30 sản phẩm sáng chế của các em học sinh như máy lọc và nén không khí, máy hút bụi tự chế được giới thiệu tại cuộc thi khoa học kỹ thuật do Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Liên Chiểu tổ chức vừa qua được đánh giá là có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Huỳnh Văn Hùng bên chiếc máy hút bụi tự chế. Ảnh: P.T |
Là con trai nhưng Huỳnh Văn Hùng (học sinh lớp 8/1 Trường THCS Ngô Thì Nhậm, quận Liên Chiểu) vẫn luôn được mẹ giao nhiệm vụ quét nhà. “Mình rất thích công việc này, tuy nhiên mình thấy sử dụng chổi thì không thể quét sạch hết, nhất là các ngõ ngách trong nhà còn dùng máy hút bụi thì lại quá cồng kềnh và giá thành khá cao. Vì thế mình mới nghĩ ra việc sáng chế ra chiếc máy hút bụi”, Hùng thổ lộ.
Chiếc máy hút bụi của Hùng được chế tạo từ những vật liệu khá giản đơn như: ống nước, lon nước, ống nhựa… Hùng chia sẻ, cách làm máy hút bụi cũng khá đơn giản. Ống nhựa được cắt thành hai phần để tạo phần đầu và thân máy. Vỏ lon đươc cắt thành hình tròn, vừa khít với miệng của thân ống và cắt thành 8 phần để tạo cánh quạt của máy hút bụi.
Động cơ được gắn vào quạt và gắn vào thân ống. Sau cùng, ống nhựa được gắn vào phần thân máy để tạo thành tay cầm và chân đế. Hùng cho biết, dụng cụ này đã được áp dụng tại gia đình và nơi em cư trú. Mặc dù đơn giản, gọn nhẹ nhưng mọi người rất hài lòng vì lực hút của nó khá mạnh và có thể hút sạch bụi bẩn.
Còn Hồ Sang, học sinh lớp 9/6 Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu thì nghĩ ra chiếc máy lọc và nén không khí. Bản thân Sang bị bệnh tim bẩm sinh nên nhiều lúc thấy rất khó thở. Ngoài ra, khi đi đường lúc dừng xe chờ đèn đỏ hay lúc tan trường, Sang thấy không khí bị ô nhiễm bởi khói xe máy ảnh hưởng sức khoẻ của mọi người.
Về nhà, em lại chứng kiến người ông đã 80 tuổi, bị bệnh tim và viêm mũi dị ứng nên phải thở bằng bình oxy rất vất vả và tốn kém. Thế là, Sang quyết tâm sẽ là một chiếc máy lọc khí mini. Sang chia sẻ ý tưởng với cô bạn Nguyễn Đặng Anh Thư ngồi cùng bàn và cả hai cùng bắt tay vào làm.
Chiếc bình lọc khí này được chế tạo từ những ống nhựa có hai đầu vặn, có 3 khoang, trong đó có khoang đựng than hoạt tính có tác dụng khử mùi, diệt khuẩn, lọc những chất độc hại có trong không khí. Bình lọc được nối với bình nén khí có gắn đồng hồ đo áp suất và bình chứa khí.
Các ống dẫn khí từ máy bơm sang bình lọc, từ bình lọc sang bình nén, từ bình nén ra ngoài để sử dụng. Việc sử dụng bình lọc cũng khá đơn giản. Khi bật công tắc nguồn, máy bơm hoạt động bơm không khí vào trong bình lọc và đi qua 3 lớp lọc gồm lọc thô (chứa bông y tế cản bụi), lọc bằng than hoạt tính và lọc tinh (chứa bông lọc bụi chuyên dụng cản lại những hạt bụi tinh có kích thước bé).
Khí đi khỏi bình lọc sẽ được nén vào bình chứa và khi theo dõi đồng hồ đo áp thì người dùng sẽ biết được lượng khí nén được đến mức cho phép của bình. Bình lọc khí này có thể mang theo ở mọi lúc, mọi nơi và có thể tháo riêng bình khí nén để sử dụng cho thợ lặn thay cho bình khí lặn thông thường. Hiện nay, bình lọc này đã được sử dụng cho ông ngoại của Sang, những người bị bệnh về đường hô hấp mãn tính, trẻ em và các thợ lặn.
Là một trong những giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn các em triển khai các sáng kiến đã nhiều năm, thầy Nguyễn Thọ Phương, giáo viên Vật lý Trường THCS Ngô Thì Nhậm cho rằng hoạt động này không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho các em mà còn hun đúc niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo ngay từ nhỏ.
Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu cho biết, với 30 sản phẩm tham gia thi khoa học kỹ thuật với nhiều sản phẩm có ý nghĩa thực tiễn: “Hoạt động này nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, đồng thời rèn luyện kỹ năng ứng dụng cho các em sau những kiến thức đã học”.
Trong những năm qua, phong trào nghiên cứu sáng chế các sản phẩm được ngành Giáo dục và đào tạo quận Liên Chiểu đẩy mạnh. Chỉ riêng trong năm học 2016-2017, quận Liên Chiểu có 14 sản phẩm tham gia dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật của ngành giáo dục thành phố, trong đó có 3 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải khuyến khích. Hoạt động này sẽ được các trường tiếp tục đẩy mạnh nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực cho học sinh.
PHƯƠNG TRÀ