Xã hội hóa dịch vụ môi trường

.

Sau một năm triển khai xã hội hóa dịch vụ môi trường theo định hướng của thành phố, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã phát huy được tính tự chủ, chủ động nguồn vốn để nâng cao chất lượng phục vụ.

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đầu tư mua sắm các loại xe chuyên dụng để nâng cao chất lượng phục vụ.
Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đầu tư mua sắm các loại xe chuyên dụng để nâng cao chất lượng phục vụ.

Theo ông Đặng Đức Vũ, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty, để nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường, sau khi cổ phần hóa, đơn vị đã đầu tư mua sắm thêm 400 thùng rác 660 lít và 3.500 thùng rác 240 lít để thay thế thùng rác cũ được mua từ năm 2012 về trước. Cùng với đó, đơn vị mua sắm 8 xe ép rác chuyên dụng loại 9m3 và tiến hành thủ tục mua thêm 4 xe nữa. Để dễ dàng thu gom rác trong kiệt, hẻm có bề rộng từ 3-5m, đơn vị mua 4 xe tải loại dưới 1 tấn và 15 xe ba gác điện.

Việc xử lý rác thải cũng được công ty chú trọng đầu tư. Đầu năm 2016, đơn vị đầu tư 3,9 tỷ đồng cho việc phủ bạt toàn bộ hộc rác số 1 và số 2 tại bãi rác Khánh Sơn để không cho nước mưa xâm nhập và không cho phát tán mùi hôi ra môi trường; dành kinh phí 2,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống tổ kén xử lý rác nguy hại giai đoạn 1. Cuối năm 2016, công ty tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý bể phốt mới tiếp nhận khối lượng bể phốt hàng ngày lên đến 80m3 nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm ra khu dân cư xung quanh bãi rác.

Về xã hội hóa dịch vụ môi trường, còn có sự tham gia của các cơ sở dịch vụ vệ sinh tư nhân, trong đó “thâm niên” nhất có lẽ là Công ty TNHH MTV Vệ sinh môi trường Hiệp Lợi, văn phòng đóng tại 96 Hoàng Văn Thụ, Đà Nẵng. Tiền thân của công ty là Cơ sở dịch vụ vệ sinh tư nhân Hiệp Lợi, hoạt động từ năm 1980 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Giám đốc công ty, ông Phạm Văn Phương, cho biết, từ cơ sở nhỏ lẻ mới ra đời, sau khi hội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đơn vị đã nâng cấp lên công ty TNHH, khách hàng là các cá nhân, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số vùng lân cận thuộc tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Phương, sau khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, công ty cử kỹ thuật đến khảo sát, tư vấn và xác định chất thải thuộc loại nguy hại hay không thông qua việc yêu cầu khách hàng cung cấp văn bản giấy tờ chứng minh (nếu là cơ sở kinh doanh dịch vụ). Sau khi phân định, nếu xác định chất thải là chất thải nguy hại thì không thực hiện, nếu là chất thải thông thường thì kỹ thuật tiến hành xem xét tình trạng của hầm vệ sinh và xử lý các công đoạn hút chất thải.

Việc xã hội hóa công tác môi trường ở Đà Nẵng đã triển khai từ năm 2006. Từ thời điểm này, Nhà nước hoàn toàn không chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải từ nguồn phát sinh (nhà dân, doanh nghiệp, cơ quan, trường học, chợ...) mà Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu tiền từ người xả thải để chi trả cho toàn bộ công tác này. Số liệu thống kê của công ty cho thấy việc xã hội hóa này đã tiết kiệm cho ngân sách bình quân mỗi năm khoảng 60 tỷ đồng, chưa kể mỗi năm công ty nộp ngân sách từ 5 - 7 tỷ đồng.

Theo ông Vũ, về vấn đề xã hội hóa, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đang nỗ lực đạt được các mục tiêu cơ bản như: huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội nhưng không để lãng phí nguồn lực do đầu tư tràn lan, phân tán, không phát huy hết hiệu quả nguồn đầu tư. Cùng với đó, xã hội hóa cần phải có sự quản lý và định hướng của Nhà nước để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Muốn như vậy, Nhà nước phải ban hành các tiêu chí bắt buộc đối với các nhà đầu tư (quy mô về vốn, về công nghệ, về tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, về quản trị, về chính sách tiền lương và các chế độ khác cho người công nhân lao động...).

“Suy cho cùng, dù là ai đầu tư thì đó cũng là nguồn lực xã hội, nhưng đầu tư cho môi trường thì phải lấy lợi ích môi trường làm hàng đầu. Vấn đề này sẽ làm phát sinh mâu thuẫn nếu nhà đầu tư chỉ chăm vào mục tiêu lợi nhuận”, ông Vũ khẳng định.

Ngay sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã từng bước đạt được những kết quả khả quan. So cùng kỳ năm trước, năm 2016 doanh thu đơn vị tăng 7,1% (dự kiến năm 2017 tăng 7%); lợi nhuận tăng 89% (dự kiến năm 2017 tăng 10%); lương cán bộ, nhân viên lao động tăng bình quân 15,2%, từ 4,6 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng (dự kiến năm 2017 tăng 7,5%).

(Nguồn: Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.