Điểm tựa của người lao động

.

Nhiều năm nay, “Quỹ hoạt động xã hội Công đoàn” (trước đây gọi là quỹ “Mái ấm Công đoàn”) do Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố triển khai đã giúp công nhân, viên chức, người lao động (CNVCNLĐ) nghèo được hỗ trợ kịp thời để vượt qua khó khăn.

Đầu tháng 6 năm nay, LĐLĐ thành phố tiếp tục ra mắt Quỹ trợ vốn CNVCNLĐ nghèo với nguồn vốn ban đầu 10 tỷ đồng. Từ nay, NLĐ nghèo trên địa bàn thành phố có thêm một điểm tựa.

Bà Thục Anh (ngoài cùng bên phải) trực tiếp xuống các điểm phát vay để hỗ trợ thủ tục cho người lao động. (Ảnh do LĐLĐ  thành phố cung cấp)
Bà Thục Anh (ngoài cùng bên phải) trực tiếp xuống các điểm phát vay để hỗ trợ thủ tục cho người lao động. (Ảnh do LĐLĐ thành phố cung cấp)

Hạnh phúc hiện hữu dưới những mái nhà

Chị Lê Thị Kim Ánh (trú tổ 1, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng khi được ở trong căn nhà mới. Gần 5 năm cưới nhau, vợ chồng và 2 đứa con chị sống cùng gia đình nhà ngoại.

Từ khi được mẹ ruột cho mảnh đất phía sau nhà, vợ chồng chị lên kế hoạch dành dụm để sớm có được một mái nhà riêng. May mắn là trong năm 2017, chị được xét duyệt hỗ trợ 30 triệu đồng từ chương trình Mái ấm Công đoàn (cùng với 50 đoàn viên Công đoàn trên khắp thành phố).

Anh chị mạnh dạn vay mượn thêm từ bạn bè, người thân để làm nhà. Tháng 5 năm 2017, căn nhà cấp 4 có gác lửng được hoàn thiện. “Từ khi có nhà riêng, tôi thêm yêu công việc bếp núc, thích trồng vài ba chậu hoa nhỏ nhỏ. Đi đường, thấy cái gì đẹp đẹp, xinh xinh là tôi mua về để trang trí cho căn nhà. Chẳng ngờ giấc mơ mà ai cũng phấn đấu cả đời lại đến sớm với chúng tôi như vậy. Quả thực, cảm giác được sống trong căn nhà của riêng mình hạnh phúc không gì tả nổi”, chị Ánh chia sẻ.

Quỹ “Hoạt động xã hội Công đoàn” được hoạt động theo hình thức: số tiền đóng Công đoàn phí được gửi 60% lên LĐLĐ thành phố và 40% để lại LĐLĐ quận/huyện. Từ đó, mỗi quận, huyện lại có cách làm riêng để hỗ trợ cho NLĐ tại địa phương mình.

Đơn cử như tại quận Ngũ Hành Sơn, LĐLĐ quận đã phối hợp với UBND quận hỗ trợ NLĐ khó khăn nhân dịp Tết, Tháng Công nhân (tháng 5), hoặc dịp thành  lập Công đoàn Việt Nam (28-7), dịp 20-11 hằng năm, hỗ trợ đột xuất đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn (mỗi suất quà thường từ 500.000 - 1 triệu đồng). Trong năm 2017, LĐLĐ quận đã đề nghị LĐLĐ thành phố xây mới 2 nhà Mái ấm Công đoàn.

Trong đó có cô Lê Thị Hưởng-giáo viên Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, chồng mất vì tai biến, nuôi 2 con nhỏ đang đi học, bản thân bị khuyết tật ở chân. Trước khi được xây mới, nhà cô Hưởng đã xuống cấp trầm trọng, thấp trũng dưới mặt đường. Mỗi mùa mưa đến là ngập dai dẳng.

“Mấy chục năm trời sống trong cảnh cứ đến mùa mưa là cả nhà thay nhau tát nước, nay nhà được đắp nền cao hơn, trần nhà đổ bê-tông kiên cố, tôi mừng lắm. Tết này, mấy mẹ con đã được an yên trong ngôi nhà mới rồi. Tôi rất trân trọng tấm lòng của tất cả những người dành sự quan tâm cho mấy mẹ con tôi”, cô Hưởng bộc bạch.

Ông Cù Đình Thi, Phó ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ thành phố cho rằng, hoạt động của Quỹ “Hoạt động xã hội Công đoàn” và chương trình nhà ở Mái ấm Công đoàn trong những năm qua được các cấp Công đoàn và nhiều NLĐ quan tâm, hưởng ứng, đã thực sự chia sẻ, thể hiện tình tương thân tương ái giữa NLĐ với nhau.

Từ năm 2012-2017, LĐLĐ thành phố hỗ trợ xây dựng và sửa chữa mới 266 ngôi nhà, vượt so với chỉ tiêu 16 nhà. Tuy vậy, số lượng đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở ngày càng nhiều, nguồn huy động đóng góp hạn chế nên đối tượng được thụ hưởng từ quỹ này chưa nhiều.

Thêm điểm tựa để vươn lên

Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, chị Đinh Thị Thu Lan (nhân viên Công ty TNHH Đinh Gia Việt Nam) đang sửa soạn, bày biện đồ đạc. Chị Lan là 1 trong 5 nhân viên của công ty vừa được vay vốn từ Quỹ trợ vốn CNVCNLĐ nghèo của LĐLĐ thành phố với mức vay 30 triệu đồng. Với số tiền ấy, chị sơn lại toàn bộ ngôi nhà, sửa chữa vài hạng mục, sắm sửa được một số vật dụng nhà bếp.

“Khi nghe Công đoàn cơ quan thông báo, đoàn viên Công đoàn được vay tối đa 30 triệu đồng, lãi suất 0,55%, tôi mừng lắm. Lúc đó, tôi đang cần tiền để sửa nhà. Nếu vay qua tín chấp lương thì lãi suất trên 10%/năm. Với thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, tôi không thể nào kham nổi mức lãi đó. Vay từ quỹ này, tôi chỉ trả 1,7 triệu/tháng, trừ thẳng qua lương. Chúng tôi rất phấn khởi nên gọi quỹ này là quỹ “tình nghĩa Công đoàn”, chị Lan chia sẻ.

Quỹ trợ vốn CNVCNLĐ nghèo ra mắt vào tháng 6-2017. Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố đã cho vay 34 dự án với tổng số tiền 2,56 tỷ đồng, 550 hộ gia đình được vay với mức từ 10-20 triệu đồng; tạo việc làm cho 674 lao động, trong đó tạo việc làm mới 389 lao động, góp phần cải thiện đời sống NLĐ.

Từ nguồn vốn ủy thác của UBND thành phố, LĐLĐ đã ủy quyền cho Công đoàn Viên chức triển khai cho gần 700 cán bộ, công chức có hoàn cảnh khó khăn vay với số tiền gần 30 tỷ đồng... Tuy nhiên, số tiền này chỉ như “muối bỏ biển” khi nhu cầu vay vốn sửa nhà, xây nhà, tự sản xuất kinh doanh cải thiện đời sống của NLĐ quá cao.

Việc cho ra đời một mô hình hoạt động không vì lợi nhuận, tuân thủ quy định của pháp luật đã mở ra cho CNVCLĐ nghèo thành phố nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống mới. Bà Phan Thị Thục Anh, Giám đốc Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến tháng 11-2017, quỹ đã giải ngân được 11,455 tỷ đồng (trong đó 1,455 tỷ là vốn quay vòng).

Trong khi nhu cầu của CNVCNLĐ nghèo rất cao thì hiện tại quỹ đã hết. Hiện tại, số hồ sơ gửi lên LĐLĐ thành phố cần khoảng 2 tỷ đồng, trong khi mỗi tuần LĐLĐ chỉ có thể giải ngân 200 triệu đồng. “Vì số lượng hồ sơ quá nhiều nên chúng tôi phải giải quyết theo thứ tự ưu tiên.

Đầu tiên là công nhân thuộc khối doanh nghiệp, sau đó đến khối trường học và hành chính sự nghiệp, rồi mới đến cán bộ công chức. Với tình hình này, chắc chắn sang năm, chúng tôi sẽ xin hoặc vận động nguồn hỗ trợ thêm. Bằng mọi cách phải duy trì và phát triển quỹ nhằm tạo thêm một kênh hỗ trợ cho NLĐ nghèo vay vốn, tự tạo việc làm, tăng thu nhập mang “thương hiệu” Công đoàn”, bà Anh nói.

Quỹ “hoạt động xã hội Công đoàn” được thành lập năm 2008. Các năm trước, LĐLĐ vận động CBCNVC đóng góp vào quỹ (ban đầu là 20.000 đồng/năm, sau lên 30.000 đồng/năm và hiện tại là ½ ngày lương/năm). Mục đích hoạt động của quỹ là để trợ cấp khó khăn đột xuất cho CBCNVC, NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, đau ốm dài ngày, tai nạn lao động…

Đặc biệt, một phần lớn của quỹ dành để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho NLĐ với chương trình mang tên Mái ấm Công đoàn (trong đó, xây mới được hỗ trợ 30 triệu đồng và sửa chữa là 15 triệu đồng). Mỗi năm, chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 50 mái ấm. Từ chương trình này, giấc mơ của NLĐ nghèo đã hóa thành những hạnh phúc hiện hữu dưới những mái nhà.

Theo thống kê của các ngành chức năng và của Công đoàn, hiện nay toàn thành phố có 17.598 doanh nghiệp và gần 560 cơ quan, với đội ngũ CNVCLĐ toàn thành phố trên 315.000 người. Trong đó cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ thành phố là 1.563 đơn vị với trên 120.433 đoàn viên.

Toàn thành phố có khoảng 72.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất, trong đó có 43% lao động ngoại tỉnh chưa có nhà ở hoặc phải thuê nhà. Với mức thu nhập khiêm tốn, CNLĐ khó có thể nghĩ tới việc hưởng thụ văn hóa, giải trí tinh thần nếu phải trả tiền.

HẢI ÂU

;
.
.
.
.
.