Những hoạt động mỹ thuật đường phố thường xuyên diễn ra tại khu vực chân cầu Rồng (đường Trần Hưng Đạo) thời gian gần đây như một điểm nhấn đặc biệt dành cho người dân địa phương và du khách khi đến với Đà Nẵng.
Một số hoạt động như ký họa chân dung, viết thư pháp cũng rất thu hút người dân và du khách. Ảnh: N.H |
Những bức tường bê-tông xám xịt dưới chân cầu Rồng được thầy cô và sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng khoác cho một “chiếc áo” mới dưới hình thức tranh tường 3D đầy màu sắc, rực rỡ, tươi mới.
Ngoài ra, những buổi triển lãm tranh; ký họa chân dung, viết thư pháp; triển lãm “Đà Nẵng xưa và nay” gồm 30 bức tranh, khái quát cuộc sống con người và phong cảnh Đà Nẵng xưa và nay sử dụng kỹ thuật đồ họa in ấn, ánh sáng chuyển màu trên nền mê-ka trong suốt và sử dụng kim tuyến màu khi chiếu ánh sáng vào để tạo hiệu ứng hình ảnh sẽ nổi lên (Printmaking) hay nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn hình thể (body art) với chất liệu giấy báo và phụ kiện tổng hợp tạo nên tác phẩm “Nhiễu” có tổng diện tích bề mặt trên 200m2 , được kết hợp với âm thanh và ánh sáng… đầy mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan chiêm ngưỡng và chụp hình.
Sau những ngày miệt mài xé, dán báo trên các ma-nơ-canh cũng như cách tạo hình trên các diễn viên để chuẩn bị cho các hoạt động mỹ thuật đường phố diễn ra hồi giữa tháng 11 vừa qua, Man Thị Huyền Bích, sinh viên khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng nhận thấy việc tham gia những hoạt động như thế này rất hữu ích, bổ trợ rất nhiều cho việc học.
Trong quá trình cùng các thầy cô và các bạn trong khoa chuẩn bị cho sự kiện, Bích được thực hành nhiều hơn, được thoải mái thể hiện đam mê với màu sắc, học hỏi được sự tỉ mỉ của công việc, cách phân công, làm việc nhóm sao cho hiệu quả nhất.
Dù đã ra trường được gần 2 năm, nhưng mỗi lần Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng có các sự kiện liên quan đến mỹ thuật, Ngô Thị Tuyết Nhung, cựu sinh viên ngành sư phạm mỹ thuật lại được mời làm cộng tác viên cùng tham gia công tác chuẩn bị.
Nhung đang mở lớp dạy vẽ tại nhà cho các em nhỏ ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, dù công việc bận rộn, Nhung luôn dành thời gian để tham gia các chương trình, dự án mà các thầy cô trong trường mời. Bởi theo Nhung việc học là không ngừng, có những loại hình rất mới, như trước đây Nhung chưa được tiếp cận kỹ thuật đồ họa in ấn nên thấy rất mới lạ.
Trong quá trình chuẩn bị cùng các thầy cô và các bạn, Nhung đã học được rất nhiều kinh nghiệm, có thể đưa vào bài học cho các em học sinh ở nhà như cách làm mặt nạ bằng giấy bồi, hay áp dụng tranh đồ họa trong quá trình dạy học, biến tấu cho các em học sinh vẽ tranh cát…
Theo Thạc sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng, từ năm 2016, nhà trường bắt đầu có ý tưởng đưa mỹ thuật đến gần hơn với người dân thông qua các hoạt động văn hóa hai bên bờ sông Hàn và mở đầu là hai bức tranh vẽ trên vải toan lớn nhất Việt Nam đang được trưng bày ở đường hầm đi bộ phía tây cầu Rồng.
Sau đó, năm 2017, khoa đã lên ý tưởng và tiếp tục thực hiện bức tranh tường cao 7m, rộng 36m tại gầm cầu Rồng (phía đường Trần Hưng Đạo), tạo nên một màu sắc hoàn toàn mới cho không gian tại đây. Riêng với hoạt động nghệ thuật sắp đặt và trình diễn hình thể trong đó có cả nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, trước khi đưa đến với công chúng nhóm thực hiện cũng khá lo lắng vì loại hình nghệ thuật này còn khá mới ở Đà Nẵng vì được kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật như hội họa, đồ họa, hình thể, âm nhạc..., các bạn đã lựa chọn cách thức chuyển tải một cách đa dạng nhưng đơn giản để người dân có thể tiếp cận và cảm nhận được.
Thạc sĩ Phan Thanh Hải cũng cho rằng thông qua những loại hình nghệ thuật mới này giới thiệu cho các em sinh viên những cái mới, được trực tiếp làm, thấy được thực tế công việc, các em có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình học tập, nâng cao chuyên môn được học cũng như ra nghề sau này.
Nhóm thực hiện cũng muốn tạo ra một không gian nghệ thuật cộng đồng để những người làm nghệ thuật và công chúng có thể tương tác với nhau, đưa không gian này trở thành một điểm đến, một sản phẩm du lịch của thành phố được nhiều người biết đến.
Từ những hoạt động ngoại khóa của chương trình Mỹ thuật đường phố, các thầy cô của khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng cũng như các bạn trẻ như Huyền Bích, Tuyết Nhung đều mong muốn đưa mỹ thuật đến gần hơn với người dân nhất là các bạn trẻ, các em thiếu nhi có niềm đam mê với mỹ thuật.
“Sau khi bức tranh 3D phía chân cầu Rồng được hoàn thiện rất nhiều người dân, du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm cầu Rồng, xem con cá phun nước cũng đã dừng chân và chụp hình lưu niệm tại đây. Đây chính là những thành công bước đầu của các hoạt động mỹ thuật đường phố trong hành trình đến gần hơn với công chúng”, thầy Phan Thanh Hải chia sẻ.
Nhật Hạ