Với công cụ hỗ trợ tìm việc làm có sẵn như hiện nay, cùng với các phiên chợ-việc làm thường xuyên được các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thì người lao động không còn quá khó khăn tìm việc như trước đây. Điều quan trọng là các ứng viên mong muốn tìm việc như thế nào và có khả năng đáp ứng được công việc đó hay không.
Người lao động tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng để được tư vấn hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và giới thiệu việc làm. Ảnh: Đ.L |
Rẽ hướng tìm việc
Chị T.T.Vy (sinh năm 1991, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) tốt nghiệp ngành Kế toán, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng vào năm 2011. Không xin được việc, chị quyết định lên huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam làm việc tại một đơn vị quốc phòng theo chương trình trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở địa phương. Sau khi hết thời hạn 2 năm, chị trở về lại thành phố Đà Nẵng nộp rất nhiều hồ sơ nhưng không xin được việc làm như mong muốn.
Trong thời gian chờ tìm một công việc đúng chuyên môn, chị Vy chấp nhận làm nhân viên bán hàng trong một trung tâm thương mại. Tuy nhiên do chủ quản lý ở tận trong T.P Hồ Chí Minh, công việc làm theo ca rất vất vả nên nhiều nhân viên đến làm việc tại đây chỉ được vài tháng rồi đi. Có thời điểm chỉ còn lại một mình, chị Vy phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối, thậm chí cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Cố gắng được một thời gian, sức khỏe yếu dần, chị Vy đành xin nghỉ.
Trong thời gian tìm việc mới, chị lại “lao đầu” vào học chứng chỉ kế toán trưởng doanh nghiệp và tiếng Anh nhưng chị vẫn không xin được việc làm đúng chuyên môn. Không thể ở nhà mãi được, chị lại chấp nhận đi làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng kính mắt.
Nhưng mong ước của Vy là tìm một công việc có thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm, làm gần nhà; nhưng nộp hồ sơ hoài mà không xin được việc như mong muốn, chị Vy càng trở nên chán nản. Khi được hỏi tại sao chị không nộp hồ sơ vào Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố để được giúp đỡ, chị Vy cho biết: “Giờ em mệt rồi, không muốn nộp nữa!”.
Cùng hoàn cảnh với chị Vy, sau khi tốt nghiệp ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), chị L.T.N. Duyên (sinh năm 1993, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) nộp hồ sơ thi tuyển chức danh phóng viên tại một đài truyền hình. Đó là công việc chị Duyên yêu thích nên khi biết mình không trúng tuyển, chị cảm thấy rất chán nản và quyết định ở nhà nghỉ ngơi hơn một năm.
Chị Duyên cho biết: “Trước đây, em nghĩ có công việc ổn định thì có vị trí xã hội nhưng giờ không có duyên thì em theo nghiệp. Em nghĩ đôi khi cần sự bằng lòng chứ không phải cứ vì đam mê. Làm gì cũng để kiếm tiền, mưu cầu cuộc sống, do đó nếu có con đường khác cho mình đi thì mình cứ rẽ hướng. Thay vì mất thời gian hy vọng rồi thất vọng, em đầu tư vật chất và tâm trí của mình vào một cửa hàng bán giày. Em mong muốn phát triển thương hiệu giày có đóng mác của em”.
Chị Duyên chia sẻ thêm: “Thực ra xin việc được như mong muốn của mình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên em không tìm nữa. Em muốn đứng dậy và tự làm chủ cuộc đời mình bằng việc kinh doanh và dành cơ hội việc làm cho các bạn khác. Nếu có thất bại thì mình sẽ làm lại. Miễn sao, đó là điều mình thích và muốn theo đuổi”.
Nhu cầu tuyển dụng vẫn còn nhiều
Nói về các ứng viên đi xin việc hiện nay, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) cho biết: “Tâm lý của người đi xin việc ở Đà Nẵng là ngại đi xa, muốn làm gần nhà, lương cao. Đối với lao động phổ thông, Trung tâm giới thiệu nhiều nhưng doanh nghiệp đòi yêu cầu cao.
Đối với lao động có trình độ, danh sách nộp đăng ký hơn 1.000 người nhưng khi có việc làm, Trung tâm gọi điện thì họ đều có việc làm hết rồi. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 38 phiên việc làm với gần 3.600 lượt doanh nghiệp đăng ký và chỉ có khoảng 20% ứng viên trúng tuyển. Mặc dù các doanh nghiệp tuyển dụng rất nhiều nhưng mình không đáp ứng được nhu cầu do không mời được lao động theo yêu cầu”.
Chị Nguyễn Thị Tú, đại diện từ phía nhà tuyển dụng Công ty Đầu tư và phát triển Silver Shores cũng cho biết, mỗi lần Trung tâm tổ chức phiên việc làm, Silver Shores đều tham gia nhưng chỉ tuyển được khoảng 20% nhu cầu. Đặc thù của đơn vị là hoạt động về dịch vụ du lịch nên tiêu chí ban đầu là ngoại hình ưa nhìn và có chiều cao đạt yêu cầu, rồi sau đó công ty sẽ tổ chức đào tạo lại. Do nhiều thanh niên thường xăm hình trên tay, cổ nên bị loại ngay từ đầu khi tham gia tuyển dụng.
Theo ông Diệp, hiện nay các trường đại học mở ra nhiều, phần lớn sinh viên đi học không có sự yêu thích ngành nghề mình học mà chủ yếu do cha mẹ ép buộc. Nhà trường dạy cứ dạy, còn ra trường làm được hay không là chuyện khác.
Trong khi đó, các nhà tuyển dụng yêu cầu phải có kinh nghiệm và chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, đối với chức danh kế toán thuế thì ứng viên phải biết báo cáo thuế. Người lao động sẽ được nhà tuyển dụng kiểm tra tại chỗ, nếu không đạt yêu cầu thì sẽ bị loại ngay.
Một thực tế nữa là do công nghệ ngày càng phát triển nên người lao động lười đi tìm việc mà ở nhà tự tìm việc trên các trang mạng. Còn khi đến các sàn giao dịch, họ chỉ chăm chăm vào công việc mình muốn làm mà không chịu tìm hiểu thêm các công việc khác.
Một bộ phận thanh niên ngày nay có xu hướng “tự thất nghiệp”, không chịu đi làm do cha mẹ nuông chiều. “Ở Trung tâm có ngân hàng dữ liệu để tìm đúng công ty cho người xin việc cần. Nhân viên ở đây thường xuyên đi “chợ mạng” xem công ty nào cần tuyển để mời họ tham gia phiên việc làm hằng tuần.
Do đó, những ai chịu khó tới Trung tâm đều có việc làm hết. Quan trọng là chịu đi làm hay không. Theo tôi, để dễ dàng xin được việc như mong muốn, các em sinh viên khi mới ra trường nên chấp nhận làm bất cứ việc gì dù lương thấp hay đi xa để tích lũy kinh nghiệm rồi sau đó tìm công việc đúng chuyên môn”, ông Diệp khuyên.
Qua các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố cũng cho thấy, hiện nay nguồn lao động ở khối kinh tế quá dư thừa, còn khối kỹ thuật thì khan hiếm. Ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho biết: Kế hoạch của sở trong năm nay là giải quyết 32.000 lao động thông qua các kênh giao dịch việc làm. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng là kênh chính.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu nguồn lao động trong các lĩnh vực điện tử, du lịch và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Đa số các gia đình muốn con học đại học nhưng ra trường lại không có việc làm đúng chuyên môn. Do đó, trong thời gian tới, sở sẽ tăng cường định hướng cho các cơ sở giáo dục-đào tạo đào tạo các ngành theo định hướng phát triển kinh tế của thành phố thì mới đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động”.
Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, thành phố hiện có hơn 400 doanh nghiệp trong 6 khu công nghiệp với hơn 76.000 lao động, nhưng nhiều đơn vị thiếu hụt công nhân tay nghề cao để mở rộng sản xuất. Trong quý 1-2017, các công ty chỉ tuyển dụng được 6.000 lao động, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lao động có tay nghề thiếu nhiều nhất ở các ngành dệt may, giày da, thủy sản. |
ĐOÀN LƯƠNG