Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 năm 2017 vừa được tổ chức thành công tại thành phố Đà Nẵng. Một trong các hoạt động tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả chính là những buổi giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh với công chúng. Những cán bộ, chiến sĩ trẻ lực lượng vũ trang thành phố đã có một buổi gặp gỡ tràn đầy xúc động như thế với NSND Trà Giang, NSND Lê Khanh, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn-NSUT Nguyễn Hữu Mười, NSUT Hoàng Hải…
Các nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh giao lưu với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố. |
Gặp gỡ với những chiến sĩ trẻ, NSND Trà Giang không khỏi xúc động, nghẹn ngào chia sẻ những kỷ niệm, dấu ấn của bà với điện ảnh qua những bộ phim thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu,... Bà tâm sự: “Hình tượng người chiến sĩ cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ luôn là nhân vật mà thế hệ nghệ sĩ chúng tôi mong muốn được đảm nhận trong các bộ phim. Ngày xưa, chúng tôi phải đóng phim trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trăm bề.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tình yêu của người nghệ sĩ dành cho người chiến sĩ cách mạng luôn chan chứa, đồng cảm, có lẽ đó là lý do khiến cho chúng tôi vượt qua được nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua để đóng tròn vai diễn của mình. Với người nghệ sĩ như chúng tôi không có gì hạnh phúc hơn khi được sống chân thật với nhân vật mình được đảm nhận”.
Cùng cảm xúc với NSND Trà Giang, NSND Lê Khanh chia sẻ một kỷ niệm thú vị: “Đến bây giờ nhiều khán giả khi xem lại bộ phim Dòng sông hoa trắng kể về 4 nữ chiến sĩ biệt động bị bắn trên chiếc phà lênh đênh giữa dòng sông thì thắc mắc tại sao cô Lê Khanh trong vai nữ ca sĩ Hoàng Điệp lại bị bắn tận 3 phát đạn. Bởi vì, thời điểm đó rất khó khăn, khi phân đoạn các nữ chiến sĩ bị bắn quay hỏng một lần thì khi quay lại lần hai, đạo diễn yêu cầu bắn 3 phát cho chắc để tiết kiệm chi phí, không để quay thêm một lần nữa”.
Còn NSƯT Hoàng Hải thì rất xúc động khi trở lại thành phố Đà Nẵng - quê hương của anh trong Liên hoan phim lần này. Cũng từng đóng nhiều vai tướng lĩnh, chỉ huy và người lính trong các bộ phim về chiến tranh, anh tâm sự khi đóng vai phải trải qua nhiều phân cảnh nổ bom, bắn súng dữ dội ở trường quay: “Nhiều lúc cũng run lắm vì mình chỉ có cái “mặt tiền” này để làm nghề, nếu lỡ có chuyện gì thì không biết phải làm sao”… Gian khổ là thế nhưng các diễn viên vì tình yêu nghề vẫn sẵn sàng lao vào hiểm nguy để có những vai diễn để đời cho biết bao thế hệ khán giả.
Với các nhà biên kịch, đạo diễn, càng khó khăn hơn khi phải thể hiện cho được những hình ảnh chân thực về chiến tranh. Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cũng từng là người lính, từng cầm súng chiến đấu và trải qua biết bao gian khổ, hy sinh. Vì thế, những kịch bản về chiến tranh của ông không chỉ mang hơi thở của mùi khói súng, của tiếng bom đạn, mà còn chan chứa tình đồng đội, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng của những người lính đối diện sinh tử giữa chiến trường. Ông tham gia buổi giao lưu với cảm xúc như trở về với người nhà, với đồng đội thân yêu của một thời chiến trận. Giữa tràn ngập màu xanh áo lính, ông dường như trẻ lại so với cái tuổi 70 của mình. Ông kể về những năm tháng chiến đấu, về kỷ niệm viết kịch bản cho bộ phim Mùi cỏ cháy khắc họa hình ảnh đẹp đẽ của những người lính tuổi hai mươi như Nguyễn Văn Thạc trên chiến trường đỏ lửa Quảng Trị năm 1972. Bao nhiêu đêm ông không ngủ, bao nhiêu đêm tỉnh dậy giữa chừng thét gọi tên đồng đội, biết bao cảm xúc để ông viết nên kịch bản của bộ phim đi vào lòng người. Mùi cỏ cháy đã làm rung động hàng ngàn người trẻ của thế hệ sau chiến tranh… Hòa chung với cảm xúc dâng trào của nhà biên kịch, hàng trăm chiến sĩ đã cùng đứng dậy vỗ tay, hưởng ứng, tán thưởng những tình cảm sâu sắc, những đóng góp lớn lao của ông dành cho điện ảnh cách mạng nước nhà.
Điện ảnh cách mạng Việt Nam từ khi ra đời đã luôn là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống, chiến đấu, lao động, sản xuất của nhân dân. Các thế hệ nghệ sĩ của điện ảnh cách mạng đã cống hiến tuổi thanh xuân đẹp nhất, tinh túy nhất để cho ra đời những tác phẩm điện ảnh, những vai diễn không thể nào quên trong lòng khán giả. Những kỷ niệm đóng phim trong thời chiến đã được các nghệ sĩ mang lên sân khấu để cùng giao lưu với các chiến sĩ. Có thể thấy rằng, với tình yêu dành cho nghệ thuật, những người nghệ sĩ đã làm nên những điều tuyệt vời và để lại nhiều dấu ấn, hình tượng về một thời chiến tranh gian khổ mà hào hùng, để thế hệ sau hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử vĩ đại của đất nước Việt Nam. Vì vậy, tiếp nối truyền thống đó là niềm mong ước và trách nhiệm cao cả của nhiều đạo diễn và diễn viên.
HỒNG HẠNH