Ngày trước, việc tuyển chọn người tài phần lớn dựa vào việc mở khoa thi để chọn kẻ sĩ. Thân Nhân Trung (1419 - 1499) trong Bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), đã viết: “Các bậc đế vương xưa làm nên sự nghiệp trị bình không ai không theo con đường ấy”.(1)
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, do Thân Nhân Trung soạn lời văn. Ảnh: Internet |
Rồi tiếp: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy, các bậc thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”. (2)
Trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, phần Khoa mục chí, trên cơ sở tổng kết những bài học về thi cử và tuyển lựa nhân tài, nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840) đã khái quát:
“Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử... Xem việc thi cử hay hay dở, biết nhà nước thịnh hay suy. Chọn người giỏi phải theo khoa mục nhưng đặt phép thi phải có cân nhắc, nếu chỉ thiên về một lối, sao lấy được người đại tài” .(3)
Quả đúng vậy, suốt hơn tám thế kỷ, từ khai khoa năm Ất Mão (1075) và kết thúc vào năm Kỷ Mùi (1919), khoa cử Việt Nam đã đào tạo được biết bao danh nhân văn hóa, bao nhà chính trị, kinh tế lỗi lạc, tên tuổi sáng chói mãi trong lịch sử dân tộc. Đó là những Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Đình Phùng, Nguyễn Khuyến... Với sở học của mình, gặp thời loạn, họ đem tâm sức ra phò vua giúp nước, đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc; gặp thời bình, thì làm quan giữ nghiêm phép nước, đem tài kinh bang tế thế để giúp đời giúp dân. Tất cả, họ đều phải qua con đường khoa cử để tiến thân. Vì thế, khoa cử là cách để đánh giá và lựa chọn nhân tài. Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ I (1334), định phép thi chọn kẻ sĩ. Chiếu chỉ nói rõ rằng: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu”: (4)
Đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 7 (1466), bia tiến sĩ cũng khắc ghi rõ: “Nhân tài đối với đất nước, quan hệ rất lớn”. Vua định phép thi hương, sửa phép thi hội để chọn lấy người tài. Chính vì thế, trong khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Phan Huy Chú đánh giá: “Cách chọn người công bằng...Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém. Bởi thế, điển chương được đầy đủ, chính trị ngày càng thuận hưng”. (5)
Dần về sau, do thời thế biến đổi, nhà Hậu Lê tuy giữ ngôi vua nhưng quyền bính chính trị nằm cả ở họ Trịnh, phía nam lại thuộc cơ nghiệp nhà Nguyễn, việc khoa cử, học hành lụn bại đi. Phép thi không nghiêm, lệ nộp tiền thông kinh và tệ mua bán gian lận nơi trường ốc khiến cho số đông nho sĩ dần dần thoái hóa, không còn khí phách như trước nữa. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn đã chép: “Từ năm Đoan Khánh (thời Lê Uy Mục, 1505-1509) trở về sau... tập tục sĩ phu thối nát, tệ bại, không sao kể xiết”.
Thời nhà Mạc, 22 khoa thi hội, lấy đỗ 385 tiến sĩ. Thời Lê Trung Hưng trong 61 khoa thi hội, lấy đỗ 717 tiến sĩ. Vậy nên, văn chương thế đạo suy tàn. Loại nịnh thần, bất tài đổi cách thi và “hạng sinh đồ ba quan đầy cả thiên hạ. Người trên do đó lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được đậu mà không thẹn, làm cho trường thi thành ra chỗ buôn bán”. (6)
Viết về thời này, Phạm Đình Hổ đã đau đớn thốt lên: “Ôi cái tệ khoa cử đến thế là cùng! Văn vận với thế đạo ngày càng kém. Thật đáng thương thay!”. (7)
Khoa cử như thế đã dẫn đến sự đảo lộn của những giềng mối trong tam cương ngũ thường. Những nhân tố tích cực của Nho giáo bị tước bỏ. Khi gặp chính biến, chút liêm sỉ cuối cùng của người có học cũng bị đánh rơi nốt. Đọc Hoàng Lê nhất thống chí sẽ thấy rõ. Khi vua Lê Chiêu Thống bỏ ngai vàng chạy trốn, qua sông Như Nguyệt, quan trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước chở giúp, đòi vàng và đã lấy 40 lạng. Chưa hết, khi lên đến bờ, Thước còn cho người đuổi theo lột luôn tấm ngự bào của hoàng thượng đang mặc (8). Rồi nghĩa thầy trò, tình sư đệ cũng bị biến chất. Tuần huyện Trang, học trò Lý Trần Quán, đã nộp Chúa để kiếm danh, kiếm lợi: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý Chúa không bằng quý thân!”. (9)
Đưa ra những điều như vậy để thấy rằng, Khoa cử - Nhân tài - Thế đạo đều có liên quan mật thiết với nhau. Bài học ấy đã rõ.
Xưa đã vậy, còn nay thì sao ? Xem chừng cách học, cách thi của ta cũng còn lắm điều phải bàn. Chất lượng tri thức ở người học còn rất thấp so với yêu cầu. Tính độc lập, sáng tạo không cao hoặc không có, thiếu hẳn tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Xã hội chạy theo bằng cấp, hư danh, bỏ qua thực chất, không trọng yếu tố thực hành, thực nghiệp. Sự học như vậy, khoa cử như vậy, làm sao tính đến hiền tài!
Ngẫm xưa để nhìn nay, mong rằng việc học của ta cần chấn hưng, nhận ra những thiếu sót để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp lại niềm mong mỏi của nhân dân, đúng với mục tiêu mà Nghị quyết số 29, khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo:
“Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.
HUỲNH VĂN HOA
(1), (2) Tuyển tập văn bia Hà Nội, Quyển I, NXB KHXH, 1978, trang 64, 65.
(3) Phan Huy Chú, Lược khảo khoa cử Việt Nam (phần Khoa mục chí), Long Điền dịch và chú giải, NXB Thanh Tân, Sài Gòn 1969, trang 18.
(4), (5), (6), sđd, trang 27, 34, 49.
(7) Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, NXB Trẻ và Hội Nghiên cứu-Giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh, 1992, trang 93.
(8), (9) Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Phong trào văn hóa, Sài Gòn, 1969, trang 233, 91.