Việc Đà Nẵng lấy đôi bờ sông Hàn làm trục hoạt động lễ hội, nghệ thuật để tạo điểm nhấn du lịch, văn hóa cho người dân, khách du lịch đã được thực hiện từ mấy năm nay. Trong bầu không khí mới đó có cả nỗ lực đưa tuồng xuống phố, hòa nhịp bài chòi và gầy dựng không gian văn hóa cộng đồng, vũ hội đường phố…
Vũ hội đường phố khuấy động bờ sông Hàn. (Ảnh do Trung tâm Văn hóa thành phố cung cấp) |
Gầy dựng không gian văn hóa nghệ thuật
Không có gì lạ về một con sông chảy giữa lòng thành phố bởi chúng ta có thể bắt gặp điều đó ở nhiều địa phương khác. Nhưng với sông Hàn thì khác. Người Đà Nẵng luôn tự hào về dòng sông và không ít lần trăn trở, đau đáu về nó.
Chuyện quy hoạch hai bờ sông Hàn, không chỉ dừng lại ở cơ sở hạ tầng đô thị, dừng lại ở đường sá, những cây cầu bắc qua sông, mà còn mong muốn điểm trang bờ sông thật lộng lẫy bằng lễ hội và các sự kiện văn hóa, giải trí.
Từ năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay tách thành Sở Văn hóa – Thể thao và Sở Du lịch) đưa ra đề án xây dựng trục văn hóa, sự kiện dọc bờ sông Hàn. Theo đó, bắt đầu từ năm 2016, các hoạt động văn hóa, lễ hội như Âm nhạc đường phố, biểu diễn rồng phun nước, phun lửa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thí điểm biểu diễn nhạc hơi, trò chơi vận động… sẽ được tổ chức định kỳ vào các ngày cuối tuần, trên đường Bạch Đằng ở bờ tây (từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm đến giáp đường Đống Đa - Như Nguyệt) và đường Trần Hưng Đạo ở bờ đông (từ cầu Rồng đến khu vực sân khấu thi trình diễn pháo hoa quốc tế).
Từ đó đến nay, các hoạt động trên được duy trì thường xuyên và đều đặn. Những đêm cuối tuần rộn ràng, đông vui hơn với sân khấu bài chòi, biểu diễn “Âm nhạc đường phố”, nghệ thuật tuồng truyền thống, biểu diễn kèn hơi, khu vực sân khấu đa năng để tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu ca múa nhạc, tạp kỹ…
Chưa kể vào dịp lễ, Tết, chào mừng sự kiện lớn diễn ra tại thành phố này, còn có cả không gian văn hóa cộng đồng, vũ điệu đường phố rộn ràng, sôi động. Nói đến Đà Nẵng bây giờ, rất dễ nhận ra một điều, cùng với Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo đã trở thành địa điểm tổ chức thường xuyên những hoạt động lễ hội, văn hóa, giải trí của người dân Đà Nẵng.
Thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết, chỉ trong năm 2017 đã có gần 50 hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra hai bên bờ sông Hàn, thu hút người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ với cộng đồng, thiếu tính tương tác dẫn đến lượng khách tham gia ngày càng thưa vắng…
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có cách thể hiện mới, với kịch bản hiện đại, thì các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam có nguy cơ “chết yểu”. Đó là lý do vì sao nghệ thuật tuồng truyền thống cứ dần bị lãng quên giữa nhịp sống đô thị. Hạn chế này được nhìn thấy, nhưng làm thế nào để cứu vãn vẫn là một câu chuyện dài.
Suốt một thời gian dài, sân khấu tuồng ở Đà Nẵng bị tách biệt với khán giả bên ngoài nhà hát, chủ yếu phục vụ cho những hội diễn nghệ thuật truyền thống, hoạt động theo đơn đặt hàng của chính quyền, các công ty du lịch, lữ hành.
Nghệ sĩ tuồng Trần Đình Sanh từng nói, nghệ thuật tuồng là hệ thống ngôn ngữ bác học. Nếu người xem không hiểu điển tích, không biết gì về ngôn ngữ hình thể của tuồng, thì rất khó cảm nhận. Chưa kể, cách “hát” tuồng cũng lạ với hầu hết giới trẻ, các em sẵn sàng nghe một bài nhạc trẻ còn hơn nghe một đoạn tuồng. Chẳng ai có thể can thiệp vào thị hiếu âm nhạc, nghệ thuật của một con người. Vậy, điều cần làm nhất chỉ có thể là tăng cường giới thiệu và “cách tân” nó sao cho phù hợp.
Từ năm 2015, với nỗ lực gầy dựng không gian văn hóa bên sông, kết hợp quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật truyền thống xứ Quảng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh bắt đầu tổ chức biểu diễn tại sân khấu ngoài trời ở công viên phía đông cầu Rồng và cầu Sông Hàn, định kỳ tối chủ nhật 2 tuần mỗi tháng.
Cũng trang phục rực rỡ, cũng mặt nạ ấn tượng, cũng những vở diễn đạt giải thưởng cao tại các hội diễn nghệ thuật toàn quốc, nhưng dường như ai cũng nhận ra rằng, khách đến với sân khấu này chủ yếu vì tò mò hơn vì thích. Đó cũng chính là lý do khiến sân khấu tuồng bên sông Hàn sôi động thời gian đầu rồi thưa vắng khách về sau.
Cần hướng đến chất lượng
Nói thế không phải phủ nhận hết những tâm sức mà Đà Nẵng đang cố gắng nhằm tạo nên một không gian văn hóa, giải trí độc đáo ở đôi bờ sông Hàn. Nếu ai đã một lần hòa mình vào không khí rộn ràng, vui tươi, đầy màu sắc, đầy giai điệu của “Vũ hội đường phố”, kéo dài từ 20 giờ đến 21 giờ 30 phút trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ Lý Nam Đế đến Triệu Việt Vương (phường An Hải Tây), hẳn sẽ không thể nào quên. Hoạt động là sự hòa quyện giữa màu sắc, hình thể khi quyến rũ, khi mạnh mẽ của những vũ công, cặp đôi khiêu vũ theo các điệu pasodop, rumba, chachacha, tango, disco, salsa; là màn trình diễn sôi động, cuốn hút của những nghệ sĩ kèn hơi, CLB khiêu vũ Mây xanh, Vũ đoàn Nhật Huy…
Ông Trần Xuân Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng mong muốn cùng với thời gian, trục văn hóa hai bên bờ sông Hàn sẽ ngày một khởi sắc. Các hoạt động nghệ thuật sẽ được đầu tư bài bản hơn về nội dung và hình thức nhưng phong cách thể hiện thiên về ngẫu hứng của nghệ sĩ, gần gũi và tương tác tốt hơn với khán giả.
Hơn 2 năm qua, bức tranh về đêm hai bên bờ sông Hàn đã rực rỡ hơn trước nhờ các hoạt động như biểu diễn nhạc hơi (kèn đồng) và trống, nghệ thuật tuồng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa Chăm, hát hò khoan đối đáp, vũ hội đường phố (diễu hành đi bộ, biểu diễn kèn hơn kết hợp nhảy, khiêu vũ), không gian nghệ thuật đường phố gồm biểu diễn yoyo, beatbox, cầu thủy tinh, ảo thuật.
Ngoài ra, giới trẻ còn có thể trực tiếp tham gia vào “Sân chơi cuối tuần” do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức, vào các trò chơi, các cuộc thi vận động, nghệ thuật đường phố như dân vũ, khiêu vũ, nhảy hiphop… Tuy nhiên, các hoạt động này cũng chỉ giới hạn vào các tối thứ 7, chủ nhật, xen kẽ trong tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu du khách đặt chân đến Đà Nẵng vào những ngày khác trong tuần, thì không thể tiếp cận những hoạt động nêu trên.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để xây dựng được không gian văn hóa đặc sắc, thu hút hơn. Theo ông, số lượng cũng quan trọng nhưng không có “sức nặng” bằng chất lượng thể hiện trong mỗi sản phẩm nghệ thuật. Thời gian tới, ngành văn hóa cần khai thác thêm bề mặt sông Hàn.
“Các sản phẩm vườn tượng, âm nhạc đường phố, không gian nghệ thuật… cần nâng cao chất lượng hơn nữa, tạo sự khác biệt, ấn tượng bằng cách trình bày theo chủ đề, nhóm tác giả. Chưa kể, đôi bờ sông Hàn là không gian văn hóa mở, nên cần tạo sự gần gũi để mỗi người dân khi đến đó đều được hưởng thụ, vừa trải nghiệm, vừa tương tác trực tiếp trong chính không gian đó”, ông An nói.
Những hạn chế trên, kỳ vọng sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực trong năm 2018, khi Sở Văn hóa – Thể thao đang thể hiện quyết tâm của mình bằng việc đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, bổ sung theo hướng đa dạng nội dung, chú trọng chất lượng để cùng hướng đến những hoạt động tạo tính tương tác với cộng đồng, tăng cường kêu gọi xã hội hóa...
Tiểu Yến