thành Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, thực hiện thống nhất hành động, tạo ra sức mạnh của cả dân tộc để chống kẻ thù chung. Người Hồ coi trọng học tập kinh nghiệm của Liên Xô về phương pháp cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để lật đổ bạo lực phản cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Mười, cách mạng ở mỗi nước không chỉ có ý nghĩa dân tộc mà còn có ý nghĩa quốc tế. Việc đặt phương hướng tiến lên của cách mạng Việt Nam là đi lên xã hội chủ nghĩa, chứng tỏ cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, phong trào cách mạng Việt Nam có ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới và ngược lại.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm tổng kết, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười để vận dụng vào công cuộc kháng chiến và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười trong bài viết cho báo Pravda (Sự thật), Liên Xô: “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, Hồ Chí Minh đã nêu một cách có hệ thống những bài học của Cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa khác. Người đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu sắc  như thế”(10).

100 năm đã qua, những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn là nguồn sáng soi đường cho nhân dân ta giành những thắng lợi trên con đường tới mục tiêu cao cả là xây dựng một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS.TS Trương Minh Dục

Nguồn tài liệu tham khảo (cho các chú thích từ (1) - (10):
Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 2000;  Trường Chinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp vĩ đại, gương sáng đời đời, NXB Sự thật, H, 1990; Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, NXB. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010; Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB. Sự thật, H.1970; Trường Chinh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp vĩ đại, gương sáng đời đời, NXB Sự thật, H, 1990; Tuổi trẻ Chủ nhật, ngày 4-2-1990.

 

;
.
.
.
.
.