Những điểm nhấn văn hóa

.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - sự kiện ngoại giao lớn nhất trong vòng 10 năm qua ở nước ta do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng - đã vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết để khởi đầu tốt đẹp và hy vọng sẽ kết thúc hoàn hảo như mong đợi.

Sự kiện thường niên của các nền kinh tế APEC lần này chắc chắn đang tạo nên những điểm nhấn về kinh tế, đi đôi với những điểm nhấn về chính trị và ngoại giao. Bên cạnh đó, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng tạo nên những điểm nhấn về văn hóa, chính những điểm nhấn văn hóa ấy mới đủ sức đi cùng năm tháng và lưu lại dấu ấn dài lâu trong lòng cư dân bản địa.

Các tiết mục văn nghệ truyền thống được giới thiệu tại tiệc chiêu đãi các đoàn khách ​doanh nghiệp quốc tế dự hội nghị đối thoại kinh doanh 2017. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN
Các tiết mục văn nghệ truyền thống được giới thiệu tại tiệc chiêu đãi các đoàn khách ​doanh nghiệp quốc tế dự hội nghị đối thoại kinh doanh 2017. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN

Điểm nhấn đầu tiên liên quan đến nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật thứ bảy - điện ảnh. Trước hết là điểm nhấn về nghệ thuật điêu khắc thể hiện trong Vườn tượng APEC 2017 bên bờ sông Hàn vừa mới khai trương. Không hiểu sao làng Nại Hiên của tôi lại có nhiều cơ duyên với nghệ thuật điêu khắc, bởi nằm cách Vườn tượng APEC 2017 chỉ một con đường là Bảo tàng Điêu khắc Chăm có thể nói là độc nhất vô nhị đang sở hữu một bộ sưu tập tượng và phù điêu cổ không chỉ được sáng tạo từ thế giới nghệ thuật mà còn được sáng tạo từ thế giới thần linh, nói khác đi là đã hai lần thăng hoa so với cõi thực.

Và không hiểu sao làng nghề điêu khắc đá Non Nước cũng có nhiều cơ duyên với Vườn tượng APEC, bởi chính Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu - tác giả duy nhất của hơn 30 tượng đá trưng bày tại Vườn tượng APEC 2006 ngoài Hà Nội - đã được chọn là người tạc bức tượng Khởi nguyên của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương.

“Khởi nguyên” là tác phẩm đại diện cho Việt Nam góp mặt tại Vườn tượng APEC 2017 được Lê Lạng Lương lấy cảm hứng nghệ thuật từ sự hội tụ của nhiều khối cổ thụ nhằm thể hiện sức mạnh vô song của những kết nối lịch đại và đồng đại.

Còn nhớ nhà điêu khắc Chu Văn Tuyển - tác giả bức tượng Sức sống đại diện cho Việt Nam góp mặt tại Vườn tượng APEC 2015 ở thủ đô Philippines - cũng lấy cảm hứng nghệ thuật từ cây cối để khắc họa sự vươn lên mạnh mẽ của một mầm cây trong môi trường khắc nghiệt. Cũng nói thêm rằng do một số nước chưa kịp gửi tượng nên hai tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Long Bửu - bức tượng Niềm hạnh phúc được trao giải Bạc trong cuộc thi sáng tác điêu khắc quốc tế bằng chất liệu sáp ong tại Thái Lan năm 2002 và bức tượng Bố cục từng trưng bày ở Công viên quốc gia New Zealand  đã được chọn để có mặt tại vườn tượng dịp này.

Ngoài bức tượng đá Khởi nguyên của nhà điêu khắc Việt Nam Lê Lạng Lương vừa nêu, còn có bức tượng gỗ kết hợp kim loại mang tên Nơi gặp gỡ của nhà điêu khắc Australia William Stackhouse, hay bức tượng mang tên Liên kết của nhà điêu khắc Singapore Tan Wee Lit… cùng góp phần thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình chủ đề của Năm APEC 2017 - “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Thậm chí, nhà điêu khắc Hàn Quốc Lee Joon Heeis còn dùng ngay chủ đề này để đặt tên cho bức tượng của mình là Beginning: Creating new dynamism, fostering a shared future… Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đều kịp thời gửi tượng đến góp mặt tại Vườn tượng APEC 2017 với những thông điệp nghệ thuật thống nhất mà đa dạng.

Chẳng hạn, qua bức tượng Hào quang của lý trí được tạo thành từ những khối đá xếp chồng lên nhau, có nguồn gốc khai thác từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi, Canada, Na Uy, Australia, Hoa Kỳ, Brazil và cả Việt Nam, nhà điêu khắc Nhật Bản Kunutani Kota muốn chuyển tải thông điệp nghệ thuật của riêng mình: để kiến tạo nền hòa bình cho nhân loại, con người không thể thiếu sự nỗ lực bền bỉ giống như việc chồng xếp các khối đá trong bức tượng này.

Tiếp theo là điểm nhấn về nghệ thuật thứ bảy thể hiện qua Tuần phim APEC Việt Nam 2017 diễn ra trong nửa đầu tháng 10. Tham gia Tuần phim này có sự góp mặt của 11 phim đến từ các nền kinh tế thành viên APEC: phim tài liệu Tôi vẫn ở đây của đạo diễn Peru Javier Corcuera, phim tài liệu Kỳ quan ẩm thực Tsukiji của đạo diễn Nhật Bản Naotaro Endo, phim truyện Violeta đã lên thiên đường của đạo diễn Chile Andrés Wood, phim truyện Mặt trăng xanh của đạo diễn Đài Loan Kha Nhất Chính, phim truyện Những đứa con Trung Hoa của đạo diễn Trung Quốc Lu Chuan, phim truyện Cô thợ may - dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Rosalie Ham - của đạo diễn Australia Jocelyn Moorhouse, phim truyện Nokas của đạo diễn Indonesia Manuel Alberto Maia, phim truyện Thời đại của những người đầu tiên của đạo diễn Nga Dmitry Kiseliov, phim truyện Danh ca Paparotti của tôi của đạo diễn Hàn Quốc Yoon Jong-chan, phim truyện Jack trái tim đỏ của đạo diễn Hoa Kỳ Janet Grillo và phim truyện Mỹ nhân - dựa theo tiểu thuyết/kịch bản cùng tên của nhà văn Văn Lê - của đạo diễn Việt Nam Đinh Thái Thụy. Đối với nhiều khán giả - nhất là khán giả yêu văn chương Đà Nẵng, những nhân vật trong phim Mỹ nhân dễ gợi nhớ đến cuốn tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống của cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân.

Điểm nhấn văn hóa thứ hai của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là hình ảnh bộ đồng phục mang bản sắc của nước chủ nhà dành cho người đứng đầu các nền kinh tế thành viên APEC. Việc người đứng đầu các nền kinh tế thành viên APEC - không kể mạnh/yếu, giàu/nghèo cùng khoác một bộ trang phục giống nhau do nước chủ nhà lựa chọn và cung cấp để chụp ảnh trong một số hoạt động của Tuần lễ Cấp cao - nói lên tinh thần hợp tác bình đẳng của diễn đàn kinh tế này. Đây là một truyền thống văn hóa thú vị của APEC xuất phát từ sáng kiến của nước chủ nhà Hoa Kỳ, khi Tổng thống Bill Clinton trao cho mỗi người đứng đầu nền kinh tế thành viên APEC tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC lần đầu tiên tổ chức ở Washington năm 1993 một áo khoác da giống như trang phục mà phi công Mỹ thường mặc. Còn nhớ khi đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2006 ở Hà Nội, nước ta đã chọn bộ đồng phục áo dài cổ truyền may bằng lụa tơ tằm với họa tiết hoa sen do nhà tạo mẫu Minh Hạnh từng sống ở Đà Nẵng thiết kế. Lần này đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng, do APEC quy định không được lặp lại bất kỳ mẫu đồng phục từng mặc tại các Tuần lễ Cấp cao APEC trước đây nên nước ta không thể chọn mẫu áo dài cổ truyền rất ấn tượng như hồi 2006, mà phải chọn mẫu áo thân ngắn nhưng tay dài và xẻ lưng; với hai màu trắng ngà nguyên thủy của tơ tằm và màu xanh nước biển - màu của hòa bình; họa tiết trên áo cũng là hoa sen; nút cài áo được làm từ chất liệu quý, in biểu trưng APEC Việt Nam 2017.  

 Điểm nhấn văn hóa thứ ba của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc phục vụ Gala Dinner dự kiến tổ chức tối 10-11 tại khách sạn Sheraton Đà Nẵng nằm trên đường Trường Sa bên bờ Biển Đông.

Theo dự kiến, chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lần này gồm hai phần: phần đầu là các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo, đàn thập lục và một số nhạc cụ gõ khác; phần thứ hai trình diễn thời trang áo dài và những loại hình nghệ thuật đương đại làm nổi bật hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Sự xuất hiện đàn bầu trong chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Gala Dinner APEC 2017 trước một công chúng cực kỳ quan trọng như đại biểu cấp cao của 21 nền kinh tế là rất có ý nghĩa, không chỉ bởi trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu là loại đàn duy nhất phát ra âm bồi, dẫu có một dây/không có phím bấm nhưng có thể chơi được mọi cao độ và có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung nhấn/luyến láy, mà còn và chủ yếu là nhằm tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với đàn bầu, khẳng định đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ XIX.

Điểm nhấn văn hóa này sẽ là gợi ý hay cho Đà Nẵng khi đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất vào đầu tháng 7 năm 2018 sắp đến. Còn nhớ tại Gala Dinner APEC 2006, Tổng thống Mỹ George Walker Bush đã rất thích thú khi tự mình trải nghiệm với cây đàn bầu Việt. Ngoài ra, tiết mục trình diễn thời trang áo dài đầy nữ tính, giàu bản sắc dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tâm hồn phụ nữ Việt Nam cũng sẽ góp phần quảng bá thương hiệu nước ta và nhìn từ góc độ nào đó, là sự bù đắp cảm giác hụt hẫng về tâm lý có thể có khi thấy áo dài cổ truyền không được trở thành đồng phục của lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế…

Cuối cùng không thể không nhắc tới một điểm nhấn văn hóa liên quan đến cả cộng đồng cư dân bản địa: Thương hiệu Nụ cười Đà Nẵng. Để hoàn thành trách nhiệm của thành phố chủ nhà thay mặt cả nước và cùng cả nước đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng không thể “một mình một ngựa” mà rất cần sự chung tay góp sức của Trung ương và các thành phố cùng đăng cai tổ chức những sự kiện quan trọng của Năm APEC 2017.

Tuy nhiên trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, không ai có thể thay người Đà Nẵng bày tỏ lòng hiếu khách, nhất là không ai có thể thay người Đà Nẵng nở nụ cười thân thiện khẳng định Thương hiệu nụ cười. Không phải ngẫu nhiên mà trung tuần tháng 9 vừa qua, thành phố bên sông Hàn chính thức phát động chiến dịch Nụ cười Đà Nẵng với khẩu hiệu “Chung tay vì một Đà Nẵng ngày càng văn minh, thân thiện và mến khách”.

Có điều để thiên hạ cảm nhận được thương hiệu nụ cười như một đẳng cấp văn hóa thực sự, người Đà Nẵng vẫn không ngừng ý thức rằng mọi thứ chỉ mới bắt đầu, vẫn không ngừng ý thức rằng trong mắt của hơn một vạn khách thập phương tinh tế và lịch lãm là đại biểu tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, những nụ cười mà các chủ thể trong chiến dịch Nụ cười Đà Nẵng nhiệt tình thậm chí hào phóng dành cho họ, dẫu có văn hóa và chuyên nghiệp đến mấy cũng chỉ đủ sức chứng tỏ nơi đây đang và sẽ có nhiều nụ cười hiếu khách, còn nụ cười có văn hóa tương tự mà người bản địa luôn dành cho nhau mới đủ khả năng khẳng định nơi đây đã có Thương hiệu nụ cười...

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.