Sánh vai cùng nam giới

.

Dấn thân vào học tập là phụ nữ phải đối diện với sức ép về thời gian, bởi với phụ nữ thì gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Trước khi nghĩ đến việc học tập, nghiên cứu, phụ nữ phải sắp xếp chu toàn việc chăm sóc gia đình, các con, nội trợ… Để có thể thành công, phụ nữ cần có những điều kiện khách quan tốt, một môi trường mà ở đó sự phấn đấu của họ được nhìn nhận và được tạo điều kiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trao tặng bằng khen cho ThS Phan Thị Phú Quyến tại lễ khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN năm 2017 do Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức sáng 16-12. Ảnh: V.T.L
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trao tặng bằng khen cho ThS Phan Thị Phú Quyến tại lễ khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN năm 2017 do Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức sáng 16-12. Ảnh: V.T.L

“Tôi thật sự không rõ ràng về tỷ lệ bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tôi sẽ cảm thấy rất vui khi những người nữ có thể sắp xếp thời gian, công việc, gia đình… để tham gia học tập nâng cao trình độ, hiểu biết xã hội và nghiên cứu khoa học được tính bằng tỷ lệ đối với nam”. ThS Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, chia sẻ như thế khi phóng viên hỏi về việc tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cán bộ nữ và khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học tại Đà Nẵng thời gian qua.

Với chị, việc học sau đại học trước tiên là do chính bản thân muốn học, muốn khám phá vượt lên bản thân mình. Đó cũng là tiêu chuẩn lúc chị còn là giáo viên, nhiệm vụ là giảng dạy tốt, góp phần đưa nhà trường phát triển (chị nguyên là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng).

Với những kiến thức cơ bản được các thầy, cô trang bị, các tài liệu học tập, các trang web, qua bạn bè, đặc biệt là những người đồng nghiệp của mình,... tất cả đã cho chị những tri thức mới hài hòa với kinh nghiệm thực tiễn, giúp chị cảm nhận hơi thở cuộc sống xã hội, từ đó hoàn thiện mình hơn rất nhiều trong hoạt động chuyên môn và công tác quản lý.

“Tôi đã luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất công việc của mình, góp phần khẳng định vai trò của người phụ nữ trên đà phát triển hiện nay trong xã hội hiện đại”, chị chia sẻ.

Trong bối cảnh Đà Nẵng xây dựng một thành phố tiên tiến về mọi mặt trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mọi công dân đều nỗ lực vì nơi mình đang sinh sống, làm việc, trong đó, ngày càng có nhiều nữ giới tham gia nhiều hơn trong công tác nâng cao trình độ và nghiên cứu khoa học.

15 năm trước, bác sĩ Trần Thị Hoàng khi đang công tác tại khoa Nhi - Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, chị được bệnh viện cử đi dự thi đào tạo thạc sĩ theo chương trình “Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” tại Trường Đại học Melbourne, Australia.

Đến năm 2009, chị có tên trong danh sách các nghiên cứu sinh được Trường Đại học Melbourne cấp học bổng nên đi theo diện này và được hưởng thêm hỗ trợ sinh hoạt phí từ ngân sách thành phố.

Năm 2012, về BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, chị nghiên cứu đề tài khoa học “Tử vong và bệnh tật trẻ sơ sinh tại Đà Nẵng”, đây được xem là tiền đề để từ đó chị và các cộng sự phát triển thêm một số đề tài, giải pháp khác, trong đó đáng kể nhất là “Gói chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ”.

Đó là việc để mẹ và bé vừa sinh ra “da kề da” và cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ nhằm giảm đáng kể những nguy cơ gây biến chứng, tử vong cho trẻ. Từ đó, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cùng với BV Từ Dũ và BV Phụ sản Trung ương, được sự phân công của Bộ Y tế, sự hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đẩy mạnh chương trình này rộng khắp Việt Nam.

Trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), những người làm nghiên cứu khoa học dù là nam hay nữ đều đáng được tôn trọng và tôn vinh. TS Vũ Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, cho rằng giai đoạn hiện nay, với cuộc cách mạng 4.0 thì KH&CN ngày càng được sự quan tâm nhiều hơn của Đảng và Nhà nước.

Do vậy có nhiều chính sách cho KH&CN, trong đó có những chính sách khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào nghiên cứu sáng tạo. Chính vì vậy số lượng nữ tham gia nghiên cứu khoa học trong tất cả các lĩnh vực ngày càng tăng. Rất nhiều các công trình nghiên cứu do đội ngũ trí thức nữ chủ trì đã ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống đem lại lợi ích kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực.

Rất nhiều phụ nữ ở Đà Nẵng thành công trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Một trong số này đã được thành phố vinh danh tại lễ khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN năm 2017 do Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức ngày 16-12 vừa qua.

Gần 20 tác giả nữ trong tổng số các tác giả và nhóm tác giả của 119 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, có chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) và tác động khoa học (SJR) cao được khen thưởng tại buổi lễ tuy chưa phải là nhiều, nhưng theo đánh giá của ban tổ chức, đã tăng cao so với năm 2016.

ThS Phan Thị Phú Quyến công tác tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng có bài báo 27 trang “Ảnh hưởng của không gian trực tuyến đến hành vi mua sắm online: ảnh hưởng của biến trung gian giới tính và kinh nghiệm mua sắm” đăng trên Information Systems and e-Business Management của Đức. TS Mai Thị Kiều Liên, khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, góp mặt trên Tạp chí Japanese Journal applied physic của Nhật với bài báo 8 trang “Các tính chất vật liệu của màng mỏng Si kết tinh bằng laser xung trên lớp kích thích kết tinh oxit zơconi được ổn định bằng oxit yttri sử dụng phương pháp chiếu xạ hai bước”...

Đó là hai trong những đề tài được cho là “khó nhằn” ngay với cả nam giới, nhưng những phụ nữ tuổi đời trên dưới 30 này đã khiến cho một nửa thế giới phải ngả mũ chào bởi sự dấn thân dũng cảm của họ.

Phụ nữ, đằng sau sự “tung tẩy” dấn thân và thành công trên con đường tìm đến tri thức, thấp thoáng có bóng dáng của sự hy sinh mà không phải phụ nữ nào cũng có thể làm được. Dấn thân vào học tập là phụ nữ phải đối diện với sức ép về thời gian, bởi với phụ nữ thì gia đình vẫn là điều quan trọng nhất.

Trước khi nghĩ đến việc học tập, nghiên cứu, phụ nữ phải sắp xếp chu toàn việc chăm sóc gia đình, các con, nội trợ… “Để có thể thành công, phụ nữ cần có những điều kiện khách quan tốt, một môi trường mà ở đó sự phấn đấu của họ được nhìn nhận và được tạo điều kiện. Tôi nhận thấy mình là người phụ nữ may mắn có được những điều này và nhờ đó mà hoàn thành khóa học với kết quả tốt”, chị Hội An trải lòng.

"Người làm nghiên cứu khoa học dù là nam hay nữ cũng đều rất vất vả, đặc biệt phụ nữ còn gánh trên vai trọng trách của người mẹ, người vợ. Do vậy cần sự chia sẻ với chị em những khó khăn khi “dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học” để chị em chúng tôi có thể tỏa sáng hơn nữa trong nghiên cứu khoa học và có thể đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển của KH&CN nói riêng và cho thành phố nói chung. Bên cạnh những chia sẻ của xã hội với phụ nữ thì cũng cần có những chính sách ưu đãi tốt hơn cho những người nghiên cứu khoa học nói chung và chị em phụ nữ nói riêng"

TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.