1. Đà Nẵng cuối năm vơi mưa nhưng lạnh. Là do cơn bão Tembin được dự báo cấp thảm họa khi đổ vào miền Nam đã kịp giảm thành áp thấp nhiệt đới. Chạy xe trên đường Nguyễn Tất Thành, một trong những công trình làm thay đổi diện mạo đô thị Liên Chiểu rõ nét nhất, ấn tượng nhất, chạnh nghĩ đến những cơn bão dữ dằn từng “thử thách” đất và người nơi này.
Sau khi được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia, Hải Vân Quan là cú hích để phát triển du lịch Đà Nẵng nói chung, quận Liên Chiểu nói riêng. Ảnh: V.T.L |
Qua kinh nghiệm của mình, ông Lê Duy Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hòa Hiệp Nam, cho rằng hai địa phương nằm sát bên hông biển được tách ra từ xã Hòa Hiệp cũ của huyện Hòa Vang đều nằm trong “họng bão”. Gió giật từ phía đông thốc vào, gặp núi Hải Vân như tấm bình phong khổng lồ chắn lại, tạo thêm một đợt gió nữa từ phía bắc ập xuống chẳng khác gì “bão chồng bão”. Người dân Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc mỗi khi nói đến bão là “ớn”, nhất là cơn bão số 6 năm 2006, tên quốc tế gọi theo tiếng Lào là Xangsane, có nghĩa là “Con voi lớn”.
Khi “con voi lớn” thình thịch giậm những bước chân vào đất liền, ngăn một sản phụ ở phía bắc cầu Nam Ô không đến được bệnh viện, phải “vượt cạn” ngay tại nhà với sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng. Ghi nhớ cơn bão dữ, chị này đặt luôn tên con là “Vũ Bão”. Sau, nghe người ta bảo, đặt tên như thế con ra đời sẽ bị... vũ bão, chị bèn đổi thành Minh Trí.
Ở phía nam cầu Nam Ô, một anh thấy mái nhà cấp 4 của mình có mấy tấm tôn rung giật liên hồi, bèn leo lên tìm cách chằng chống. Một cơn gió khủng khiếp lướt qua, thổi tốc cả tôn và người bay lên trời và mất hút giữa mưa gió. Cả nhà đang lo thì mãi một lát sau thấy anh ta quay về, ướt như chuột lột. Cũng may, anh và “tấm thảm tôn” sau một hồi vi vu bất đắc dĩ trên không trung đã “hạ cánh an toàn” xuống mặt đất.
Đó là hai trong nhiều câu chuyện người dân Liên Chiểu “gồng mình” trong bão lớn. Mỗi trận bão là một bài học “nhớ đời”, từ đó ý thức phòng chống thiên tai từ cán bộ đến người dân một nâng cao. Giờ thì không cần phường phải bắc loa thông báo, kêu gọi - thậm chí cưỡng chế - dân sơ tán, chỉ cần nghe ti-vi dự báo có bão là mọi người phản ứng có điều kiện, lập tức lo liệu các công việc cần thiết để “đón” bão…
Nhiều đường phố ở Liên Chiểu đã được đặt tên và nhà cửa dọc hai bên đường cũng được cấp số. TRONG ẢNH: Đường Nguyễn Sinh Sắc, đoạn rẽ vào Bệnh viện Ung bướu. Ảnh: PHAN NGUYỆT |
2. Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hòa Minh nguyên là 3 xã của huyện Hòa Vang với hơn 80% dân cư sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp manh mún và dịch vụ nhỏ lẻ. Từ khi các địa phương này “lên” phường và trực thuộc đơn vị hành chính mới là quận Liển Chiểu, diện mạo của vùng tây bắc thành phố đã dần đổi thay theo hướng đô thị hóa, đời sống nhân dân từng bước được ổn định và cải thiện. Trong đó, thay đổi căn cơ nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, xếp thứ hai trong 4 tiêu chí “điện, đường, trường, trạm”.
Hòa Minh là quê ngoại của Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng, nơi ông bắn bi, câu cá, thả diều từ thuở còn thơ ấu. Với ông, đổi thay quê ngoại cũng là đổi thay của cả một vùng tây bắc thành phố Đà Nẵng. Gần 20 năm trước, khi làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh) lên phố thì những con đường quê vô danh ngày nào với bao lầy lội, chật hẹp lần lượt được đặt tên và nhà cửa dọc hai bên đường cũng được cấp số. Trên địa bàn quận, cùng với hàng chục tuyến đường được làm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những mái ngói, tường xây theo đó mọc lên, góp thêm nét cọ làm sáng dần bức tranh đô thị.
Hôm rồi, tranh thủ giờ nghỉ giữa bề bộn những phiên họp cuối năm, ông chia sẻ với người viết rằng, Liên Chiểu có sông, biển, núi, một không gian hài hòa được thiên nhiên ưu đãi. Được ưu đãi, mà mình vẫn loay hoay không biết khai thác thế nào cho đạt hiệu quả cao nhất có thể. Ông bảo, để Liên Chiểu phát triển, nên chăng có một chính sách riêng trong kêu gọi các nhà đầu tư: “Trước mắt, cứ để họ mạnh dạn đầu tư, triển khai thực hiện theo ý tưởng của họ, mình khoan nghĩ việc đưa ra điều kiện họ phải đóng góp thế này thế kia”.
Trong chiến lược phát triển vùng tây bắc thành phố, ông “mê” nhất là sông Cu Đê, một trong những “báu vật” thiên nhiên ưu đãi cho Liên Chiểu. Đà Nẵng chọn 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Quận ủy đã giao UBND quận nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển du lịch đến năm 2025 trong đó nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn, văn minh, thân thiện, khác biệt theo hướng chú trọng du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp đô thị, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của quận. Ngoài điểm đến Hải Vân Quan vừa được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia, quận đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt Đề án phát triển tuyến du lịch sông Cu Đê, Đề án khai thác vệt đường Nguyễn Tất Thành - trong đó có công viên biển Nguyễn Tất Thành, phục vụ nhu cầu của du khách và người dân địa phương; bổ sung điểm du lịch Suối Lương vào quy hoạch du lịch của thành phố và tổ chức lại khu du lịch này bài bản hơn…
3. Bí thư Quận ủy Võ Công Chánh nhậm chức vào tháng 3 năm 2016, chưa đầy một năm trước thời điểm kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và cũng từng ấy năm thành lập quận Liên Chiểu. Chưa gọi là lâu, nhưng ông vẫn cảm nhận được niềm vui rạng ngời trên gương mặt cán bộ lẫn người dân Liên Chiểu khi hàng loạt công trình mới ra đời như: tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, Hầm đường bộ Hải Vân, Nút giao thông khác mức ngã ba Huế, Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng... Niềm vui không sao giấu được của phụ huynh, học sinh khi những ngôi trường mới mọc lên ngày càng nhiều hơn và khang trang hơn. Nụ cười được công nhân sáng chiều mang vào các nhà máy, xí nghiệp. Ánh mắt rạng ngời trên gương mặt nông dân với vụ mùa bội thu qua những mô hình nông trại đô thị ngày càng mở rộng; ngư dân đưa tàu thuyền cập bến với tôm cá đầy khoang...
Bước qua năm thứ 21, là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư và kỷ luật, kỷ cương hành chính” của quận, ông tin rằng sẽ có nhiều niềm vui, nụ cười, ánh mắt rạng ngời hơn nữa, nhất là với giới công nhân.
Bởi lẽ, quận đề nghị thành phố kêu gọi, khuyến khích cũng như có cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư trên địa bàn quận; đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ trên cơ sở Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020 của thành phố. Những khó khăn, vướng mắc về môi trường đầu tư đã được tháo gỡ sau khi quận chủ động gặp, đối thoại với 150 doanh nghiệp tiêu biểu về nộp thuế, đại diện cho 2.500 doanh nghiệp thuộc quận quản lý.
Năm 2018, ông cho biết, lãnh đạo quận sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố tổ chức hội thảo chuyên đề để thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, lãnh đạo quận chỉ đạo cho các ngành tập trung xử lý các vướng mắc về giải tỏa, đền bù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của chủ đầu tư; tham gia tháo gỡ một số khó khăn về thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.
Liên Chiểu ban đầu là tên một con sông bắt nguồn từ suối Lương phía Nam chân núi Hải Vân, chảy qua một làng quê cùng tên; xưa thuộc tổng Thái Hòa, huyện Hòa Vang; nay thuộc khu vực Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Liên Chiểu, trong chữ Hán có nghĩa là ao sen, tương truyền ngày trước do nơi này trồng nhiều hoa sen nên tiền nhân đã nhân đó đặt tên sông, tên làng. Nhà thơ – nhà giáo Nguyễn Hoàng Thọ, trong bài “Dưới bóng quê nhà” có câu thơ theo ý đó: “Tôi đi trên đường vòng cung ôm biển lớn. Hương sen Liên Chiểu ngát bờ xa”.
Trong cách nghĩ của Bí thư Võ Công Chánh, tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành là một vòng cung uốn theo chiều dương của biểu đồ thể hiện một Liên Chiểu tự tin xây dựng đô thị giàu mạnh, văn minh thời gian tới...
Bí thư Quận ủy Võ Công Chánh: 3 yếu tố quyết định thành công của Liên Chiểu Thứ nhất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng được hoàn thiện theo hướng hiện đại. 21 năm qua, trên địa bàn quận đã xây dựng hàng trăm công trình với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nên đã làm thay đổi diện mạo đô thị của quận. Thứ hai, hiện đại hóa công tác điều hành quản lý, nâng cao chất lượng cán bộ. Với 5/5 phường điện tử, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo bước chuyển trong quan hệ giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Thứ ba, sức mạnh từ sự đồng thuận của lòng dân. Để khoác lên mình chiếc áo mới đô thị từ 3 xã thuần nông như hôm nay, Liên Chiểu đã triển khai 160 dự án xây dựng với gần 27.000 hộ giải tỏa, 70% hộ dân trong diện giải tỏa bị biến động. Và hầu hết các công trình đều về đích đúng tiến độ, rất ít hộ bị cưỡng chế. Để thực hiện được việc này, hàng nghìn hộ dân đã đóng góp trên 7,2 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên hàng chục ngàn m2 đất cùng vật kiến trúc, hoa màu trị giá trên 40 tỷ đồng. Chính sự đồng thuận cao của nhân dân cùng Đảng bộ, chính quyền quận làm “thay da đổi thịt” cho mảnh đất quê hương. Đây là sự cống hiến to lớn của nhân dân vì sự phát triển của quận nói riêng và thành phố nói chung. Tất cả sẽ là động lực để Liên Chiểu tiếp bước thành công trong năm 2018 và những năm tiếp theo. |
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ