Phương hay Thuốc quý

Ngót nghẻo không phải Cối xay

.

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười…”. Suốt mấy tháng nay, để ý trên facebook một người bạn cùng cơ quan, tôi thấy cứ tầm 4-5 giờ sáng, anh lại đều đặn cho đăng ảnh một loài hoa kèm theo lời bình ngắn gọn lẩy từ bài hát quen thuộc nào đó.

“Ngót nghẻo không phải Cối xay/ Chớ nên nhầm lẫn có ngày chết oan” (Ảnh: FB: N.V.X)
“Ngót nghẻo không phải Cối xay/ Chớ nên nhầm lẫn có ngày chết oan” (Ảnh: FB: N.V.X)

Tuần vừa rồi, thấy anh bạn đăng ảnh một loài hoa dại với lời bình “hương quê” mà khi có người hỏi tên anh nói là hoa “Cối xay”, khiến tôi phải giật mình. Nhìn ảnh, tôi biết đích xác đó là cây Ngót nghẻo, còn gọi Ngọt nghẹo, tên khoa học Gloriosa superba L., thuộc họ Tỏi độc - Melanthiaceae.

Tôi giật mình bởi vì biết anh bạn quê gốc Quy Nhơn, lên làm việc trên Pleiku mấy mươi năm, mới về định cư ở Đà Nẵng khoảng 5 năm trở lại đây. Vậy là cái tên “Cối xay” mà dân gian gọi nhầm không chỉ có ở Quảng Nam-Đà Nẵng, nơi đã từng có sự “nhầm lẫn chết người” xảy ra do việc gọi nhầm tên này.

Chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm, một sản phụ ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) bị phù thũng, có một người mách dùng cây Cối xay [Abutilon indicum (L.) Sweet, thuộc họ Bông - Malvaceae] sắc nước uống. Nhưng khi người nhà đi tìm thì bị chỉ nhầm cây Ngót nghẻo, vì tên địa phương cũng gọi “Giằng xay” hay “Cối xay”, do hoa của nó có cuống dài trông như cái giằng xay của cối xay lúa thủ công. Sau khi sắc nước cây này uống, sản phụ đã tử vong. Câu chuyện đau lòng đó nhiều thầy thuốc và người dân địa phương còn nhớ.

Triệu chứng ngộ độc thường thấy vài giờ sau khi ăn uống phải Ngót nghẻo. Nạn nhân thấy đau môi, lưỡi, đau bụng, tê dại toàn thân, nôn mửa, ỉa chảy ra máu, hoa mắt, mệt mỏi, mặt tím tái, sợ ánh sáng, mạch nhanh, khó thở, mất tri giác rồi chết. Trước khi chết 20-40 phút, thân nhiệt hạ và co giật.

Ngót nghẻo có thân bò, leo cao 1-2m nhờ đầu lá biến thành vòi quấn, láng, trắng hay vàng. Rễ củ mập, nhẵn, dài 15-20cm, đường kính 2-2,5cm. Lá mọc so le, gần như không cuống. Phiến lá hình mũi mác, dài 7-12cm; rộng 2-3cm. Gân lá song song xếp sít nhau. Hoa to, đẹp, đính cạnh các lá ở ngọn. Đài và tràng như nhau, vàng ở gốc, đỏ ở đầu lúc mới nở, rồi đỏ đậm, mép nhăn nheo. Nhị to, chỉ nhị đỏ, vòi nhụy ngang. Quả nang dài 4-5cm, có 3 ô, mở vách. Mùa hoa tháng 5-11.

Cây mọc hoang ở trảng bụi nhiều ánh sáng từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. Tại Đà Nẵng, chúng tôi đã gặp ở một số lùm bụi tại các xã Hòa Tiến, Hòa Khương,… Cũng có nơi trồng làm cây cảnh vì hoa đẹp. Để làm thuốc người ta thu hái củ và lá quanh năm, dùng tươi hoặc chế bột củ.

Phân tích thành phần cho biết củ chứa alcaloid colchicin (0,3%), gloriosin, acid tannic, tinh bột, đường khử. Trong lá có colchicin, dimethylcolchicin, N-formyldeacetylcolchicin và lumicolchicin và hai alcaloid khác có liên quan.

Mới đây ThS.Võ Văn Sỹ ở Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cùng một số đồng sự ở Đại học Dược Hà Nội đã nghiên cứu thành phần hóa học và đánh giá độc tính cấp của cây Ngót nghẻo thu tại Quảng Nam. Kết quả định tính cho thấy các nhóm chất trong dược liệu bao gồm: alcaloid, saponin, acid hữu cơ, đường khử, polysaccharid với alcaloid là thành phần chính.

Chiết xuất hỗn hợp alcaloid toàn phần và triển khai sắc ký lớp mỏng cho thấy ít nhất 4 vết alcaloid trên sắc ký đồ. Đánh giá độc tính cấp của cao toàn phần cho giá trị LD50 = 194,3mg cao/kg chuột. Kết quả nghiên cứu trên là cơ sở để tiến hành những nghiên cứu sâu hơn nhằm đưa dược liệu Ngót nghẻo sử dụng trong YHCT (Tạp chí Y Dược cổ truyền Việt Nam, số 9-2017).

Theo Đông y, Ngót nghẻo có vị rất đắng, củ rất độc, có tác dụng xổ, lợi mật, trừ giun. Nó có tính kích thích dạ dày ruột nên có thể gây nôn và xổ, nước chiết củ có tính kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus. Thân rễ có tác dụng kháng ung thư. Ở nước ta, có người dùng lá giã ra trị ghẻ khoét (ghẻ ăn miệng như nồi vôi). Kinh nghiệm ở Ấn Độ, Trung Quốc cũng dùng chữa một số bệnh và diệt chấy, ký sinh trùng ở tóc. Thường dùng ngoài dưới dạng thuốc giã đắp. Liều uống trong không được quá 0,5g mỗi ngày nhưng phải do các thầy thuốc có kinh nghiệm bào chế sử dụng.

Trong công nghiệp dược, có thể trồng Ngót nghẻo để chiết chất colchicin trị bệnh gout thay vì phải trồng loài Tỏi độc - Colchicum autumnale phải nhập nội.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.