Ấm áp mùa đông

.

Giữa cuộc sống bon chen và hối hả, đôi khi xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp giàu lòng nhân ái khiến ta tin rằng tình người vẫn luôn hiện hữu chung quanh. Chính họ đã sưởi ấm và thắp lên niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn vững vàng bước tiếp giữa mùa đông giá lạnh.

 Điểm trường Ông Phụng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Điểm trường Ông Phụng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Vùng cao mùa đông, hơi lạnh theo những cơn gió lùa vào lớp học. Các điểm trường với những mái lều tạm bợ vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với các em học sinh và thầy cô miền núi, nhất là ảnh hưởng từ những cơn bão lũ quét vừa qua càng làm cho các xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) thêm heo hút và lạnh lẽo.

Sưởi ấm vùng cao

Mùa đông gió núi. Những ngôi nhà hở bốn bề, lạnh buốt thịt da. Hình ảnh những đứa trẻ chân đất, tím môi... luôn ám ảnh các thành viên nhóm Thiện nguyện “Bạn Thương nhau” ở Đà Nẵng. Chính vì vậy, trong năm nay nhóm tập trung xây dựng kiên cố hóa các điểm trường lẻ ở miền núi, cụ thể là điểm trường Ông Deo, Ông Phụng, Ông Bình ở xã Trà Dơn, điểm trường Khe Chữ ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My.

Nhóm còn tiếp tục thực hiện Chương trình bếp ăn miền Trung với 7 điểm trường nhằm giúp cho bữa ăn của các em học sinh miền núi có chất hơn, trong đó có 4 điểm trường ở huyện Tây Trà, Quảng Ngãi và 3 điểm trường ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Chương trình tủ sách vùng cao cũng quyên góp được nhiều sách vở cho các em vùng sâu vùng xa có điều kiện học hành. Hầu hết các điểm trường này đều nằm sâu trong núi, phải đi bộ từ 1-3 tiếng mới tới nơi.

Hơn 7 năm hoạt động, nhóm thiện nguyện “Bạn Thương nhau” đã có mối liên hệ mật thiết với các trường khó khăn ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum. Qua thông tin các thầy cô gửi về, nhóm lọc lại danh sách và chọn ra những điểm trường khó khăn nhất để giúp đỡ.

Sau khi đứng ra kêu gọi sự đóng góp của bạn bè và các nhà hảo tâm trên mạng xã hội, nhóm thường xuyên cập nhật nguồn quỹ và chương trình hoạt động cụ thể nhằm công khai việc chi tiêu trong suốt thời gian triển khai. Từ đó, xây dựng niềm tin đối với các nhà hảo tâm đã ủng hộ.

Chia sẻ về khó khăn vùng cao, các thành viên của nhóm Thiện nguyện cho biết, hiện nay, cứ 100 em học sinh đi học thì chỉ có khoảng 1-2 em có điều kiện học hết THPT. Bên cạnh đó, các thầy cô ở miền núi là những tấm gương sáng ngời. Dù tuổi đời còn rất trẻ, lại sống trong điều kiện thiếu thốn như không có điện và sóng điện thoại, nhưng họ vẫn âm thầm hy sinh tuổi xuân của mình cho sự nghiệp trồng người.

Đến vùng cao, ngồi với thầy cô giữa đêm tối quạnh quẽ, thấm thía cái lạnh cắt da cắt thịt đến mức không ngủ được và nghe các thầy cô chia sẻ, họ cảm nhận thật rõ cuộc sống ở đây còn thiếu thốn đủ bề. Những người trẻ nơi ấy vẫn đang âm thầm hy sinh rất nhiều vì hành trình gieo chữ cho trẻ em vùng cao.

Mỗi điểm trường từ khi triển khai xây dựng đến khi hoàn thành kéo dài trong nhiều tháng. Trong quá trình thực hiện, nhóm phối hợp với nhà trường và chính quyền địa phương vận động bà con vận chuyển nguyên vật liệu. Do địa bàn xa xôi hẻo lánh, có những điểm trường phải leo bộ qua 2-3 ngọn núi, người dân phải mất 3 tháng mới vận chuyển hết 170 tấn vật liệu xi-măng, cốt, thép.

Đối với trường làm bằng gỗ thì kinh phí khoảng 170-200 triệu đồng, còn trường xây xi-măng thì mất khoảng 400-500 triệu đồng. Hiện 4 điểm trường đưa vào chương trình triển khai trong năm nay đã được nhóm tiến hành thực hiện từ tháng 4-2017. Trong quá trình chờ hoàn thiện, các thầy cô mượn tạm nhà dân để dạy học hoặc xây chòi học tạm trên một khu đất mới.

Ròng rã 3 tháng qua, bà con đã vận chuyển vật liệu trên những con dốc dựng đứng, trong những cơn mưa rừng gió núi lạnh căm. Đi bộ leo núi tầm 3 tiếng mới tới điểm trường này. Và cuối cùng, hôm 11-12, các bạn nhỏ trên rẻo cao heo hút ấy đã có nơi học hành đàng hoàng, tươm tất sau khi khánh thành điểm trường Ông Phụng.

Trường có 2 phòng học dành cho học sinh tiểu học, 1 phòng cho học sinh mầm non, 1 phòng cho thầy cô và một khu bếp… với tổng diện tích hơn 120m2. Ngôi trường được lợp tôn, dưới lát gạch men, vách bằng gỗ.

Dù đơn sơ là vậy nhưng mà công sức bỏ ra rất vất vả. Đây là một trong 2 điểm trường cực kỳ gian truân mà nhóm khảo sát từ tháng 4-2017. Nhân dịp này, nhóm thiện nguyện đã trao áo ấm, áo mưa, mũ len, khăn len, vở, bút chì, màu tô, bánh kẹo, cặp sách cho các em học sinh và thầy cô.

Cùng với điểm trường Ông Phụng, hiện điểm trường Khe Chữ cũng đã hoàn thành xong giai đoạn 1, trong đó có cả phòng nội trú. “Khe Chữ vẫn đang từng bước dựng lại ngôi làng mới, người dân vẫn chưa hết kinh hoàng sau vụ lở đất vừa qua.

Hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến để bà con sớm an cư lạc nghiệp. Dự kiến, trong 4 tháng tới, khoảng 60 bạn nhỏ sẽ được học chữ ở đây và tiếp tục được các thầy cô chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Sau khi bà con ổn định cuộc sống, nhóm sẽ tiếp tục lên kế hoạch triển khai xây trường kiên cố hơn cho các em nếu được huyện đồng ý”, anh Nguyễn Bình Nam, Trưởng nhóm thiện nguyện “Bạn Thương nhau” chia sẻ.

 Các thành viên nhóm thiện nguyện “Bạn Thương nhau” cùng các em học sinh miền núi trong một buổi chia sẻ mũ, khăn và áo ấm.  (Ảnh  do nhân vật cung cấp)
Các thành viên nhóm thiện nguyện “Bạn Thương nhau” cùng các em học sinh miền núi trong một buổi chia sẻ mũ, khăn và áo ấm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thắp lên niềm hy vọng

Để thắp lên niềm tin và xua tan bớt bệnh tật, chị Nguyễn Thúy Hồng Mỹ Lệ Dung, Trưởng nhóm Thiện nguyện Hoa Ưu Đàm cũng cho biết, sắp tới nhóm Hoa Ưu Đàm sẽ cùng với các nhóm thiện nguyện khác phối hợp với Công đoàn Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tổ chức chương trình văn nghệ và trao quà cho các bệnh nhân.

Chương trình mong muốn đem lại chút không khí xuân yêu thương nhân dịp Tết dương lịch cho người bệnh. Trước đó, nhóm cũng đã đến trao quà và chia sẻ với 30 cụ già tại 4 xã của huyện Duy Xuyên. Hầu hết, các cụ đều có hoàn cảnh neo đơn, già yếu; có nhiều cụ bị tâm thần, mắt mù và không có người thân chăm sóc.

“Mỗi cuộc đời đều cho ta niềm yêu thương nhưng hạnh phúc nhất trong chuyến đi vừa qua là chúng tôi đã kết nối với Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức để đưa cụ Miên đến an dưỡng. Hiện cụ Miên đang bị tâm thần, đau chân, không đi lại được và sống một mình. Vì vậy, khi đưa cụ về ở trung tâm, mọi người rất yên tâm, giúp cụ có những ngày cuối đời được sống bình an”, chị Dung xúc động nói.

Nhóm Hoa Ưu Đàm, Câu lạc bộ (CLB) Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Hương Lam, ACE Thiện nguyện Đà Nẵng cũng đã kết hợp cùng Bệnh viện Mắt Đà Nẵng giúp các em nhỏ bị khuyết tật về mắt có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại để tìm lại ánh sáng và hòa nhập cộng đồng.

Trong chương trình này, các em dưới 18 tuổi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh mắt như mắt lồi, mắt lé, sụp mí mắt, đục thủy tinh thể ở các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình sẽ được khám sàng lọc và phẫu thuật mắt miễn phí từ ngày 25-12-2017 đến ngày 30-4-2018 tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.

“Khi đến bệnh viện khám, nếu gia đình các em có hoàn cảnh quá khó khăn thì sẽ được hỗ trợ tiền tàu xe, còn nếu mổ mắt thì sẽ được hỗ trợ nơi ăn chốn ở. Nguồn kinh phí được trích từ quỹ từ thiện quyên góp được trong đêm nhạc “Sưởi ấm tim em” tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương đầu tháng 10 vừa qua”, chị Dung cho biết thêm.

Cũng trong dịp đón Noel và Tết dương lịch này, CLB Áo ấm biên cương phối hợp cùng Huyện Đoàn Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), CLB Thanh niên khỏe Đà Nẵng và Khoa Du lịch (Trường Đại học Duy Tân) tổ chức đêm nhạc “Mùa xuân cho em” tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng để kêu gọi gây quỹ xây dựng điểm trường Nóc Tắc Lăng ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. 

Cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là các nhóm thiện nguyện, hy vọng mùa Đông này, các trẻ em vùng cao, cụ gia neo đơn và bệnh nhân hiểm nghèo sẽ bớt khó khăn vất vả và vơi đi nỗi đau bệnh tật để đón xuân vui vẻ, an lành.

Kết thúc bài viết này, xin được nhắc lại lời chia sẻ đầy xúc động của một thành viên nhóm thiện nguyện “Bạn thương nhau” như một lời chúc gửi đến các trẻ em vùng cao trong năm mới: “Dù trời rất lạnh... Nhưng thấy ấm lòng đến lạ và có niềm tin lớn ở những nghĩa cử cao đẹp của các nhà hảo tâm và những người gieo chữ vùng cao, nhất là với Khe Chữ còn bộn bề gian khó. Mong thầy, cô luôn vững niềm tin, giữ lòng yêu nghề, yêu trẻ, khắc phục khó khăn, đồng hành cùng các con trong hành trình kiếm tìm con chữ, chiếm lĩnh tri thức”.

Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.